Giành giật sự sống
Ung thư vú. Những từ mà người ta đã lạnh lùng chẩn đoán đã khiến cho cuộc sống của tôi đảo lộn và thay đổi hẳn. Những từ đó dấy lên trong tôi biết bao cảm xúc lẫn lộn: giận dữ, sợ hãi, và cả hận thù.
Giờ đây dường như điều đó đã qua lâu rồi - từ thời điểm năm 1982 khi bác sĩ thông báo cho tôi biết tình trạng bệnh của mình, đến nay cũng đã chuyển sang một thế kỷ khác. Tôi có thể nhớ về cái ngày và giây phút khủng khiếp đó rõ mồn một như thể nó vừa mới xảy ra hôm qua vậy.
Cảm giác sợ hãi vẫn còn hằn sâu trong ký ức tôi. Năm 1982, lúc đó tôi 47 tuổi. Tôi thường xuyên chạy bộ và tôi cũng đã từ bỏ rượu bia, thuốc lá và các loại thịt đỏ từ rất lâu rồi. Vậy thì làm sao tôi lại có thể mắc căn bệnh ung thư vú?
Chắc hẳn phải có một sự nhầm lẫn ở đây.Người khác mắc căn bệnh này còn có thể hiểu được vì họ không quan tâm đến bản thân chứ tôi thì không thể. Thật không công bằng!Tôi cảm thấy thương hại cho bản thân mình và tôi ghét cảm giác đó vô cùng.
Tôi là một phụ nữ khỏe mạnh, tự tin - những đức tính thường thấy ở một trung úy trong lực lượng không quân Hoa Kỳ. Tôi là người đã phá vỡ những định kiến trước khi mọi người thực sự nhận ra điều đó.
Sau hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, tôi hầu như tự mình nuôi dạy hai đứa con năng động, thông minh của mình. Tôi đã hoàn tất chương trình đại học và thậm chí đã lấy được bằng tiến sĩ. "Tôi là phụ nữ. Tôi có sức khỏe. Ăn nói lại mạnh mẽ."
Tôi thuộc mẫu người cứng rắn thế thì tại sao tôi phải sợ, tại sao phải khóc? Nước mắt chỉ dành cho những kẻ yếu đuối. Hệ giá trị, bản sắc và cả thế giói quan của tôi đang bị lung lay trước một sự thật phũ phàng. Mọi thứ đều đảo ngược, và tôi thực sự sợ hãi.
Nỗi đau đớn từ những mâu thuẫn rồi sẽ trở thành điều bí ẩn của những nghịch lý. Ảnh minh họa.
Tôi còn bao nhiêu thời gian nữa? Tôi đã phải tự chăm sóc bản thân mình từ năm mười bốn tuổi mà chưa hề cầu xin sự giúp đỡ của ai cũng như chưa bao giờ cần đến điều đó. Nhưng bây giờ tôi, đang rất cần sự cứu giúp của một ai đó, nhưng tôi phải cầu xin ai và xin như thế nào đây?
Giận dữ, điên loạn rồi than thân trách phận tất cả như những lưỡi dao cứa vào tâm hồn tôi bằng những vết cắt sâu và sắc bén, như thể có một con quái vật đang lồng lộn cào xé tâm can tôi. Cảm giác bấn loạn, hoang mang lẫn lộn luôn trỗi dậy trong tôi - đó cũng là khởi đầu cho một cảm giác quay cuồng điên loạn.
Để làm dịu bớt nhũng cảm giác có tính hủy diệt như thế, tôi quyết định trở lại với bác sĩ lâm sàng của mình. Như một cách để phủ nhận, kiềm nén, lảng tránh sự thật, tôi đã bấu víu vào bất kỳ thứ gì, miễn là nó có thể giúp tôi tạm lắng bớt nỗi đau đớn đó.
Sự thâm nhiễm các ung thư biểu mô là một dạng ung thư di căn nhanh chóng nhưng diễn ra rất thầm lặng. Các bác sĩ đã theo dõi căn bệnh trong vòng ba năm kể từ khi tôi thông báo về khối u khả nghi trong ngực phải của mình.
Bây giờ thì kích cỡ của khối u đó đã phát triển lớn bằng một quả bóng chơi gôn. Tôi biết bởi vì tôi đã nhìn thấy nó. Tôi đã yêu cầu được quan sát ca phẫu thuật, và tôi đã tận mắt chứng kiến họ cắt bỏ một khối mô đã chết, có kích thước lớn, màu đỏ trông rất gớm ghiếc.
Nhưng do các tế bào ung thư đã lan khắp ngực nên các bác sĩ bảo rằng họ cần phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một bên ngực để có thể triệt tiêu các tế bào ung thư gốc.
Ngay khi tôi bình phục sau ca phẫu thuật ấy, họ lại phải cắt bỏ cả phần ngực còn lại của tôi vì nó cũng có nguy cơ ung thư rất cao. Tuy nhiên, điều tệ hại nhất là trong suốt thời gian ba năm các bác sĩ "theo dõi" khối u, họ lại để nó ăn vào xương và phổi trái của tôi.
Suy sụp vì cảm giác bị phản bội bởi hệ thống y tế và bởi chính cơ thể mình, tôi tình nguyện tham gia vào một nghiên cứu chữa trị bệnh ung thư vú được tiến hành bỏi bác sĩ kiêm nhà văn John McDougall.
Tôi phải tuân thủ một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt (hoàn toàn không sử dụng đến các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật).
Tôi sẽ thử mọi cách để cứu lấy cuộc sống của chính mình. Trở ngại duy nhất ở đây là tôi không được làm hóa trị liệu hay xạ trị bởi các bác sĩ muốn biết liệu một người chỉ ăn kiêng không thôi thì có thể chống lại căn bệnh ung thư được hay không.
Tôi có kể chuyện này vói người chồng lúc đó của tôi. Anh ta cho rằng tôi thật không bình thường khi nghĩ rằng ăn kiêng sẽ có tác dụng tốt đối vói căn bệnh ung thư vú, và anh ta cũng nghĩ rằng tôi đã rơi vào tay của một ông lang băm.
Hơn nữa, chồng tôi còn nói rằng anh ta rất đỗi ngạc nhiên khi tôi lại cả tin vào những "chuyện rác rưởi" như thế. Tất cả bạn bè cũng như gia đình của tôi đều không biết nên khuyên can tôi như thế nào. Vì vậy tôi quyết định đi theo con đường mà mình đã chọn.
Vào thời điểm phải thực hiện những cuộc chẩn đoán, tôi tình cờ xem được một sự kiện thể thao trên truyền hình với tên gọi là "Cuộc thi thể thao 3 môn phối hợp dành cho những người có ý chí bằng thép".
Tôi thực sự bị lôi cuốn khi xem những vận động viên trẻ tuổi xuất sắc trổ tài. Sau khi bơi được 2,4 dặm, họ tiếp tục đạp xe qua 112 dặm rồi cuối cùng là chạy thêm 26,2 dặm đường.
"Mình cũng muốn làm được điều đó." Rồi tôi chợt nhớ: "Mình là một bệnh nhân ung thư, và 47 tuổi đã là quá già để tham gia cuộc thi này".
Nhưng đó không phải là một suy nghĩ tiêu cực mà là sự mách bảo của lý trí. Xét kỹ ra thì không một phụ nữ nào ở độ tuổi này lại tham gia cuộc thi dành cho "Những người thép".
Bình tĩnh, lạc quan, người phụ nữ 47 tuổi chứng minh bệnh tật hiểm nghèo không phải là trở ngại trong cuộc sống của mình. Hình minh họa.
Nhưng ý định đó vẫn không biến mất khỏi đầu tôi. Vói chế độ ăn kiêng mới, tôi thấy mình mạnh mẽ hơn, sung sức hơn, nhanh nhẹn hơn và khỏe mạnh hơn. Tôi quyết định sẽ tham gia vào cuộc thi ấy. Tôi tăng cường tập chạy và tập thêm các môn bơi lội, đạp xe và thậm chí cả cử tạ nữa.
Tất nhiên, các bác sĩ bảo tôi là người hoàn toàn mất trí. Họ nói: "Cô nên nghỉ ngơi đi thì hon. Những động tác gắng sức như thế đều không tốt cho sức khỏe của cô.
Chạy bộ (đòi hỏi ít sức chịu đựng hơn bơi lội và đạp xe 100 dặm) sẽ làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cô." Đó cũng chính là lúc tôi thôi không còn lệ thuộc hoàn toàn vào lời khuyên của bác sĩ.
Nhớ lại những ngày đó, trước khi mọi người biết đến cuộc thi này thì hầu như không có nhiều sự hướng dẫn rằng phải tập như thế nào cho những cuộc đua đòi hỏi nhiều sức chịu đụng như vậy.
Vì thế tôi chỉ biết cố sức tập bơi cho đến khi không thể nhấc nổi cánh tay lên được nữa, đạp xe cho đến khi không thể nhấn bàn đạp được nữa, ra sức chạy cho đến khi không thể lê thêm một bước nào nửa và cố nâng tạ có trọng lượng càng nặng càng tốt mà vẫn giữ cho bản thân không bị thương tổn.
Để thích nghi vói các điều kiện của cuộc tranh tài chính thức, tôi đã tham gia tất cả các cuộc thi mà tôi biết.
Nếu trong cùng một ngày mà có đến hai cuộc thi thì càng tốt bởi nó buộc tôi phải thi đấu ngay cả khi tôi đã mệt nhoài, và tôi biết đó là điều mà tôi sẽ đối mặt trong cuộc thi dành cho "Những người thép".
Tôi đã tham gia cuộc thi "Cuộc hành trình đến mặt trời". Chúng tôi phải chạy một quãng đường dài 37 dặm để lên được đỉnh núi Haleakala cao trên 3000 mét nằm trên đảo Maui, Hawaii.
Tôi còn nhớ lúc leo lên được 26 dặm và ngoái lại nhìn đại dương bao la xa tít phía dưới, tôi không thể tin được rằng đôi chân này đã đưa tôi vượt qua chặng đường dài như một cuộc đua marathon thật sự. Rồi tôi quay lại nhìn đỉnh núi trước mặt, còn những hơn 10 dặm.
Phản ứng đầu tiên trong tôi là "Chắc mình không thể hoàn thành chặng đường này". Tiếp đó tôi lại nghĩ "Này, nếu mói như thế này mà đã nghĩ là gian nan thì khó khăn gấp bội đang chờ đón người trong cuộc thi "Những người thép"".
Suy nghĩ đó đã giúp tôi tiếp tục. Nếu bỏ ngang đây, làm sao tôi có thể đối mặt với cuộc thi sắp tới? Vận dụng cách suy nghĩ như thế đã giúp tôi rất nhiều trong những tháng ngày sau đó.
Thi đấu và giành được những thứ hạng cao trong những cuộc thi được tổ chức dành cho lứa tuổi của tôi giúp tôi tự tin hơn.
Quyết không đầu hàng số phận và thành quả bất ngờ!
Tôi thấy mình trở nên mạnh mẽ hơn và cơ bắp cũng săn chắc hơn trước rất nhiều - một điều mà tôi không nghĩ là mình sẽ đạt được.
Tôi cũng vượt qua được đợt kiểm tra ung thư sau đó: những đốm nhỏ trong xương - từng là nguyên khiến tôi vô cùng tuyệt vọng vì những nghĩ rằng đó là dấu hiệu ung thư nay đang dần biến mất và khối u trong phổi cũng không phát triển thêm nữa.
Tất cả những điều này đã giúp tôi tránh khỏi những đợt hóa trị liệu và xạ trị đồng thời cho phép tôi được tiếp tục tham gia cuộc nghiên cứu tính hiệu quả của chế độ ăn kiêng.
Dấu vết duy nhất khiến tôi nhớ rằng mình đang mắc một chứng bệnh ung thư chính là hai vết mổ còn tấy đỏ, sâu và dài hằn in nơi vùng ngực của tôi – giờ đã phẳng lì như ngực của đàn ông. Vì phải luyện tập thường xuyên, phải tắm và thay áo quần vài lần mỗi ngày nên vết tích ấy cứ luôn xoáy thẳng vào mắt tôi.
Tôi rất muốn có một cơ thể bình thường như trước kia. Các bác sĩ phẫu thuật tạo hình đã mang lại cho tôi một sự lựa chọn vô cùng tuyệt vời: giờ đây tôi có thể có một bộ ngực với kích cỡ tùy thích. Họ hỏi tôi: “Cô có muốn một bộ ngực với kích cỡ C không? chúng tôi có thể giúp cô thực hiện điều đó”.
Tôi trả lời rằng tôi không quá tham lam như thế đâu. “Tôi chỉ muốn những gì trước đây tôi đã có, một bộ ngực trung bình cỡ B thôi”. Đã thế, họ còn giúp tôi có được điều mà trước giờ tôi vẫn nghĩ là không thể: một bộ ngực không bao giờ bị… lõm xuống.
Tôi tin rằng chúng ta nên luôn nhìn vào mặt tích cực của cuộc sống và giờ đây ở độ tuổi 68, tôi thật sự hiểu rõ giá trị của điều này.
Hiện giờ, trên cơ thể tôi chẳng còn một dấu vết nào của căn bệnh ung thư nữa. Tôi vẫn tiếp tục chế độ ăn kiêng, tôi ăn rất ít chất béo trong vòng hơn 20 năm qua; tôi chưa bao giờ cảm thấy mình khỏe mạnh, săn chắc như thế này.
Ý chí là chìa khóa vượt ải "tử thần"
Tính đến hôm nay, tôi đã tham gia cuộc thi "các môn thể thao phối hợp dành cho những người thép" được 6 lần, hơn 100 cuộc thi nhỏ khác, tổng cộng 67 cuộc chạy marathon và hàng trăm cuộc chạy có cự ly ngắn hạn khác.
Năm 1999, tôi được tạp chí "Sống Khỏe" bầu chọn là một trong mười phụ nữ khỏe nhất nước Mỹ.
Tháng hai năm 2000, trong cuộc thi "Thời đại khỏe mạnh", số điểm của tôi tương đương với số điểm của một cô gái 32 tuổi khỏe mạnh khác. Điểm thi aerobic của tôi tương đương điểm của một cô gái 16 tuổi.
Mật độ xương của tôi đã tăng trong suốt những năm khi tôi ở độ tuổi 50-60, điều mà ai cũng nghĩ rằng là không thể vì hầu hết mọi người đều cho rằng mật độ xương sẽ giảm đi bởi quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.
Huyết áp của tôi là 90/60, lượng cholesterol dưới 150. Cơ thể tôi chỉ có 15% là mỡ, và lượng sắt trong máu thì xếp trên cùng trong các thang biểu đồ.
Mật độ xương của tôi đã tăng trong suốt những năm khi tôi ở độ tuổi 50-60, điều mà ai cũng nghĩ rằng là không thể vì hầu hết mọi người đều cho rằng mật độ xương sẽ giảm đi bởi quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.
Huyết áp của tôi là 90/60, lượng cholesterol dưới 150. Cơ thể tôi chỉ có 15% là mỡ, và lượng sắt trong máu thì xếp trên cùng trong các thang biểu đồ.
Tôi chia sẻ những thông tin về tình trạng sức khỏe của mình không phải để khoe khoang (mặc dù tôi rất tự hào về điều đó), nhưng tôi chỉ muốn nói rằng những gì mà tôi đạt được là nhờ vào sự nỗ lực tập luyện và tính kỷ luật của bản thân mình.
Từ khi ăn kiêng, tôi không còn dùng đến thịt hay các sản phẩm làm từ bơ, sữa nữa. Chính vì điều này, nhiều người nghĩ rằng tôi sẽ bị thiếu protein, canxi và sắt nhưng có lẽ tôi là một trường hợp đặc biệt trong y học.
Có thể chế độ ăn kiêng và sự luyện tập thể dục thường xuyên chưa phải là một giải pháp kỳ diệu cho tất cả mọi người nhưng tôi nghĩ mình là một ví dụ điển hình cho sự thay đổi phong cách sống và điều này cũng đáng được mọi người khám phá lắm chứ.
Và đâu phải chỉ có mình tôi. Hầu hết mọi người đều biết rằng Lance Amstrong - một nhà vô địch trong giải đua "Vòng quanh nước Pháp" - đã thể hiện sức mạnh trên đường đua như thế nào sau những lần vật lộn để chiến thắng căn bệnh ung thư.
Khi nào cuộc hành trình kinh hoàng này mới kết thúc? Liệu tôi có buộc phải giảm dần và chuyển sang tập luyện như những người cao tuổi?
Tôi thực sự không biết trước được nhưng tôi chỉ biết một điều rằng: Tôi đã từng mắc bệnh ung thư và bệnh đã di căn, lẽ ra lúc đó tôi đã buông xuôi nhưng sau cùng tôi quyết định phải sống. Tôi sẽ sống thật lâu, và chạy thật khỏe trong quãng đòi còn lại của mình.
Có thể sẽ rất ít người đi theo con đường mà tôi đã chọn, nhưng nếu việc chia sẻ kinh nghiệm của tôi có thể giúp một vài người tiếp tục tiến bước trong cuộc đấu tranh giành giật sự sống, thì điều này cũng đáng giá lắm chứ.
Bài viết trên được trích rút từ cuốn sách "Dành cho những con người vượt lên số phận" thuộc bộ sách nổi tiếng "Chicken Soup for the Golden Soul" – "Hạt giống tâm hồn" của tác giả Jack Canfield và Mark Victor Hansen.
Cuốn sách là chuỗi những câu chuyện gần gũi, dung dị nhưng gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa về giá trị sống cao đẹp, góp phần nuôi dưỡng hạt giống tâm hồn trong mỗi con người.
Sách do First News – Trí Việt phối hợp với NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phát hành.