Cách đây ít lâu, tại một buổi giao lưu, gặp gỡ trên kênh Truyền hình Pháp luật, Lý Nhã Kỳ đã chia sẻ nhiều điều về cuộc sống và những tâm nguyện của mình.
Tôi không nghĩ sẽ có đủ sức chiến đấu để kinh doanh mãi
Bất kì lĩnh vực nào làm việc tôi cũng đều tâm huyết, từ kinh doanh, nghệ thuật tới hoạt động xã hội.
Nhưng nghệ thuật đến một thời điểm nào đó cũng sẽ không làm được nữa, kinh doanh cũng vậy. Tôi không nghĩ sẽ có đủ sức chiến đấu để kinh doanh mãi. Tôi nghĩ, chỉ có hoạt động thiện nguyện mới là công việc tôi đi theo suốt đời.
Tôi từng trải qua nhiều biến cố trong tuổi thơ của mình. Tôi cũng là người kém may mắn khi xuất thân từ một gia đình khó khăn. Hồi nhỏ, tôi rất nghèo.
Vì vậy, tôi rất đồng cảm với những hoàn cảnh kém may mắn như mình và muốn làm gì tốt giúp đỡ cho xã hội, cộng đồng. Đó là cái tôi sẽ theo đuổi suốt cuộc đời mình.
Mọi người ưu ái tôi thôi, chứ tôi nghĩ mình không phải hình mẫu quá hoàn hảo cho mọi phụ nữ ngưỡng mộ đâu. Tôi chỉ nghĩ rằng, mình sống phải đáng, làm những gì đáng để sống.
Có như vậy, tôi mới có thêm nhiều năng lượng, ý chí phấn đấu, biết trân trọng cuộc sống nhiều hơn.
Nếu sai, tôi sẽ xin lỗi, còn nếu không sai, tôi cứ ngẩng cao đầu mà đi
Tôi chưa bao giờ tự tạo áp lực cho mình. Tôi chỉ làm những gì trong tầm kiểm soát và khả năng có thể của mình thôi. Áp lực lớn nhất của tôi là muốn làm những gì không ảnh hưởng tới gia đình.
Mỗi khi làm gì đó, tôi đều thận trọng vì sợ có những thông tin không tốt hay thị phi gây ảnh hưởng tới gia đình. Đó chính là áp lực lớn nhất của tôi. Tôi áp lực về gia đình nhiều hơn áp lực về bản thân như nổi tiếng, giàu có.
Nếu tôi bị thị phi, tôi sẽ đối diện với nó. Nếu sai, tôi sẽ xin lỗi, còn nếu không sai, tôi cứ ngẩng cao đầu mà đi.
Tuy nhiên, mẹ là lớn nhất với tôi nên tôi luôn nghĩ về mẹ. Đôi khi mẹ là người ngoài cuộc nên không muốn con gái bị thế này thế kia, thành ra áp lực cho chính mẹ. Vì thế, tôi phải tránh mọi áp lực cho mẹ.
Vì sợ tạo áp lực cho mẹ nên tôi luôn phải cẩn thận, để mẹ không lo lắng. Mẹ tôi luôn chịu đựng và biết hi sinh. Lúc bố tôi bệnh, mẹ tôi mới ngoài 30, nhưng chưa bao giờ nghĩ tới chuyện đi bước nữa mà luôn chăm lo cho chồng cùng các con nhỏ.
Bố tôi đã mất lâu rồi. Hồi xưa, bố tôi là thương binh, khi mất được phong liệt sĩ. Bố tôi là người khiến tôi tự hào nhất. Tôi cảm thấy may mắn không phải vì mình đang có thành tựu gì mà vì tôi có người cha anh hùng. Ông là người cha rất tuyệt vời.
Chính những suy nghĩ, lí tưởng của bố đã truyền tải cho tôi, giúp tôi trở nên kiên cường, mạnh mẽ và biết chịu đựng. Tôi thực sự may mắn vì sinh ra trong một gia đình tuy không giàu có nhưng cha mẹ đều tuyệt vời.
Bố mẹ là động lực giúp tôi sống tốt hơn. Tôi thấy những khó khăn mình gặp phải không là gì so với những gì bố mẹ từng trải qua và hi sinh vì tôi.
Năm 17 tuổi, tôi đã dám sang Đức để vừa học vừa kiếm tiền
Hồi nhỏ, tôi trưởng thành hơn bạn bè cùng trang lứa. Từ khi 7 tuổi, tôi đã phải chăm bố. Lúc đó, tôi đã biết chữa vết thương, chăm người ốm. Nhà tôi không có tiền đi học thêm nên tự biết đi bán hạt dưa kiếm thêm tiền những lúc tan trường.
Từ nhỏ, tôi đã có ý thức phải sống vì gia đình, bố mẹ rồi. Bởi vậy, bố mẹ hầu như không phải bận tâm vì tôi, chứ không phải như những đứa trẻ 7 tuổi khác còn phải nhờ bố mẹ đưa đi học.
Tôi sống vì bố, nên năm 17 tuổi, tôi đã dám sang Đức để vừa học vừa kiếm tiền. Lúc đó, tôi nghĩ nếu cứ ở Việt Nam thì không biết bố mẹ có đủ tiền cho tôi học đại học không.
Vì vậy, tôi mới quyết đi nước ngoài để có thể tranh thủ vừa học vừa làm thêm kiếm tiền đóng học, gửi về gia đình.
Hơn nữa, từ nhỏ tôi đã có đầu óc kinh doanh rồi, nên lúc sang Đức, tôi không nghĩ mình sẽ làm nên thành tựu gì mà chỉ đơn giản là muốn có tiền lo cho bố. Tôi phải làm sao để duy trì cuộc sống cho bố càng lâu càng tốt. Dù bố bị liệt, nhưng luôn là chỗ dựa tinh thần của cả gia đình.
Từ khi bố mất, tôi cảm thấy hụt hẫng, không còn sức chiến đấu hay cố gắng như xưa nữa.
Trước đây, tôi làm việc không mệt mỏi, một ngày làm thêm nhiều công việc vì nghĩ cho bố. Nhưng từ khi bố mất, tôi muốn buông xuôi vì không còn mục tiêu gì nữa.
Ảnh hưởng của bố tới tôi lớn tới mức, khi bố mất, tôi không tin đó là sự thật, người cứ lâng lâng. Thậm chí, tới ngày chôn bố, tôi còn nghĩ tới chuyện người chết sống lại, dù biết đó chỉ là chuyện không có thật.
Tôi còn nói với mẹ đừng chôn bố vội vì sợ nếu bố có sống lại thì không biết phải mở quan tài như thế nào.
Năm đó, tôi 23 tuổi, nhưng còn ngây thơ tới mức tin vào câu chuyện đi tới bậc cuối cầu thang ở Chùa Hương thì sẽ lên thiên đàng. Tôi muốn bước lên đó để được gặp bố một giây thôi cũng được.
Nhưng tôi chợt nhận ra mình còn mẹ, nên cần phải tìm cho mình một mục tiêu mới.
Tôi quyết định đổi tên, lấy tên bố làm tên mình để tự răn đe mình
Sau đó, tôi nghĩ mình phải làm gì liên quan tới bố. Lúc bố còn sống và mới mất, tôi vẫn chưa thành đạt. Vì vậy, tôi muốn phải thành đạt, phải là người trụ cột của gia đình, bảo vệ mẹ, giúp chị em đoàn kết. Đó chính là điều bố tôi mong muốn.
Tôi tự thấy, nếu tôi mất phương hướng thì vô dụng, không hoàn thành tâm nguyện của bố, nên tôi phải đứng dậy.
Tôi quyết định đổi tên, lấy tên bố làm tên mình để tự răn đe mình. Nếu tôi sống tốt thì cái tên đó được mọi người yêu quý. Còn tôi sống không tốt thì sẽ bị mọi người chửi, la tên bố.
Tôi nghĩ theo tâm linh, tự thấy rằng, nếu cái tên này bị lôi ra nói, chửi bới thì linh hồn của bố cũng không được an vui, nên buộc phải sống tốt để mọi người khen ngợi. Đó là món quà tôi dành cho bố mình.
Bố tôi tên Lý, nếu đặt kèm với tên thật của tôi là Thanh Nhàn thì nghe không hợp lắm. Bởi vậy, tôi mới mở từ điển ra để chọn một từ ý nghĩa nhất. Sau một hồi chọn lựa, tôi đặt ra tên Lý Nhã Kỳ để thể hiện sự vĩnh cửu, trường tồn. Cái tên này giúp tôi gửi tình yêu của mình tới bố mãi mãi, không thay đổi.
Khi đổi tên, tôi đã hỏi qua ý kiến mẹ và được mẹ ủng hộ. Lúc đó, tôi chỉ có tâm nguyện duy nhất là sống thật tốt, sống cho xứng đáng để bố không bị ai nói gì hết.
Trong cuộc đời tôi đi sẽ có nhiều cạm bẫy, cám dỗ mà tôi dễ vướng vào. Vì thế, cái tên này sẽ luôn giúp bố bên tôi để thức tỉnh tôi, cản tôi lại nếu tôi có vướng vào đó và nhắc tôi suy nghĩ kĩ mọi việc trước khi làm.