Theo các thông tin mới đây, một doanh nhân người Anh có tên Steve Walsh dường như đã bị nhiễm virus corona tại Singapore. Sau đó, ông tới Pháp, Thụy Sĩ và trở về Anh. Trên quãng đường di chuyển, ông Walsh đã lây bệnh cho 11 người và được tờ Washington Post đặt biệt danh "người siêu lây nhiễm".
Ngày hôm qua (11/2), ông Walsh cho biết đã "hoàn toàn bình phục". Virus coronas chủng mới, với tên gọi chính thức COVID-19, tới thời điểm hiên tại đã lây nhiễm tới 44.653 người và khiến 1.113 người tử vong ở Trung Quốc. Bệnh đã lây lan sang hơn 20 quốc gia, tuy nhiên điểm nóng nhất vẫn là tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Theo phỏng đoán từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), COVID-19 lây từ người sang người thông qua những hạt nước nhỏ từ ho và hắt hơi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu COVID-19 có khả năng lây nhiễm cao tới mức nào. Dựa trên các dữ liệu hiện có, tờ CNBC đưa ra một số thông tin dưới đây, lí giải về "người siêu lây nhiễm".
Thế nào là người siêu lây nhiễm?
Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm Y tế Đại học Johns Hopkins và thành viên của Tổ chức nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm Mỹ, cho rằng khái niệm "người siêu lây nhiễm" là cụm từ chỉ những người có thể lây virus cho người khác với số lượng cao bất thường. Hay nói cách khác, những người này lây lan bệnh "hiệu quả" hơn người thường.
Để xác định một người có phải người siêu lây nhiễm hay không, có thể dựa vào chủng loại virus, loại bệnh và tỉ lệ lây lan thông thường. Ví dụ, trong đợt SARS năm 2003, một người bình thường sẽ lây trực tiếp cho trung bình khoảng 2,75 người khác, trong khi một người siêu lây nhiễm sẽ lây trực tiếp cho 10 người hoặc hơn. Trong trường hợp virus corona, các chuyên gia ước tính mức lây nhiễm trung bình là từ 1,5 tới 3,5 người. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa biết ngưỡng của người siêu lây nhiễm virus COVID-19 là bao nhiêu.
Điều gì khiến một người trở thành người siêu lây nhiễm?
Robert Amler, trưởng khoa Khoa học và Thực hành Y tế tại Đại học Y khoa New York và cựu giám đốc y khoa tại CDC, cho rằng có nhiều yếu tố phức tạp khác nhau khiến một người sở hữu "năng lực" bất đắc dĩ này.
Ông Amler cho rằng nguyên nhân có thể nằm ở mặt sinh học. Một người có thể nhiễm nhiều virus, nhiễm nhanh hơn và dễ dàng hơn người khác, và vì lí do đó họ cũng dễ dàng khiến người xung quanh bị lây bệnh. Hoặc là, nếu một người có hệ miễn dịch yếu, họ có thể không hồi phục nhanh như mọi người và khiến virus có thêm nhiều thời gian để lây lan.
"Một trường hợp khác có thể xét tới là những địa điểm họ tới. Nếu một người tham gia những sự kiện ở nơi đông đúc, họ có khả năng lây bệnh cho nhiều người hơn".
Ví dụ, trong đợt bùng phát dịch SARS, đã có 5 trường hợp siêu lây nhiễm được phát hiện tại bệnh viện, một trong số đó là bác sĩ và đã phải cách ly tại khách sạn. Ông Walsh được cho là đã nhiễm bệnh tại một hội thảo kinh doanh ở Singapore và lây lan cho nhiều người khác khi tới một khu nghỉ dưỡng ở Pháp.
Những căn bệnh truyền nhiễm khác
Tờ Guardian cho biết, y học đã phát hiện và ghi chép lại nhiều trường hợp về người siêu lây nhiễm. Đầu những năm 1900, một phụ nữ đã lây bệnh thương hàn cho 51 người mặc dù cô không có triệu chứng của bệnh. Gần đây, một học sinh cấp 3 Phần Lan đã lây bệnh sởi cho 22 người khác vào năm 1998, mặc dù 8 trong số những người này đã được tiêm vaccine. Năm 1995, 2 người bệnh được cho là đã lây nhiễm virus Ebola cho 50 người khác tại Congo. Năm 2003, trong đại dịch SARS, một số ít người siêu lây nhiễm đã khiến hàng chục người bị lây bệnh.
Có cần phải quá lo lắng vì người siêu lây nhiễm không?
Ông Amler cho hay, nhìn chung không có nhiều người siêu lây nhiễm trên thế giới. Tuy nhiên, phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh.
Điều đó có nghĩa rằng người dân vẫn nên rửa tay thường xuyên với nước, xà phòng hoặc nước rửa tay, tránh chạm vào mặt, nên ở nhà nếu ốm. Tránh tiếp xúc gần với những người bệnh, che miệng khi ho và sử dụng giấy khi hắt hơi.