Hình ảnh hiện trường vụ không kích do Mỹ thực hiện ở biên giới Syria-Iraq (Ảnh: Maxar)
Sự việc bất thường diễn ra vào cuối tuần trước, khi ông John Kirby, thư ký báo chí Lầu Năm Góc vội vã làm rõ rằng đòn không kích mà Mỹ thực hiện ở Iraq và Syria là nhằm vào các cơ sở mà nhóm phiến quân Iran hậu thuẫn sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào binh sĩ Mỹ ở Iraq.
Ông Kirby gọi đòn không kích này là "cần thiết, phù hợp và là hành động được tính toán nhằm hạn chế nguy cơ tăng căng thẳng". Ông thêm rằng đòn không kích gửi đi một "một thông điệp rõ ràng", thế nhưng lại không nói rằng Mỹ gửi thông điệp này cho ai?!.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng đưa ra một tuyên bố nói rằng đòn không kích dường như là "cách phản ứng có chủ đích và tính toán trước một mối đe dọa nghiêm trọng và cụ thể".
Bà Pelosi vốn là một chính trị gia đầy kinh nghiệm, và những phát ngôn của bà mang tầm ảnh hưởng lớn tới những lợi ích quốc gia của Mỹ.
Quan trọng hơn, bà Pelosi hóa ra lại là một người bạn lâu năm của Ngoại trưởng Iran Javad Zarif.
Bà dường như đang gửi đi một thông điệp quan trọng tới Tehran để không có sự mơ hồ về dự định của Mỹ, và đòn không kích của Mỹ sẽ được xem ở khía cạnh đúng đắn hơn – đó là mang tính chất phòng vệ và đánh phủ đầu chứ không phải là hành động khiêu khích.
Để làm rõ, cả bà Pelosi và ông Kirby đều biết rằng đòn không kích của Mỹ được thực hiện ngay trong khi mà các nhà ngoại giao đến từ Iran, Mỹ, châu Âu đang chuẩn bị cho một vòng đối thoại mang tính quyết định ở Vienna, Áo và được dự kiến là sẽ cho ra kết quả đồng thuận trong việc vãn hồi Thỏa thuận Hạt nhân Iran – Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA).
Trên thực tế thì các vòng đàm phán ở Vienna đang được đẩy nhanh, và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng sẽ hoàn tất một thỏa thuận trước khi tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 3/8.
Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi (Ảnh: AFP)
Sức ép gia tăng
Ở phía bên kia, Tehran cũng kỳ vọng rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ được gỡ bỏ sớm. Chủ nhật tuần trước, sau cuộc họp với các thành viên Hội đồng chính sách Ngoại giao và An ninh Quốc gia, nhà đàm phán hàng đầu của Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araqchi, trả lời phỏng vấn báo chí như sau:
"Khi Mỹ rút khỏi JCPOA và Iran quyết định ở lại, chính quyết định lớn lao và khó khăn của Iran đã giúp cho JCPOA còn sống đến hiện tại. Giờ đến lượt các bên khác, và từ các cuộc đàm phán mà chúng tôi tổ chức đến giờ, họ cần phải quyết định xem làm thế nào hồi sinh JCPOA để hai bên có thể đạt được thỏa thuận".
Iran cũng đang ở thế cân bằng. Một thỏa thuận giữa Iran với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) được ký từ hồi tháng 2 giờ đã hết hạn. Và giờ Iran được quyền không công khai những hình ảnh và dữ liệu về các cơ sở hạt nhân của họ với IAEA.
Nhưng nếu Iran lựa chọn như vậy, cộng đồng quốc tế sẽ không thể biết chính xác điều gì đang diễn ra bên trong những cơ sở hạt nhân của Iran.
Vậy gia hạn thỏa thuận đó hay không gia hạn nữa – đó là câu hỏi. Và Iran có thể tận dụng điểm này để thuyết phục Mỹ gỡ bỏ lệnh trừng phạt mà không cần phải chần chừ nữa.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh từng nói trong một đoạn tweet rằng "Iran sẽ không đàm phán mãi mãi".
Cuối tuần trước, Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Baqer Qalibaf dường như ám chỉ rằng Tehran sẽ không chia sẻ với IAEA các đoạn video ghi lại các hoạt động hạt nhân của họ nữa. Ông nói rằng giai đoạn 3 tháng đã qua đi và "chả có gì được làm mới, và kể từ đây, không có dữ liệu nào được ghi lại ở Iran sẽ được trao cho cơ quan này".
Đòn phủ đầu
Nhưng đến hôm đầu tuần này, ông Khatibzadeh khẳng định: "Chưa có quyết định nào được đưa ra về thỏa thuận kỹ thuật với cơ quan này (IAEA), về việc liệu có tiếp tục hay không". Rõ ràng cũng có sự chia rẽ về vấn đề này trong nội bộ chính quyền Tehran.
Và trong bối cảnh như vậy, nhiều người có thể nhìn nhận rằng Washington đã hành động một cách thiếu trách nhiệm khi không kích nhằm vào các nhóm vũ trang mà Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria giữa lúc các vòng đàm phán đang diễn ra ở Vienna.
Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ hơn, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Kirby đã nói rằng: "Các mục tiêu đã được lựa chọn, bởi các cơ sở này được các nhóm phiến quân Iran hậu thuẫn sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công bằng phương tiện bay không người lái nhằm vào nhân sự và cơ sở của Mỹ ở Iraq".
Những đòn tấn công bằng drone mà Mỹ đề cập tới xảy ra vào hôm thứ Bảy tuần trước, khi một nhóm drone vũ trang tấn công nhằm vào Erbil, thuộc vùng tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq, rất gần với địa điểm tòa Lãnh sự quán mới của Mỹ.
Trên thực tế, bà Pelosi cũng gọi đòn không kích của Washington là "phản ứng phù hợp trước một đối đe dọa nghiêm trọng và cụ thể".
Trong tuyên bố của mình, bà Pelosi còn nói:
"Các nhóm phiến quân Iran hậu thuẫn đã sử dụng những cơ sở này để tấn công đe dọa nhân sự của Mỹ, và các đồng minh của chúng ta. Quốc hội mong đợi nhận được thông báo chính thức về hoạt động này và thông báo cụ thể từ phía chính quyền".
Có nghĩa rằng, bà Pelosi nhấn mạnh rằng chính quyền Tổng thống Biden sẽ phải điều trần trước Quốc hội về cuộc không kích. Dễ đoán rằng ông Biden khó có thể ra lệnh thêm một đòn không kích như vậy.
Tình hình ở thực địa cũng cho thấy rằng, chính các nhóm phiến quân đã tấn công trước, và đòn tấn công phản ứng của Mỹ cũng không đến mức làm thay đổi cục diện hiện tại. Nhìn chung, đòn tấn công của Mỹ không phải một hành vi khiêu khích mà muốn gửi đi thông điệp rằng họ quyết tâm đưa ra hành động để bảo vệ người Mỹ ở Iraq trong mọi trường hợp.
Nhìn rộng hơn vào bức tranh ở Tây Á – Mỹ đang rút các hệ thống phòng không trong khu vực và Lầu Năm Góc đang trong quá trình rút quân khỏi Afghanistan – thì động thái vừa qua ở Mỹ là động thái phủ đầu.