Tác chiến điện tử đã trở thành “bàn chân vô hình” và “nắm đấm vô ảnh” trên chiến trường hiện đại, các quốc gia trên thế giới đặc biệt là các cường quốc quân sự nhìn chung rất coi trọng việc phát triển và ứng dụng các hệ thống, nền tảng tác chiến điện tử.
Máy bay tác chiến điện tử được ưa chuộng nhờ khả năng cơ động cao, hiệu quả tác chiến toàn diện. Nga là quốc gia hùng mạnh về tác chiến điện tử, máy bay tác chiến điện tử Porubshchik là đại diện tiêu biểu cho sự phát triển về năng lực tác chiến điện tử của nước này.
Máy bay tác chiến điện tử Il-22PP Porubshchik của Nga. Nguồn: people.com.cn.
Ra đời từ tình thế khẩn cấp và trở thành máy bay mạnh nhất thế giới
Việc đưa máy bay tác chiến điện tử vào tác chiến tương đương với việc thiết lập một "hàng rào" vô hình trong một vùng trời nhất định, vừa làm triệt tiêu một số tín hiệu của đối phương vừa đảm bảo thông suốt liên lạc của chính mình.
Tu-16P của Liên Xô là máy bay tác chiến điện tử được chế tạo trên cơ sở máy bay Tu-16. Năm 1993, chiếc Tu-16P mà Nga thừa kế từ Liên Xô đã ngừng hoạt động. Kể từ đó, lực lượng hàng không đặc biệt của Nga đã không có sẵn máy bay tác chiến điện tử phù hợp.
Mặc dù máy bay tác chiến điện tử An-12BK-IS được chế tạo từ những năm 1970 vẫn còn trong biên chế nhưng nó không có khả năng chế áp radar tần số biến thiên của đối phương, điều này làm giảm đáng kể khả năng sống sót trên chiến trường của máy bay chiến đấu Nga.
Năm 2009, Viện thiết kế thử nghiệm mang tên V. M. Myasishchev nằm ở ngoại ô Moscow, bắt đầu cải tiến ba chiếc máy bay Il-22, biến chúng thành máy bay được trang bị hệ thống tác chiến điện tử.
Năm 2011, máy bay Il-22 được trang bị hệ thống tác chiến điện tử mới đã được bay thử nghiệm. Năm năm sau, máy bay tác chiến điện tử Il-22PP Porubshchik mới được đưa vào biên chế trong Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.
Các thông số kỹ thuật cơ bản của máy bay tác chiến điện tử này là: tốc độ tối đa 675 km/h, trần bay 6.000-7.000 mét, tầm bay tối đa 6.500 km, hoạt động liên tục 12 giờ.
Porubshchik có phạm vi gây nhiễu tương đối rộng. Máy bay cảnh báo sớm tầm xa, máy bay chỉ huy trên không, máy bay trinh sát, máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không mặt đất (radar), trung tâm liên lạc và thậm chí cả hệ thống vũ khí của đối phương, miễn là chúng sử dụng các mô-đun chức năng vô tuyến, đều nằm trong phạm vi gây nhiễu của Porubshchik.
Cùng với đó, máy bay tác chiến điện tử Porubshchik sẽ không vô tình làm bị thương hệ thống thông tin điện tử của chính mình. Trước khi thực hiện gây nhiễu, máy bay có thể xác định tần số điện từ nào là của đối phương và tần số nào là của mình thông qua quét điện tử có độ chính xác cao và gây nhiễu có chọn lọc tần số hoạt động.
Porubshchik có thể được coi là một trong những máy bay tác chiến điện tử mạnh nhất trên thế giới, nó có thể chế áp nhất định các radar tìm kiếm đường không, radar dẫn đường tên lửa đất đối không của đối phương và các tên lửa hành trình trong giai đoạn giữa hay các kênh sửa đổi, liên kết dữ liệu chiến thuật thường được sử dụng bởi quân đội Mỹ và các đồng minh NATO.
Lực lượng Không quân Nga tuyên bố rằng khả năng sống sót trên chiến trường của các máy bay chiến đấu thuộc Lực lượng Không quân Nga đã tăng gấp đôi do việc sử dụng máy bay tác chiến điện tử Porubshchik.
Kịp thời thúc đẩy chuyển đổi và nâng cấp
Sự phát triển của công nghệ tác chiến điện tử và sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực tác chiến điện tử đã liên tục gia tăng, làm cho các thiết bị tác chiến điện tử không ngừng được nâng cấp.
Trên thực tế, khi máy bay tác chiến điện tử Il-22PP Porubshchik được chuyển giao sử dụng vào năm 2016, Quân đội Nga đã bắt đầu phát triển máy bay tác chiến điện tử Porubshchik-2.
Nga sở hữu những trang bị tác chiến điện tử đứng đầu thế giới. Nguồn: people.com.cn.
Hệ thống máy bay tác chiến điện tử chủ yếu được tạo thành từ hệ thống tác chiến điện tử và máy bay. Hệ thống tác chiến điện tử lớn mà máy bay tác chiến điện tử cần mang theo thường nặng khoảng 20 tấn, cộng với phi hành đoàn khoảng 20 người và các phương tiện sinh hoạt cơ bản, nên đa số thường sử dụng máy bay chở khách lớn để có thể đáp ứng điều kiện tốt nhất.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Nga đã không phát triển máy bay chở khách cỡ lớn mới. Do đó, nền tảng cho máy bay tác chiến điện tử Porubshchik-2 vẫn chỉ có thể được lựa chọn trong số các nền tảng trên không hiện có.
Trên phương diện nâng cấp hệ thống tác chiến điện tử, một cải tiến quan trọng của máy bay tác chiến điện tử Porubshchik-2 được cho là tăng chức năng gây nhiễu vệ tinh quân sự của đối phương.
Một người trong ngành của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết: “Việc nghiên cứu và phát triển thiết bị gây nhiễu mới đang được tiến hành. Thiết bị gây nhiễu mới sẽ là một thiết bị hoàn toàn mới có thể gây nhiễu điện tử và chế áp bất kỳ mục tiêu nào trên bộ, trên biển hoặc trên không. Một trong những chức năng quan trọng của nó là chế áp các vệ tinh dẫn đường và liên lạc trên mặt đất của đối phương với cường độ cao".
Xu hướng mới trong phát triển tác chiến điện tử
Xu hướng thông minh hóa công nghệ và quân sự hóa không gian đang ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của chiến tranh điện tử. Từ máy bay tác chiến điện tử Porubshchik đến chuyển đổi và nâng cấp máy bay tác chiến điện tử Porubshchik-2, có thể thấy một số xu hướng phát triển của tác chiến điện tử:
Một là phát triển tác chiến điện tử theo hướng tích hợp trên không và vũ trụ. Năm 2018, Chính phủ Mỹ đã quyết định tách Bộ Tư lệnh Không gian khỏi Không quân Mỹ và trở thành Bộ chỉ huy cấp một. Đây là một động thái quan trọng của Mỹ nhằm thúc đẩy quá trình quân sự hóa không gian.
Sau đó, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã thành lập lực lượng vũ trụ đầu tiên “Đội tác chiến không gian”. Vương quốc Anh cũng đã kích hoạt Bộ Tư lệnh Không gian, đẩy nhanh tốc độ xây dựng lực lượng quân sự trong không gian.
Trong bối cảnh đó, việc phát triển máy bay tác chiến điện tử Porubshchik-2 rất có thể là biện pháp phòng ngừa, có tính đến mối đe dọa từ sự tích hợp không gian và vũ trụ, đồng thời gia tăng khả năng gây nhiễu điện tử đối với các vệ tinh dẫn đường và liên lạc trên mặt đất.
Thứ hai, vai trò của máy bay tác chiến điện tử quan trọng hơn. Dưới sự ngăn chặn chiến lược của các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ, Nga đã quyết định phát triển một loại hệ thống máy bay tác chiến điện tử mới, điều này chứng tỏ đầy đủ vị thế và vai trò quan trọng của máy bay tác chiến điện tử với tư cách là một loại máy bay chiến lược.
Thứ ba là tác chiến điện tử sẽ phát triển theo hướng tình báo. Nga là một quốc gia hùng mạnh về tác chiến điện tử và chú trọng sử dụng tác chiến điện tử vào thực chiến. Trong cuộc chiến Chechnya, xung đột giữa Nga và Gruzia, các hoạt động quân sự ở Syria hay cuộc đối đầu với NATO, Nga đã rất coi trọng vai trò của tác chiến điện tử và hiệu quả đã thấy rõ.
Có thể thấy rằng, với việc ứng dụng sâu rộng công nghệ thông minh vào các hệ thống tác chiến điện tử, trình độ thông minh của tác chiến điện tử sẽ còn tăng cao hơn nữa.