Đưa người ra khỏi King Sooper's Grocery sau khi cửa hàng này ở bang Colorado của Mỹ bị xả súng hôm 22/3/2021. Ảnh: Getty.
Số liệu về các vụ nổ súng và thương vong mới nhất được trích dẫn từ nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận Gun Violence Archive (Tàng thư bạo lực súng đạn), tạp chí Mỹ Slate đưa tin ngày 26/7. Gun Violence Archive được thành lập năm 2013, cố gắng ghi lại gần như theo thời gian thực các vụ nổ súng trên khắp nước Mỹ.
Năm ngoái, trong khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ở Mỹ có hơn 43.000 người thiệt mạng trong các vụ nổ súng. Năm 2020 trở thành năm đẫm máu nhất về các sự vụ liên quan bắn nhau trong ít nhất 2 thập kỷ qua, theo dữ liệu từ Gun Violence Archive.
Từ đầu năm đến nay, hơn 24.000 người tử vong trong các vụ nổ súng. Vì thế, khả năng năm 2021 sẽ còn đẫm máu hơn năm 2020. Trong số hơn 24.000 nạn nhân, trên 800 người dưới 18 tuổi (gồm 174 trẻ em dưới 12 tuổi), theo dữ liệu từ Gun Violence Archive.
Trong số 915 vụ nổ súng trong 7 ngày từ 17-23/7, có 18 vụ được xếp vào loại xả súng hàng loạt vì có ít nhất 4 người chết hoặc bị thương, không tính thủ phạm, nghi phạm (theo định nghĩa về xả súng hàng loạt của Gun Violence Archive). 18 vụ xả súng hàng loạt này diễn ra ở 12 thành phố, khiến tổng cộng 19 người chết và 74 người bị thương.
Các vụ bắn nhau xảy ra ở hầu như tất cả các bang của Mỹ. Có ít nhất một sự vụ liên quan tới súng được ghi nhận ở 47 bang và thủ đô Washington. Bang Illinois xếp đầu với 109 sự vụ, theo sau là bang Texas với 63 vụ.
"Các vụ nổ súng cho thấy một vấn đề lớn mang tính hệ thống lâu dài hơn. Mọi người trở nên sợ ra ngoài công viên, sợ đến trung tâm mua sắm. Giờ đây họ biết rằng khi họ đi xem một trận bóng chày, dễ có một vụ lái xe xả súng", ông Mark Bryant, giám đốc điều hành của Gun Violence Archive, nói.
Một người đàn ông đặt hóa trước ảnh Ramona Cooper trong lễ tưởng niệm hai nạn nhân vụ xả súng hôm 1/7/2021 ở bang Massachusetts của Mỹ. Ảnh: Getty Images.
Xả súng hàng loạt nhiều nhất ở Mỹ
Có nhiều định nghĩa khác nhau về xả súng hàng loạt. Ngoài định nghĩa của Gun Violence Archive, còn có một định nghĩa khác cũng được dùng rộng rãi. Đó là: bạo lực súng đạn nơi công cộng, không tính băng đảng giết nhau, bạo lực gia đình, hành động khủng bố được một tổ chức tài trợ, trong đó, người bắn súng giết chết ít nhất 4 nạn nhân. Theo định nghĩa này, một nghiên cứu chỉ ra rằng, gần 1/3 số vụ xả súng hàng loạt của thế giới trong giai đoạn 1966-2012 xảy ra ở Mỹ. Cụ thể, thế giới xảy ra 292 vụ, trong đó 90 vụ được ghi nhận ở Mỹ, CNN đưa tin. Sử dụng định nghĩa tương tự, The Washington Post ghi nhận 163 vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ từ năm 1967 tới tháng 6/2019.
Dùng định nghĩa của mình, Gun Violence Archive ghi nhận 2.128 vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ kể từ năm 2013, gần như là cứ một ngày xảy ra một vụ, CBS News đưa tin năm 2017.
Theo một số nghiên cứu, Mỹ có số vụ xả súng hàng loạt lớn hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới, nhưng chúng chỉ chiếm 0,2% tổng số vụ giết người trong giai đoạn 2000-2016, The Los Angeles Times đưa tin. Kẻ xả súng thường tự sát sau đó hoặc bị cảnh sát hoặc dân thường tiêu diệt hoặc bắt sống.
Vũ khí
Theo một nghiên cứu do TS James Fox thực hiện năm 2014 với 142 vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ, 62% vũ khí được dùng là súng ngắn các loại. Còn theo The Los Angeles Times năm 2018, trong số 10 vụ xả súng đẫm máu nhất, 6 vụ liên quan súng trường bán tự động.
7 nguyên nhân chính
Theo The New York Times, hầu hết hung thủ của các vụ xả súng hàng loạt mà báo này đăng tin bài về họ là đàn ông da trắng hành động một mình. Theo AP, đàn ông da trắng chiếm gần 50% tất cả các đối tượng xả súng hàng loạt ở Mỹ.
Theo dữ liệu từ Gun Violence Archive, trong số 600 vụ xả súng hàng loạt ở Mỹ năm 2020, tỷ lệ hung thủ là người da màu chiếm 73%, da trắng 14%, Latin 14% và châu Á 0%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania thăm một người bị thương trong vụ xả súng đẫm máu nhất nước Mỹ xảy ra tại Las Vegas năm 2017 (tổng cộng 61 người chết, 869 người bị thương). Ảnh: White House.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, có 7 yếu tố chính kết hợp với nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho một vụ xả súng hàng loạt diễn ra ở Mỹ.
Thứ nhất, tỷ lệ tiếp cận và sở hữu súng cao. Mỹ có tỷ lệ sở hữu súng tính theo đầu người cao nhất thế giới – cứ 100 người thì có 120,5 khẩu súng (tỷ lệ cao thứ nhì ở là Yemen với tỷ lệ 52,8 súng/100 dân), The Los Angeles Times đưa tin.
Thứ hai, bệnh tâm thần và việc điều trị bằng thuốc tâm thần (không đúng thuốc hoặc thiếu thuốc…). Tuy yếu tố này còn gây tranh cãi nhưng có một thực tế là nhiều đối tượng xả súng hàng loạt ở Mỹ mắc bệnh tâm thần. Trong khi số vụ xả súng hàng loạt tăng mạnh, số bệnh nhân tâm thần tăng không nhiều, theo CNN.
Thứ ba, ham muốn trả thù sau một thời gian dài bị bắt nạt ở trường và/hoặc ở nơi làm việc. Những năm gần đây, nhiều công dân Mỹ, những người tự gọi họ là các "cá nhân mục tiêu" cho rằng, họ hành xử bạo lực chết người là vì bị bắt nạt.
Thứ tư, khoảng cách giữa kỳ vọng của mọi người đối với bản thân và thành tích thực tế của họ, và văn hóa chủ nghĩa cá nhân, theo USA Today. Một số nhà phân tích và bình luận đổ lỗi cho chủ nghĩa tư bản đương đại và chủ nghĩa tân tự do.
Chân dung hung thủ vụ xả súng hộp đêm Orlando (50 người chết, 58 người bị thương): Omar Mateen, 29 tuổi, theo đạo Hồi, sinh ra ở Mỹ, bố mẹ là người Afghanistan. Ảnh: Florida.
Thứ năm, ham muốn danh tiếng và tai tiếng, theo The Los Angeles Times. Ngoài ra, những kẻ xả súng hàng loạt học hỏi lẫn nhau thông qua "sự lây lan của phương tiện truyền thông", tức là "sự đưa tin của các phương tiện truyền thông đại chúng về những đối tượng xả súng hàng loạt và sự phổ biến của các trang mạng xã hội có xu hướng tôn vinh những kẻ xả súng và hạ thấp nạn nhân", Hiệp hội Tâm thần Mỹ nhận định.
Thứ sáu, hiện tượng bắt chước. Những năm gần đây có nhiều nghiên cứu về lý thuyết lây nhiễm xả súng hàng loạt, cụ thể là về bản chất của các vụ xả súng hàng loạt, tác động của truyền thông và khả năng các vụ "sao y bản chính" gia tăng do hung thủ được truyền cảm hứng hoặc muốn nổi tiếng bằng cách sử dụng bạo lực.
Một em bé giơ tấm biển ghi dòng chữ "Đừng có thêm súng nữa". Ảnh: Getty.
Thứ bảy, chính phủ thất bại trong việc kiểm tra thông tin nền của các cá nhân cụ thể (ví dụ người đăng ký sở hữu súng) vì thiếu dữ liệu và/hoặc thiếu nhân lực, theo USA Today.
Một ban nghiên cứu gồm các chuyên gia về sức khỏe tâm thần và thực thi pháp luật ước tính rằng, gần 1/3 các hành động bạo lực hàng loạt (được xác định là tội ác, trong đó ít nhất 4 người bị giết) kể từ những năm 1990 là do những người mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng thực hiện. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng, những người mắc bệnh tâm thần nặng là hung thủ của chưa đầy 4% của tổng số tất cả hành động bạo lực diễn ra ở Mỹ, theo tổ chức phi lợi nhuận The Pew Charitable Trusts.
5 vụ xả súng đẫm máu nhất ở Mỹ: