Tín ngưỡng là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của con người mà bất cứ tầng lớp xã hội hay quốc gia nào cũng có, nhưng việc có những kẻ lợi dụng để tuyên truyền mê tín dị đoan thì lại là vấn đề khác, cần phải bài trừ.
Khác với tín ngưỡng là vấn đề thuộc tâm thức cộng đồng, bản chất lành mạnh, mê tín dị đoan giải thích mọi việc một cách rất mơ hồ, không có cơ sở khoa học, mang tính chủ quan, thậm chí mê muội, mù quáng, và dễ trở thành công cụ lợi dụng, trục lợi của kẻ xấu.
Sự mê tín tồn tại song hành với khoa học. Ảnh CBC
So với sự ra đời của khoa học để có thể lý giải thế giới khách quan một cách bản chất, đúng đắn nhất thì những hiện tượng mê tín dị đoan ra đời trước đó rất lâu, khi mà con người còn sống trong thời kỳ mông muội với nỗi sợ hãi bản năng về các hiện tượng thiên nhiên xung quanh.
Vậy tại sao ngày nay, trong xã hội hiện đại, khoa học phát triển mạnh mẽ, tại sao vẫn có một số người mê tín dị đoan, thậm chí mê tín một cách cuồng dại? Sau đây chúng ta cùng thử tìm hiểu lý do của tình trạng này.
a. Mê tín là "ngã rẽ lạc lối" của quá trình phát triển nhận thức
Theo một nghiên cứu về quá trình phát triển thói quen mê tín do nhà tâm lý học Kelly J. Sheehan tại Trung tâm Phát triển Con người và Môi trường của Đại học Northwestern (Mỹ) thực hiện thì:
Khi con người nhận thức thế giới, não bộ cho phép con người học hỏi cái mới từ những điều xảy ra xung quanh theo quan hệ nhân - quả để có thể rút kinh nghiệm thực tiễn, quá trình này sẽ diễn ra theo hai cách:
- Nếu nhận thức đó dựa trên cơ sở khoa học, lý giải bản chất vấn đề, hoàn toàn đúng với quy luật tự nhiên thì nhận thức đó sẽ là nhận thức khoa học.
- Tuy nhiên, khi nhận thức đó thiếu cơ sở, không chỉ ra được mối liên hệ nhân quả mà còn bị "lạc lối" lẫn lộn với sự trùng hợp ngẫu nhiên thì nhận thức ấy dẫn tới niềm tin không chính xác, mà hệ quả chính là sự mê tín dị đoan.
Kết quả trên hoàn toàn phù hợp với công trình nghiên cứu về sự mê tín của bồ câu (Superstition in the pigeon) nổi tiếng của nhà tâm lý B.F Skinner chuyên nghiên cứu về tâm lý học hành vi. Skinner chỉ ra rằng không chỉ con người mà động vật cũng "học" được sự mê tín!
Bói toán cũng là một hình thức của sự mê tín. Ảnh Okezone Lifestyle
Niềm tin sai lầm này sẽ trở thành thói quen mê tín khi được củng cố qua nhiều trường hợp ngẫu nhiên trùng lặp, làm người đó càng tin tưởng vào niềm tin sai lầm của mình về các quy luật tự nhiên.
Ví dụ: Nếu người đó tin rằng việc bước chân trái trước khi đi ra cửa hay đi xuống xe giúp người đó có được may mắn, niềm tin này sẽ được củng cố nếu người đó ngẫu nhiên gặp may mắn sau đó dù hai việc này chẳng có mối liên hệ biện chứng nào.
Mặt khác, nếu người đó quên và nước chân phải trước thì khi gặp xui xẻo, người đó sẽ cho rằng nguyên nhân là do mình đã không bước chân trái trước.
Hơn nữa Skinner trong phân tích thí nghiệm của hành vi của con người còn chỉ ra rằng niềm tin vững chắc của ý tưởng rằng ý chí tự do của con người thực sự là một ảo ảnh. Đây là tuyên ngôn tâm lý nổi tiếng được đăng trong cuốn Walden Two (1948) của ông.
Nhà tâm lý B.F Skinner và nghiên cứu nổi tiếng về sự mê tín của bồ câu! Ảnh Hackeducation
Con người luôn song hành hai quá trình nhận thức này mà có thể bản thân người đó cũng không nhận thức được, bất cứ ai cũng có thể "lạc lối" vào con đường thứ hai và rơi vào niềm tin lầm lạc, mê tín, chỉ khác nhau ở mức độ mê tín của mỗi người mà thôi.
Không ai là không có ít nhiều niềm tin mang tính mê tín do hệ quả của nhận thức sai lầm (người càng ít kiến thức khoa học thì cách lý giải hiện tượng càng mang tính chủ quan, thiếu cơ sở vì không đủ căn cứ, lập luận rõ ràng).
Xem video:
Nghiên cứu của Skinner về sự mê tín. Nguồn: Thepsychfiles.com
Như vậy người nào càng nhận thức bằng con đường thứ hai thì người đó càng dễ rơi vào mê tín, dị đoan và nếu niềm tin sai lầm ấy càng được củng cố trong cuộc sống của họ, họ sẽ là những người mê tín đến cuồng dại.
b. Sự mê tín đến cuồng dại và bệnh tâm thần
Những hành động có phần điên dại tới mức trộm cắp hay giết người chỉ vì tin vào những điều mê tín dị đoan còn khiến chúng ta liên tưởng tới căn bệnh tâm thần, vậy liệu có phải những người này có vấn đề về tâm thần?
Câu trả lời về mối liên hệ giữa mê tín và bệnh tâm thần là không rõ ràng. Trên trang Live Science từng đăng nghiên cứu của Stuart Vyse, giáo sư tâm lý học tại Cao đẳng Connecticut về mối liên hệ này.
Nghiên cứu cho biết: "Không có sự liên hệ trực tiếp nào giữa mê tín và bệnh tâm thần", tuy vậy đồng thời nó cũng chỉ ra rằng sự mê tín dị đoan thái quá, lấn át cả nỗ lực bản thân sẽ gây hại cho con người.
* Tham khảo các nguồn: Livescience, Psychologistworld, Psychologytoday, Ncbi.nlm.nih