Phân biệt phải trái là một quá trình thần kinh - tâm lý phức tạp liên quan đến nhiều chức năng thần kinh cao cấp như khả năng tích hợp thông tin cảm giác và thị lực, chức năng ngôn ngữ và trí nhớ.
Đối với một số người đây là bản năng, nhưng với những người khác việc phân biệt phải trái là một thử thách khó nhằn. Trong ngành y tế, việc phân biệt này cũng có thể gây ra một số rắc rối. Khi bác sĩ hoặc y tá đối mặt với một bệnh nhân, phía bên phải của họ nằm bên trái bệnh nhân.
Vì vậy, việc phân biệt chính xác bên trái và bên phải của bệnh nhân cũng liên quan đến chức năng của bộ nhớ không gian tượng hình về các hình ảnh trong tâm trí.
Sai lầm trong phẫu thuật
Trên một chuyến đi, nếu bạn có rẽ sai hướng thì tất nhiên thế giới sẽ không bị hủy diệt, nhưng có nhiều tình huống mà nhầm lẫn trong việc phân biệt phải trái có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Một số sai lầm bi thảm nhất trong y học là phẫu thuật nhầm bên cho bệnh nhân: lấy thận sai hoặc cắt xương chân không đúng.
Mặc dù chúng ta có hệ thống kiểm soát và cân bằng để dự đoán và giảm thiểu những sai lầm này nhưng khi chúng xảy ra, lỗi của con người thường là nguyên nhân cốt lõi của vấn đề.
Lỗi là một đặc tính cố hữu của hành vi con người - đôi khi chúng ta chỉ đơn giản là làm sai - nhưng sai lầm trong phân biệt bên phải và bên trái không chỉ đơn thuần là tai nạn.
Có nhiều bằng chứng cho thấy phụ nữ hay nhầm lẫn giữa bên trái và bên phải hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đàn ông dường như có bộ nhớ không gian tượng hình tốt hơn.
"Hiệu ứng phân tâm"
Lúng túng khi phân biệt bên phải, bên trái hiếm khi xuất hiện trong môi trường yên tĩnh. Bệnh viện và các cơ sở y tế là những nơi bận rộn và phức tạp nên điều này cũng thường xuyên xảy ra hơn.
Bác sĩ thường bị mất tập trung trong khi làm việc: nhận điện thoại, theo dõi máy đo nhịp tim, trả lời các câu hỏi của đồng nghiệp, bệnh nhân và thân nhân của họ. Có thể nói môi trường làm việc như vậy rất dễ gây mất tập trung.
Trong một nghiên cứu xuất bản trên tờ Medical Education, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra ảnh hưởng của những nhiễu loạn bên ngoài đến khả năng phân biệt bên trái, phải của các sinh viên y khoa.
Các nhà khoa học đã thực hiện thí nghiệm với 234 sinh viên y khoa. Họ được yêu cầu phân biệt phải, trái trong khi phải nghe những tiếng ồn từ môi trường xung quanh cũng như bị gián đoạn bởi các câu hỏi về y khoa.
Những phát hiện của nhóm nghiên cứu rất đáng ngạc nhiên. Ngay cả những tiếng ồn vọng lại từ xa cũng đủ khiến một số sinh viên nhầm lẫn khi đưa ra câu trả lời.
Thậm chí việc quấy rầy họ bằng những câu hỏi cũng đem lại những tác động lớn hơn. "Hiệu ứng xao nhãng" này ảnh hưởng nhiều hơn đến các sinh viên nữ và những người lớn tuổi.
Việc một người tự đánh giá khả năng phân biệt phải, trái của mình thường cũng không chính xác. Có nhiều sinh viên nghĩ rằng họ rất giỏi phân biệt bên trái và bên phải, nhưng khi được thí nghiệm một cách khách quan, kết quả không phải như họ đã nghĩ.
Nhiều sai lầm trong y khoa liên quan đến việc nhầm lẫn phải, trái (Ảnh: Internet)
Phát triển "chiến lược"
Những người gặp khó khăn trong việc phân biệt phải, trái thường nghĩ ra những cách để giúp họ trong chuyện này. Ví dụ như đặt ngón tay cái bên trái vuông góc với ngón trỏ để tạo chữ "L" – tượng trưng cho bên trái.
Tuy nhiên, có vẻ như những cách này vẫn khiến họ phạm sai lầm và không thể áp dụng cho mọi trường hợp.
Trong quá trình đào tạo - bắt đầu từ cấp đại học - cần lưu ý sinh viên y khoa về những rắc rối có thể xảy ra trong khi phân biệt phải, trái trong lúc phẫu thuật và những hậu quả của việc đưa ra một quyết định sai về vấn đề này.
Chúng ta cần phải tìm ra cách để giảm thiểu các tình huống gây ra lỗi như vậy và nâng cao nhận thức của sinh viên và giáo viên về thực tế là một số cá nhân có xu hướng dễ bị nhầm lẫn bên trái với bên phải.
Vì những người có nguy cơ mắc lỗi lại thường không nghĩ rằng họ có vấn đề, nên có thể cung cấp cho sinh viên cách để kiểm tra khả năng phân biệt của họ - ví dụ như sử dụng các bài kiểm tra tâm lý trực tuyến.
Nhờ đó, những người được cho là có vấn đề trong việc phân biệt phải, trái ít nhất có thể biết được khiếm khuyết của mình và sẽ để ý cảnh giác khi phải đưa ra quyết định quan trọng liên quan đến việc phân biệt phải, trái.
Giảm thiểu đến mức nhỏ nhất sự sao nhãng cũng là một điều rất quan trọng. Trong một số giai đoạn quan trọng của chuyến bay, phi công phải tránh mọi cuộc đàm thoại không cần thiết để khỏi bị mất tập trung.
Nguồn: Sciencealert