Báo "Thương gia" số ra ngày 27/6 có bài viết cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận được thông điệp từ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tỏ ý xin lỗi về sự hy sinh của phi công Nga điều khiển chiếc SU-24 thực hiện nhiệm vụ trên bầu trời Syria ngày 24/11/2015.
Trang web của Điện Kremlin đưa ra thông báo về bức thư này: "Tổng thống Vladimir Putin đã nhận được thông điệp của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trong đó vị lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự quan tâm trong việc giải quyết vụ việc liên quan đến vụ SU-24 bị bắn rơi".
Từ thông điệp này có thể thấy rằng Ankara vẫn đang coi Liên bang Nga là "người bạn và đối tác chiến lược". Tổng thống Erdogan nhấn mạnh: "Chúng tôi chưa bao giờ muốn và có ý định bắn hạ một máy bay của Liên bang Nga.
Bất chấp những rủi ro và với một nỗ lực tuyệt vời, chúng tôi đã cướp lấy thi thể phi công thiệt mạng từ tay phe đối lập ở Syria và đưa về Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả mọi nghi thức đều được thực hiện theo quy định của tôn giáo và quân sự.
Chúng tôi đã thực hiện tất cả các thủ tục này ở mức độ tương xứng với mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ".
Cuối thư, Tổng thống Erdogan còn bày tỏ "sự cảm thông và chia buồn sâu sắc tới gia đình viên phi công hy sinh" và xin lỗi họ: "Bằng tất cả trái tim, tôi xin chia sẻ nỗi đau. Chúng tôi coi gia đình phi công Nga như một gia đình Thổ Nhĩ Kỳ.
Và chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì để giảm đau thương và mất mát". Trong bức thông điệp, ông Erdogan cũng lưu ý Thổ Nhĩ Kỳ đang bắt đầu các thủ tục điều tra đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ Celik Alparslan, người đang bị cáo buộc giết hại viên phi công người Nga.
Ngày 24/11/2015, chiếc tiêm kích SU-24M thuộc không quân Liên bang Nga thực hiện nhiệm vụ ở Syria đã bị bắn hạ bởi tên lửa "không đối không" từ máy bay chiến đấu F-16C của lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ trên vùng biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.
Phi công Oleg Peshkov đã kịp nhảy dù nhưng lại bị bắn từ dưới mặt đất. Tổng thống Putin gọi đó là "hành động đâm sau lưng" từ phía những kẻ ủng hộ khủng bố, sau đó đã ký sắc lệnh về các biện pháp kinh tế đặc biệt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ.
Cụ thể là tạm ngừng việc thực hiện các chương trình hợp tác kinh tế, giới hạn các giao dịch tài chính và các giao dịch thương mại nước ngoài. Ngày 22/5, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Ankara sẽ nỗ lực hết sức để bình thường hóa quan hệ với Liên bang Nga bằng đối thoại.
Các chính trị gia Nga đã bình luận về bức thông điệp của Tổng thống Erdogan rằng Moskva không cho rằng sự cố kể trên đã khép lại. Lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang Nga Viktor Ozerov nói:
"Có thể coi lời xin lỗi này như bước đi đầu tiên trên con đường bình thường hóa quan hệ, nhưng để cà chua Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại Nga và khách du lịch Nga đến các khu nghỉ dưỡng của Thổ Nhĩ Kỳ thì điều này còn chưa đủ".
Theo ông Ozerov, việc phục hồi mối quan hệ của Liên bang Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào các bước đi tiếp theo của Ankara, trong đó có việc lập lại trật tự trên biên giới giữa Iraq với Thổ Nhĩ Kỳ.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang Kostantin Kosachev tuyên bố: "Chúng tôi cho rằng bước đi đầu tiên để vượt qua trạng thái đối đầu đã được thực hiện. Nhưng tất nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu".
Ông cũng nhận định rằng "sự khác biệt giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khá sâu và mang tính chất hệ thống. Những khác biệt này là nguyên nhân, kết quả của một số cuộc xung đột hiện nay ở Syria, Iraq và một số địa điểm khác".
Nghị sỹ này nhận định rằng "các đòn trừng phạt kinh tế đã cho thấy hiệu quả, và rõ ràng Erdogan không hề mong đợi một quyết định như vậy từ phía Nga".