Lý do nhiều người đi xe ga bị ngã khi phanh

PHẠM DUY (tổng hợp) / VTC News |

Xe ga thường sử dụng phanh đĩa nên giảm tốc nhanh, kết hợp bánh trước nhỏ, dễ gây mất trạng thái cân bằng dẫn tới ngã.

Theo các chuyên gia về lái xe an toàn, nhiều người đi xe tay ga có thói quen chỉ phanh gấp bằng tay phải (tay nắm ga), đó là phanh trước. Với những dòng xe tay ga bánh nhỏ, việc chỉ dùng phanh trước hay sau sẽ khiến tài xế dễ bị ngã vì văng xe hoặc trượt bánh.

Một số dòng xe ga bánh nhỏ thường gặp hiện tượng này. Tuy nhiên, nguyên nhân chính không phải vì bánh xe nhỏ mà chủ yếu vì thói quen sử dụng chưa thật hợp lý của nhiều người. Các dòng xe ga bánh nhỏ thường được trang bị phanh đĩa có độ an toàn cao, nhưng người sử dụng cần phải biết cách phanh để đảm bảo an toàn.

Lý do nhiều người đi xe ga bị ngã khi phanh - Ảnh 1.

Với những dòng xe tay ga bánh nhỏ, chỉ dùng phanh trước hay sau sẽ khiến tài xế dễ bị ngã vì văng xe hoặc trượt bánh. (Ảnh minh hoạ).

Khi đang đi ở tốc độ cao, muốn phanh cần giảm ga, đệm phanh sau rồi mới bóp phanh trước theo kiểu bóp nhả. Không nên bóp cứng phanh trước sẽ rất dễ khiến xe bị xoay ngang. Cũng không nên cua xe với góc nghiêng lớn và không nên cua gập tay lái quá, việc vòng cua rộng hơn sẽ tăng độ an toàn cho bạn.

Bánh xe ga thường có kích thước nhỏ khoảng 12-14 inch, trong khi trên xe số là 17 inch. Bánh nhỏ giúp xe linh hoạt, tăng độ vọt, rẽ hướng nhanh, nhẹ nhưng bề mặt tiếp xúc với đường ít hơn nên lốp dễ bị trượt khi phanh gấp, hoặc khi tăng tốc đột ngột trên đường trơn trượt, giảm độ ổn định khi chạy ở tốc độ trung bình/cao.

Một trong những tình huống bất lợi thường gặp là phanh gấp. Các xe có tỷ lệ phân bố trọng lượng không đều lại càng dễ đổ, ví dụ các xe có cốp lớn, đuôi nặng, đầu nhẹ như Honda Lead. Lúc này bánh sau vẫn đang nhận lực dẫn động nên xe sẽ dễ trượt.

Bước đầu tiên của kỹ thuật phanh đúng trên xe tay ga là nhả ga hoàn toàn để động cơ ghìm xe lại, sau đó bóp cả hai phanh, với lực phanh lớn hơn ở phanh trước (phía tay lái bên phải). Khi phanh đồng thời sẽ rất khó xảy ra hiện tượng trượt. Nếu mặt đường quá trơn, điều tiết lực phanh không chuẩn, xe bị trượt, người lái cần nhả nhẹ phanh để xe ổn định trở lại và tiếp tục phanh đến khi dừng.

Bên cạnh đó, vị trí đặt ngón tay khi lái xe cũng là một điểm cần lưu ý. Các chuyên gia khuyến cáo tài xế lái xe máy nên đặt hờ hai ngón tay trên phanh khi di chuyển, không dùng cả bàn tay để ôm chặt tay lái. Thói quen này giúp tài xế luôn chủ động và có độ phản ứng cao khi cần phanh, giảm thiếu hiện tượng trượt ngón tay khỏi phanh lúc cần dừng gấp.

Tương tự, nếu chỉ bóp phanh sau (bên trái), bánh sau bị khóa cứng và xảy ra hiện tượng lết bánh, khiến xe mất kiểm soát và ngã. Các xe đời mới hiện nay đã khắc phục những tình trạng này bằng công nghệ chống bó cứng (ABS) hoặc phanh kết hợp, chỉ cần bóp một phanh, cả hai phanh sẽ tự động kích hoạt.

Tuy nhiên đây chỉ là các tính năng hỗ trợ an toàn, không phải là "cứu cánh" cho những trường hợp phanh gấp, chính vì thế tài xế cần chủ động trong việc phanh khi gặp những tình huống nguy hiểm hoặc khi lưu thông trên đường trơn trượt.

Mặt khác, khí hậu tại Việt Nam cũng khiến nhiều người dùng găng tay khi chạy xe, đặc biệt là nữ giới. Các loại găng tay này thường làm bằng chất liệu polyester hoặc phi bóng, cho độ bám tốt khi tiếp xúc với phần cao su trên tay lái, nhưng rất trơn trượt khi tiếp xúc với bề mặt kim loại nhẵn bóng của cụm phanh.

Nếu dùng các loại găng tay này, tài xế khó có thể điều chỉnh lực phanh. Chính vì thế, cần chọn loại găng tay chuyên dụng khi chạy xe, ví dụ như găng tay bằng da, hoặc găng tay lái xe chuyên dụng được bán nhiều ở các cửa hàng đồ chơi môtô.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại