Lý do Nga bất ngờ đưa lực lượng quân sự tới gần biên giới Triều Tiên

Danh Tuyên |

Một số trang tin tức Nga cho hay, Moscow đang triển khai khí tài ở khu vực gần biên giới với Triều Tiên. Động thái này của Moscow có ý nghĩa gì?

Triển khai lực lượng quân sự tới biên giới

Tờ RBTH dẫn lời Giám đốc Ủy ban Quốc phòng của Hội đồng Liên bang Nga - ông Viktor Ozerov cho hay, Nga đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến của tình hình Triều Tiên bởi tin rằng lãnh thổ của Nga chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi những đợt phóng tên lửa từ Bình Nhưỡng.

Lý do Nga bất ngờ đưa lực lượng quân sự tới gần biên giới Triều Tiên - Ảnh 1.

Nga đã huy động và triển khai khí tài, lực lượng ở khu vực gần biên giới Triều Tiên (Ảnh: RIA Novosti).

“Quân đội đang làm mọi thứ để phòng tránh những đợt tấn công tên lửa có thể ảnh hưởng tới Nga trong trường hợp xảy ra xung đột”, ông Ozerov nói.

Vì vậy, Nga đã tổ chức những đợt tập trận quân sự tăng cường tại khu vực Viễn Đông và huy động nhân sự sẵn sàng một cuộc chiến có thể xảy ra ở khu vực biên giới với Triều Tiên.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 đã được triển khai tăng cường tại khu vực này từ tháng 4. Đặc biệt, những hệ thống này cùng với sự hỗ trợ của các thiết bị khí tài khác, có khả năng tấn công tên lửa đạn đạo của đối phương trong khoảng cách 400 km. Bất kỳ khi nào được nhận lệnh, chúng cũng có khả năng đáp trả lập tức mọi tên lửa của đối phương.

Tuy nhiên, theo ông Alexander Gordeyev, người phụ trách báo chí của khu vực Primorsky Krai, những khí tài quân sự trên được chuyển đến để phục vụ một đợt tập trận kết thúc vào ngày 29/4 vừa qua.

“Chúng tôi đã kết thúc đợt tập trận gần đây ở khu vực sau hồ Baikal. Rất có thể những xe chở khí tài lại đang quay lại vị trí đóng quân thường trực ban đầu”, ông nói.

Nga - nhân tố mới trong căng thẳng Mỹ-Triều

Một số nhà nghiên cứu Triều Tiên, trong trường hợp Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng thì Triều Tiên có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ Nga.

Cả Trung Quốc và Nga đều là nhà cung cấp dầu lớn cho Triều Tiên. Trong năm 2015, Bình Nhưỡng đã nhập khẩu 36.000 tấn sản phẩm dầu từ Moscow.

Dù quan hệ thương mại giữa Nga và Bình Nhưỡng không ổn định nhưng mối hợp tác kinh doanh và vận tải giữa hai bên đang ngày càng tiến triển. 

Sang tuần tới, dịch vụ vận chuyển bằng phà giữa Triều Tiên và cảng Vladivostok của Nga sẽ được triển khai. Bên cạnh đó, theo Reuters, thời gian gần đây đã xuất hiện một luồng lưu thông dầu mỏ ổn định từ Vladivostok của Nga tới những cảng biển phía đông Triều Tiên.

Hai bên cũng đã thảo luận về khả năng hợp tác vận tải đường sắt hồi đầu năm nay, nhằm kết nối thị trấn Khasan ở biên giới phía đông của Nga và cảng Rajin của Triều Tiên.

“Triều Tiên không quan tâm tới áp lực hoặc trừng phạt từ phía Bắc Kinh vì họ đã có người hàng xóm Nga ngay bên cạnh. Trong suốt nửa thế kỷ qua, Bình Nhưỡng đã để Nga và Trung Quốc giành quyền viện trợ và gây ảnh hưởng tới Triều Tiên”, ông Leonid Petrov, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Quốc gia Australia, nhận xét.

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao và tài chính với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an vẫn chưa đồng ý với những đề xuất trên của Mỹ.

Dù quan điểm của Nga về vấn đề Triều Tiên vẫn chưa rõ ràng nhưng mối quan hệ không tốt đẹp của Moscow và Washington hiện tại chắc chắn là rào cản lớn đối với Nhà Trắng trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. 

Ngày 2/5, Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Donald Trump đã điện đàm về vấn đề Triều Tiên nhưng không có thông báo nào về những thỏa thuận đạt được.

Nhưng giới học giả Nga cho rằng Moscow sẽ ít có khả năng sẽ tăng cường thương mại với Bình Nhưỡng trong thời gian tới, dù điện Kremlin có những quan điểm khác biệt với Lầu Năm Góc.

Về mặt quân sự, theo Giáo sư Vadim Kozyulin tại Học viện Khoa học Quân sự Nga, ngay cả khi quân đội Moscow phải bắn hạ một tên lửa của Triều Tiên thì Nga cũng không tham gia vào cuộc chiến trên bán đảo ở ngay sát sườn này. Khi ấy, Moscow sẽ chỉ đưa ra những động thái đối phó theo phương pháp ngoại giao truyền thống.

Cuối cùng, theo chuyên gia nghiên cứu về Nga, ông Samuel Ramani, Moscow có thể sẽ đạt được lợi ích khi giúp đỡ Triều Tiên trong thời điểm khó khăn này. Nếu Nga đồng ý giúp đỡ Triều Tiên, điều đó cho thấy Moscow là “đối tác tin cậy của những chính quyền chống phương Tây” như Iran, Venezuela hay Syria...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại