Lý do NATO nên "vui mừng" khi Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400

QS |

Trao đổi với Sputnik, một số nhà phân tích quân sự và chính trị Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng NATO "nên vui mừng, thay vì lo lắng" trước thỏa thuận S-400 tiềm năng giữa nước này với Moscow.

Truyền thông phương Tây lo ngại...

Hôm 3/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đến Sochi để gặp gỡ Tổng thống Nga Putin.

Trong số các vấn đề được thảo luận, hai nhà lãnh đạo đã đề cập đến khả năng cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống phòng không tiên tiến S-400 do Nga sản xuất.

Theo Sputnik, có khả năng cao Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành thành viên NATO đầu tiên vận hành hệ thống phòng không S-400 của Nga, trong khi một số quốc gia khác như Romania, Bulgaria, Hy Lạp và Đức đã có trong tay các tổ hợp S-200 và S-300.

Bình luận về kết quả của cuộc thảo luận, truyền thông phương tây tỏ ra lo ngại trước triển vọng của sự hợp tác này:

"Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang hâm nóng quan hệ bằng tên lửa. NATO nên lo ngại về mối quan hệ hữu nghị của họ" - Bài viết trên tờ Economist nhận định.

Trong khi đó, đài BBC Thổ Nhĩ Kỳ lưu ý rằng, thỏa thuận tiềm năng trên làm nổi cộm vấn đề chia sẻ dữ liệu giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng "một số cuộc tranh luận khác", chẳng hạn như việc tích hợp hệ thống của Nga và mạng lưới phòng không theo chuẩn NATO.

Lý do NATO nên vui mừng khi Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không tiên tiến S-400 do Nga triển khai tại Syria.

... nhưng NATO nên "vui mừng"

Trái ngược với quan điểm của truyền thông phương Tây, khi trao đổi với Sputnik, một số nhà phân tích quân sự và chính trị Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng NATO "nên vui mừng, thay vì lo lắng" trước thỏa thuận tiềm năng giữa nước này với Moscow.

Mesut Hakkı Casın - Giáo sư tại Đại học Özyeğin (İstanbul) lý giải rằng, nếu mua hệ thống S-400, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có được một loại vũ khí vô cùng tiên tiến.

"Một số quốc gia thành viên NATO lo ngại về nguy cơ rò rỉ thông tin mật sang Nga.

Tuy nhiên, những quốc gia như Bulgaria, Hy Lạp và Hungary đã và vẫn đang vận hành những hệ thống tương tự. Những hệ thống mà họ vận hành cũng đang được NATO sử dụng. Điều đó có nghĩa không có vấn đề gì với việc 'tích hợp' mà nhiều chuyên gia đang đề cập tới" - ông Casın nói.

"Thay vì lo ngại, NATO nên vui mừng, bởi sự phát triển của hệ thống phòng không Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gián tiếp tăng cường sự phát triển toàn diện của hệ thống an ninh NATO" - ông Casın nêu quan điểm.

Vị giáo sư nhấn mạnh rằng, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có chủ quyền và có quyền mua những vũ khí từ bất cứ nước nào họ muốn.

"Kể từ những năm 1950, Nga đã tích lũy được lượng kinh nghiệm đáng kể đối với các tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm thấp, trung và cao. S-400 là hệ thống tiên tiến, nó sẽ mang lại lợi thế lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống IS - những kẻ đang đe dọa nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ" - ông Casın giải thích.

Đồng thời, ông Casın lưu ý rằng, theo Điều 5 trong Hiệp ước NATO, Thổ Nhĩ Kỳ phải hành động theo nguyên tắc phòng vệ tập thể. Tuy nhiên, đối với những cuộc tấn công khủng bố không được đề cập trong điều 5 thì Thổ Nhĩ Kỳ phải tự đối mặt với mối đe dọa.

Lý do NATO nên vui mừng khi Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 - Ảnh 2.

S-400 khai hỏa.

"Hệ thống này", ông Casın nói, "sẽ không được sử dụng để chống lại NATO. Ngược lại, nó sẽ giữ vai trò như phương tiện răn đe trước bất cứ mối đe dọa nào mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể phải đối mặt".

Cũng theo vị chuyên gia, thỏa thuận S-400 sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ giữa Nga - Thổ Nhĩ Kỳ:

"Kể từ năm 1991, mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được xây dựng dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Thổ Nhĩ Kỳ tin tưởng Nga trên lĩnh vực quân sự. Theo Công ước Montreux về chế độ của các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, an ninh tại vùng Biển Đen do cả 2 quốc gia kiểm soát.

Ngoài ra, các nỗ lực ngoại giao giữa Nga-Thổ, cũng như nỗ lực cá nhân giữa ông Putin và Erdogan đang đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh tại vùng Đông Địa Trung Hải và giải quyết cuộc xung đột đẫm máu tại Syria".

Đề cập tới vấn đề này, trung tướng về hưu Erdogan Karakus của Thổ Nhĩ Kỳ nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng tự bảo vệ mình và độc lập với NATO.

Ông Karakus cho rằng, việc không có hệ thống đánh chặn tầm cao nào tại Thổ Nhĩ Kỳ là một vấn đề lớn và điều đó đã thúc đẩy Ankara tiến tới quyết định mua sắm.

Theo vị trung tướng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đáp ứng nhu cầu của mình bằng cách mua hệ thống S-400 từ Nga hoặc Patriot từ Mỹ, cũng có thể là sẽ cân bằng cả 2 phía.

Tuy nhiên, NATO muốn bán 12 tổ hợp Patriot trị giá 30 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ và không muốn để mất khách hàng nghiễm nhiên có được này. Ngoài ra, do không muốn cắt giảm số lượng hệ thống được triển khai nên NATO sẽ tìm cách nài Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa của họ và phản đối các hệ thống tên lửa của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại