Kế hoạch triển khai tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân của Mỹ tới Hàn Quốc lần đầu tiên kể từ năm 1981 trở thành tiêu điểm trong “Tuyên bố Washington” về các biện pháp nhằm buộc Triều Tiên phải “cân nhắc kỹ lưỡng” khi có ý định tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân quốc gia láng giềng phía Nam.
“Hiệp ước phòng thủ chung của chúng tôi là giải pháp cứng rắn và bao gồm cam kết mở rộng khả năng răn đe hạt nhân”, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio USS Alaska trở về cảng tại căn cứ Hải quân Kings Bay, bang Georgia, ngày 2/4/2019. Ảnh: Reuters
Việc điều tàu ngầm hạt nhân tới Hàn Quốc được cho là mang ý nghĩa biểu tượng lớn. Tuy nhiên, các chuyên gia hoài nghi về ý nghĩa quân sự. Một số chuyên gia cho rằng điều này không thực sự quan trọng, vì những tàu ngầm như vậy đủ khả năng tấn công Triều Tiên từ khoảng cách hàng nghìn km. Một số ý kiến khác cho rằng việc công khai điều tàu ngầm đến cảng của nước ngoài sẽ làm giảm hiệu quả của phương tiện vốn được thiết kế để tàng hình.
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ mang những vũ khí gì?
Hải quân Mỹ có 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Ohio, trong đó 8 tàu được triển khai tại bang Washington và 6 tàu ở Georgia. Những con tàu dài 170m có lượng giãn nước 18.000 tấn khi lặn và mỗi chiếc hoạt động dựa vào một lò phản ứng hạt nhân.
Theo Hải quân Mỹ, một tàu ngầm lớp Ohio được thiết kế để hoạt động trung bình 77 ngày dưới biển, sau đó cần 35 ngày bảo dưỡng tại cảng. Mỗi tàu có 2 nhóm thuỷ thủ đoàn, gọi là nhóm “xanh” và nhóm “vàng”, được luân chuyển định kỳ để 155 thành viên của mỗi nhóm được nghỉ ngơi và huấn luyện giữa mỗi chuyến tuần tra.
Mỗi tàu ngầm lớp Ohio có thể mang tối đa 20 tên lửa đạn đạo Trident II. Chúng có tầm bắn 7.400 km, có khả năng tấn công các mục tiêu của Triều Tiên từ nhiều vị trí ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương hoặc Bắc Băng Dương.
Tên lửa Trident II D5 phóng thử từ tàu ngầm lớp Ohio USS Nebraska ngoài khơi California năm 2018. Ảnh: Reuters
Ông Blake Herzinger, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ cho biết: “Về mặt quân sự, những tàu ngầm này không cần phải ở gần Triều Tiên để vươn tới các mục tiêu tại đó”.
Mỗi tên lửa Trident có khả năng mang nhiều đầu đạn có thể hướng tới các mục tiêu riêng biệt.
Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí hạt nhân James Martin ước tính, mỗi tên lửa Trident có thể mang 4 đầu đạn hạt nhân, nghĩa là mỗi tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Mỹ có thể mang tới 80 đầu đạn hạt nhân.
Chỉ mang tính biểu tượng?
Các nhà phân tích cho rằng sự hiện diện của một tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Hải quân Mỹ tại một cảng của Hàn Quốc hoàn toàn mang tính biểu tượng - và trên thực tế sẽ làm giảm giá trị quân sự của tàu ngầm.
“Về mặt chiến thuật, Mỹ và Hàn Quốc đang làm giảm khả năng mạnh nhất của tàu ngầm: khả năng tàng hình của nó”, ông Carl Schuster, cựu Đại tá Hải quân Mỹ và cựu Giám đốc phụ trách chiến dịch tại Trung tâm Tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết.
“Một trong những chìa khoá tạo nên năng lực răn đe là tính khó đoán. Mặc dù kẻ thù biết về sự tồn tại và quy mô vũ khí hạt nhân của quốc gia đó, nhưng họ không thể biết chính xác mức độ hoặc vị trí hay khi nào chúng được sử dụng”, Trung tá Hải quân Mỹ Daniel Post viết trên tạp chí Proceedings của Viện Hải quân Mỹ hồi tháng 1/2023.
Một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Mỹ lặn ở độ sâu hàng trăm mét dưới bề mặt đại dương cách Triều Tiên hàng nghìn km vẫn sẽ nằm trong phạm vi tấn công của Bình Nhưỡng, nhưng Triều Tiên gần như không thể phát hiện ra.
Theo ông Schuster, nếu một tàu ngầm hạt nhân như vậy ghé thăm cảng của Hàn Quốc sẽ cần có sự sắp xếp trước 24-48 giờ. Sự xuất hiện công khai như vậy sẽ chỉ mang lại lợi thế cho Triều Tiên.
“Nếu Triều Tiên muốn thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ, chúng ta đã cung cấp cho họ vị trí và thời điểm tàu ngầm tới đó”, ông Schuster nói.
Trấn an đồng minh
Các nhà phân tích cho biết, Mỹ muốn trấn an một trong những đồng minh quan trọng nhất của mình rằng Washington luôn ủng hộ họ.
Các mối đe dọa từ Triều Tiên đã khiến một số người ở Hàn Quốc kêu gọi Seoul trở thành một cường quốc vũ trang hạt nhân. Mỹ không muốn chứng kiến sự phổ biến vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vì vậy họ đã cố gắng trấn an đồng minh bằng cách cho các lực lượng của mình hiện diện nhiều hơn trong khu vực, bao gồm cả việc điều máy bay ném bom B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân trên bầu trời xung quanh Hàn Quốc.
“Tất nhiên, chúng là những loại vũ khí khác nhau, nhưng tôi không nghĩ có sự khác biệt cơ bản, bởi chúng đều là những tài sản chiến lược và về cơ bản sẽ gửi đi thông điệp trả đũa hạt nhân đối với Triều Tiên”, ông Kim Jung-sup, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng của Viện Sejong ở Seoul, cho biết.
Đối với ý kiến cho rằng, việc điều động công khai sẽ khiến tàu ngầm Mỹ dễ bị tấn công, một số nhà phân tích nhận định kịch bản như vậy sẽ chỉ xảy ra như dấu hiệu báo trước cho chiến tranh hạt nhân – khi đó tàu ngầm đã thất bại trong sứ mệnh răn đe chính của nó.
Ông Drew Thompson, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: “Mục đích cơ bản của chúng là để răn đe và trấn an. Tài sản chiến lược như tàu ngầm tên lửa đạn đạo và những vũ khí mà nó mang theo không nhằm mục đích sử dụng”./.