Nhóm đặc công Pakistan đu dây từ trực thăng quân sự trong một cuộc diễn tập kỷ niệm Ngày Quốc phòng. Ảnh: Aamir Qureshi.
Trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành rút quân khỏi Afghanistan, có nhiều đồn đoán cho rằng Mỹ và Pakistan sẽ hướng tới cải thiện quan hệ quân sự và điều này có thể khiến cả Nga và Trung Quốc phải chú ý.
Lầu Năm Góc đã tuyên bố ý định tìm kiếm các căn cứ quân sự trong khu vực để giám sát và ngăn chặn Afghanistan một lần nữa trở thành “trung tâm” của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và chủ nghĩa khủng bố chống Mỹ.
Các căn cứ trong khu vực cũng có thể cho phép Mỹ tạo hàng rào chiến lược ngăn Nga và Trung Quốc lấp chỗ trống ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân.
Dù Mỹ vẫn chưa xác nhận về việc tìm được căn cứ mới nào ở Trung Á, nhưng Pakistan nổi lên như một ứng viên hàng đầu. Mỹ từng sử dụng căn cứ quân sự tại Pakistan trong “cuộc chiến chống khủng bố” kéo dài 20 năm ở Afghanistan .
Tuy nhiên, bất cứ động thái nào như vậy sẽ gây tranh cãi và Pakistan cần phải có cách lý giải phù hợp trước dư luận trong nước. Văn phòng Đối ngoại Pakistan đã công khai bác bỏ có bất cứ “thỏa thuận mới nào” với phía Mỹ về việc sử dụng căn cứ quân sự.
Miệng nói “không” nhưng hành động nói “có”?
Ngoại trưởng Shah Mahmood Qureshi ngày 11/5 phát biểu với truyền thông tại Islamabad rằng: “Chúng tôi sẽ không cho phép nước ngoài đặt gót giày lên đất của chúng ta hay mở căn cứ trên lãnh thổ của chúng ta”.
Mặt khác, Pakistan xác nhận, các khuôn khổ thiết yếu cho việc hỗ trợ trên không và trên bộ đối với các lực lượng Mỹ ký từ năm 2001 vẫn còn hiệu lực.
Việc kích hoạt lại những khuôn khổ đó sẽ đưa Pakistan trở lại quỹ đạo của Mỹ, mở ra những hoạt động viện trợ tài chính và lợi ích chiến lược mới.
Trong “cuộc chiến chống khủng bố”, các đường dây liên lạc trên không (ALOC) và trên bộ (GLOC) cho phép hai nước trao đổi sâu rộng về các vấn đề quân sự.
Một trong những hoạt động ALOC quan trọng giai đoạn đó là các máy bay không người lái của Mỹ xuất phát từ căn cứ không quân Shamsi ở tỉnh Balochistan miền nam Pakistan sang tấn công các mục tiêu ở Afghanistan.
Tuy nhiên, một sự cố xảy ra vào năm 2011 khi lực lượng NATO do Mỹ dẫn đầu nã đạn vào 2 đồn biên phòng của Pakistan, khiến 28 binh lính Pakistan thiệt mạng. Sự cố này đã dẫn đến những cuộc biểu tình trên khắp Pakistan và kết quả là Mỹ phải rút khỏi căn cứ không quân Shamsi và Pakistan cũng đóng tuyến tiếp vận của NATO ở Pakistan.
Các thông tin tình báo về việc thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden ẩn náu gần một căn cứ quân sự của Pakistan cùng với việc Mỹ xâm phạm chủ quyền Pakistan khi tiến hành chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố khi đó đã khiến mối quan hệ chiến lược giữa Mỹ-Pakistan ngày càng xấu đi và tới nay vẫn chưa được khôi phục.
Những vụ việc đó cùng với sự hoài nghi của Mỹ rằng Pakistan hậu thuẫn Taliban khiến quan hệ hợp tác quân sự giữa hai nước trải qua nhiều thăng trầm.
Trước đây, việc hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố đã nâng Pakistan lên cấp độ một đồng minh quan trọng ngoài NATO của Mỹ, cho phép nước này được hưởng các lợi thế và đặc quyền về quân sự và tài chính. Điều này cũng cho phép Pakistan dễ dàng tiếp cận các khoản vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Từ 1999-2008, Pakistan đã nhận các khoản vay và hỗ trợ tổng trị giá 23 tỷ USD từ IMF và các tổ chức tài chính quốc tế khác. Từ 2008-2013, Pakistan nhận được 14 tỷ USD trong đó có gói cứu trợ 7,6 tỷ USD từ IMF.
Việc tiếp cận được với các nguồn quỹ này có mối liên hệ gián tiếp với việc Pakistan tiếp tục hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn dầu.
Năm 2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump hủy viện trợ quân sự cho Pakistan năm 2018 cũng là vì lý do Islamabad thiếu hợp tác và hành động quyết đoán chống lại các nhóm Taliban tại Pakistan.
Việc khôi phục các khuôn khổ hợp tác nêu trên trong bối cảnh hiện nay không chỉ giúp Mỹ tiếp cận các cơ sở quân sự của Pakistan để triển khai lực lượng máy bay không người lái tấn công các phần tử Hồi giáo ở Afghanistan, mà còn đưa Pakistan trở lại “vòng tay” Mỹ.
Lầu Năm Góc xác nhận Mỹ đang đàm phán với Pakistan về các căn cứ. Islamabad đã đồng ý cho phép Mỹ tiếp cận để thực hiện các nhiệm vụ trên không hỗ trợ nhiệm vụ ở Afghanistan. Điều này cho thấy Pakistan sẵn sàng phát triển quan hệ đối tác mới với Mỹ.
Khi Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi gặp gỡ các nghị sỹ Mỹ trong chuyến thăm tới Mỹ gần đây, ông đã nêu ra tầm nhìn của Islamabad về mối quan hệ đối tác chiến lược nhằm bảo vệ lợi ích của cả 2 nước trong đó có Afghanistan.
Trong cuộc gặp gần đây giữa Cố vấn an ninh quốc gia 2 nước ở Geneva, cả 2 bên đã nhất trí “thúc đẩy hợp tác trên thực tiễn”.
Cố vấn an ninh quốc gia Pakistan Moeed Yusuf không chỉ quen thuộc với Mỹ khi ông là Phó Chủ tịch Viện hòa bình phụ trách châu Á - một tổ chức được chính phủ Mỹ hỗ trợ ở Washington DC, mà lâu nay ông còn luôn ủng hộ việc thúc đẩy quan hệ song phương.
Theo giới phân tích, việc ông Yusuf trở thành Cố vấn an ninh quốc gia mới của Thủ tướng Khan ngày 18/5 vừa qua cho thấy mức độ nghiêm túc của Pakistan trong việc theo đuổi mối quan hệ mới với Mỹ.
Quan hệ với Trung Quốc không mặn mà
Mỹ có những lý do chiến lược để theo đuổi mối quan hệ đối tác “thực tế” mới với Pakistan. Phía Islamabad cũng vậy. Quan trọng nhất trong số đó là tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ của Pakistan.
Một số nhà phân tích cho rằng Pakistan có thể ngại ngần việc “cởi mở trở lại” với Mỹ vì nếu làm vậy, Islamabad sẽ phải “lạnh nhạt” với Trung Quốc – nước đã cam kết đầu tư khoảng 60 tỷ USD vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC).
Tuy nhiên, điều đó có thể không phải là lý do. Thủ tướng Imran Khan không mấy mặn mà với CPEC. Trên thực tế, ngay sau khi nhậm chức năm 2018, chỉnh phủ của ông Imran Khan đã nhận thấy CPEC có nhiều kẽ hở và bày tỏ ý định “xem xét lại” dự án này.
Ủy ban hợp tác chung Pakistan-Trung Quốc (JCC) chịu trách nhiệm về tất cả các quyết định quan trọng liên quan đến CPEC, trong các cuộc họp năm 2018 và 2019 đã không quyết định về các dự án mới nào.
Cuộc họp thứ 10 của JCC đã bị hoãn 3 lần, Trung Quốc cũng miễn cưỡng phê duyệt khoản vay 6 tỷ USD cho dự án đường sắt Mainline-1 (ML-1), dự án lớn nhất trong CPEC.
Sự miễn cưỡng của Bắc Kinh, như một số nguồn tin ở Islamabad nói với Asia Times, là do IMF vẫn có ảnh hưởng lớn đối với Pakistan. IMF cho rằng cần minh bạch hơn và tăng cường giám sát hoạt động rót vốn cho CPEC.
Nhiều quan chức Mỹ trước đây đã gọi CPEC – và cả Sáng kiến Vành đai và Con đường – là “bẫy nợ” của Trung Quốc.
Với mối quan hệ Pakistan-Trung Quốc chẳng mấy suôn sẻ, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, điều cấp thiết đối với Thủ tướng Khan là quay sang Mỹ và tìm kiếm các hoạt động hợp tác thực tế để giúp Pakistan tiếp cận các nguồn vốn và hỗ trợ nước ngoài.
Khả năng tiếp cận các nguồn tài chính để phát triển kinh tế
Việc khôi phục mối quan hệ đối tác với Mỹ cũng sẽ đem lại những lợi ích tài chính cho quân đội Pakistan. Ngân sách của quân đội đã giảm dần kể từ khi thực hiện sửa đổi hiến pháp năm 2010. Việc chính quyền Donald Trump ngừng viện trợ quân sự của Mỹ năm 2018 cũng làm tổn hại đến tài chính của quân đội Pakistan.
Mối quan hệ quân sự được khôi phục và cải thiện với Mỹ sẽ không chỉ nối lại dòng viện trợ quân sự từ Washington mà còn có thể giúp Pakistan loại bỏ một số hạn chế tài chính mà nước này phải đối mặt do bị liệt vào “danh sách xám” về rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Hiện vẫn chưa rõ Pakistan có cho phép Mỹ tiếp cận trở lại các căn cứ quân sự tại nước này hay không. Tuy nhiên, sự hợp tác “thiết thực” như vậy cũng không phải là chưa có tiền lệ.
Còn 2 năm nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử, chính phủ của Thủ tướng Imran Khan có thể kỳ vọng việc tác quân sự với Mỹ sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận các khoản vay của IMF cũng như các khoản tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) - những yếu tố sẽ giúp khơi dậy đà tăng trưởng kinh tế và có thể ngăn chặn thất bại bầu cử có thể xảy ra.
Do đó, liên minh quân sự với Mỹ trong thời kỳ sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan có ý nghĩa nhất định đối với giới chính trị cấp và quân sự cấp cao của Pakistan. Điều này lý giải vì sao họ sẵn sàng phát triển một liên minh quân sự mới nhiều hơn những gì họ công khai nói đến.