Lý do khiến Mỹ ngày càng cạn dần tên lửa

Bảo Hà |

Mặc dù nhu cầu về tên lửa đang tăng nhanh song các nhà thầu quốc phòng của Mỹ hiện lại không thể đáp ứng được.

Thủy quân lục chiến Mỹ phóng tên lửa FIM-92 Stinger trong một cuộc tập trận ở Alaska năm 2018. Ảnh: Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ

Thủy quân lục chiến Mỹ phóng tên lửa FIM-92 Stinger trong một cuộc tập trận ở Alaska năm 2018. Ảnh: Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ

Cuộc xung đột tại Ukraine và việc Trung Quốc tăng cường năng lực quân sự đã khiến Mỹ chi hàng tỷ USD mua tên lửa, máy bay, xe tăng và trực thăng mới để hỗ trợ các đồng minh và chuẩn bị trước nguy cơ các cuộc xung đột bùng nổ trong tương lai.

Gần đây nhất, vào tháng 12, Quốc hội Mỹ đã thông qua khoảng 110 tỷ USD viện trợ cho Ukraine, trong đó khoảng 40 tỷ USD sẽ dành cho việc chuyển giao và mua vũ khí.

Tuy nhiên, con số này lại gây căng thẳng cho các nhà sản xuất vũ khí hiện đại. Khoảng 1.600 tên lửa Stinger dùng để tấn công máy bay đã được gửi tới Ukraine từ kho dự trữ của Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ đã ngừng sản xuất loại tên lửa này từ năm 2003. Trong khi đó, công ty sản xuất quốc phòng Raytheon đã bắt đầu sản xuất lại song việc chuyển giao vũ khí với số lượng lớn sẽ không diễn ra trong một năm tới.

Raytheon là một trong năm nhà thầu quốc phòng lớn tại Mỹ. Theo một báo cáo công bố trong năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ hiện chỉ phụ thuộc vào năm nhà thầu chính, một con số ít hơn hẳn so với 51 nhà thầu vào những năm 1990. Nguyên nhân dẫn tới kết quả này là do Chiến tranh Lạnh kết thúc, khiến chi tiêu dành cho vũ khí giảm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi căng thẳng địa chính trị tăng cao dẫn tới nhiều nguy cơ xung đột bùng nổ, Bộ Quốc phòng Mỹ không muốn quân đội nước này chỉ phụ thuộc vào một số nhà cung cấp quan trọng.

Vấn đề ở đây không phải là Mỹ hết vũ khí mà việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine đang đặt kho dự trữ của Mỹ vào tình thế bất lợi, vì Mỹ cần huấn luyện và chuẩn bị cho xung đột bất ngờ. Các chuyên gia ước tính Mỹ đã cung cấp hơn 1/3 kho dự trữ tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine và sẽ phải mất nhiều năm để bổ sung kho trở về hiện trạng ban đầu.

Một trong những lý do khiến việc làm đầy kho vũ khí của Mỹ kéo dài nhiều năm là do sự chậm trễ trong sản xuất tại Aerojet Rocketdyne - nơi sản xuất động cơ tên lửa cho mọi thứ, từ tên lửa trong Hệ thống Phóng Không gian của NASA cho đến tên lửa Stinger và Javelin.

Lần đầu tiên sau hai thập kỷ, Mỹ không trực tiếp tham gia vào một cuộc xung đột sau khi rút khỏi Afghanistan và chuyển sang vai trò cố vấn ở Iraq. Không có nhu cầu sản xuất vũ khí và đạn dược cho chiến tranh, Mỹ không sản xuất được số lượng vật tư cần thiết để duy trì một cuộc xung đột cường độ cao, lâu dài.

“Ngày càng khó khăn hơn. Đây là cuộc chiến mà chúng ta nghĩ chỉ kéo dài vài ngày nhưng giờ nó có thể kéo dài vài năm. Khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang sụp đổ, phương Tây sẽ có một khoảng thời gian khó khăn để đáp ứng nhu cầu ở mức độ cao”, ông Mike Quigley – thành viên Ủy van Tình báo Hạ viện – trả lời đài CNN.

Trong một cuộc họp báo tháng 11, Colin Kahl, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách thừa nhận việc chuyển vũ khí cho Ukraine đã gây sức ép lên các kho dự trữ và cơ sở công nghiệp của Mỹ cũng như các đồng minh.

“Chúng ta đang chứng kiến ​​trường hợp đầu tiên sau nhiều thập kỷ về một cuộc xung đột thông thường cường độ cao thực sự và sự căng thẳng không chỉ gây ra cho các quốc gia liên quan mà còn cho các cơ sở công nghiệp quốc phòng của những nước hỗ trợ, trong trường hợp này là hỗ trợ Ukraine.

Bộ trưởng Lloyd Austin tập trung ngay từ đầu để đảm bảo rằng chúng tôi không mạo hiểm quá mức. Đó là chúng tôi đã không rút bớt kho dự trữ của mình đến mức làm suy yếu sự sẵn sàng và khả năng ứng phó với một tình huống bất ngờ lớn khác”, Thứ trưởng Kahl nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại