Hwang Yun Ik sẽ không bao giờ tưởng tượng ra ngày cô gọi sếp hay đồng nghiệp bằng tên cúng cơm. Phần lớn người Hàn Quốc đều như vậy.
Ba năm trước, Kakao, một trong những công ty Internet lớn nhất Hàn Quốc, nơi Hwang làm giám đốc phát triển kinh doanh, đã yêu cầu các nhân viên phải có tên tiếng Anh.
Người Hàn Quốc không gọi đồng nghiệp hay cấp trên chỉ bằng tên mà kết hợp tên với địa vị của họ. Họ hành xử tương tự khi nói chuyện với những người lớn tuổi hoặc họ hàng, giáo viên hoặc bất cứ người nào lớn tuổi trên đường.
Nếu bạn tên là Johnson và làm quản lý, đồng nghiệp sẽ gọi bạn là "quản lý Johnson". "Người trẻ phải thể hiện sự tôn trọng với người lớn tuổi. Nếu không sẽ nảy sinh nhiều mâu thuẫn", Hwang cho hay.
Giới nhân viên công sở Hàn Quốc thích được gọi tên bằng tiếng Anh thay vì tên cúng cơm.
Một blog nổi tiếng của Hàn Quốc thậm chí còn cho rằng việc gọi trống không tên của một người còn thô lỗ hơn cả việc tè bậy vào cặp tài liệu của họ.
Tuy nhiên, một số công ty Hàn Quốc đang tìm cách thay đổi hệ thống gọi tên theo cấp bậc này để có môi trường làm việc dân chủ hơn.
Cách tốt nhất là có tên tiếng Anh cho mỗi nhân viên. Sử dụng trực tiếp tên của sếp hay đồng nghiệp có thể làm cho bạn cảm thấy bất lịch sự những việc gọi tên họ bằng tiếng Anh được cho là sẽ mang đến sự thay đổi về tư duy.
Nhiều người Hàn Quốc chọn tên tiếng Anh phổ biến như "John" hay "Sophie". Riêng Hwang muốn được gọi là "Unique".
Hwang Hye Rim, từng làm việc tại một công ty dịch thuật, cho biết cô vẫn luôn gọi tên tiếng Anh của đồng nghiệp đi kèm với chức danh. "Tôi sợ bỏ chức vụ của họ sẽ thực sự gây ra sự khó chịu", cô chia sẻ.
Hong Yun Ji ủng hộ việc không phân biệt cấp bậc tại văn phòng của SABIC, một công ty của Arab Saudi. Tuy nhiên cô vẫn thích gọi bằng tên Hàn Quốc của mình.
"Tôi thích tên Hàn Quốc vì tôi là người Hàn. Việc dùng tên tiếng Anh khi bạn không phải là một người Mỹ có phần kỳ cục. (Trong khi) tên của bạn do cha mẹ đặt cho cơ mà".
Các công ty Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực giáo dục tiếng Anh, du lịch và thương mại thường có quy định về tên tiếng Anh vì nhiều đối tác nước ngoài khó đọc tên tiếng Hàn. "Họ rất chuyên nghiệp. Điều đó rất thuận lợi cho người nước ngoài", Hong nói.
Ở Hàn Quốc, gọi tên kèm chức vụ được cho là thể hiện sự tôn trọng
Một lý do quan trọng hơn là nhiều người muốn có được môi trường làm việc dân chủ, khi ngày càng có nhiều nhân viên là những người trẻ từng đi du học hay làm việc ở nước ngoài với tư duy cởi mở. "Thế hệ trẻ cho rằng việc này (xưng hô theo chức vụ) có vấn đề, và tất cả chúng ta đều cần thay đổi văn hóa này", Hye Rim nói.
Theo cấu trúc cấp bậc ở Hàn Quốc, nhiều khi nhân viên không thể chia sẻ hay theo đuổi ý tưởng của họ. Việc ra quyết định thường phải thông qua nhiều cấp. Các dự án không nhất thiết phải nghe theo hướng dẫn của các chuyên gia mà thường diễn ra theo ý muốn những người có địa vị cao nhất.
Trong khi những công ty khởi nghiệp như Kakao sẵn sàng thay đổi cách thức làm việc này thì các tập đoàn lớn hay các công ty gia đình như Samsung, LG và Hyundai vẫn muốn duy trì nó.
Các nhân viên được tăng lương hay thăng chức dựa trên thâm niên, bàn làm việc được bố trí theo cấp bậc, việc tuyển dụng diễn ra không quá hai lần một năm và thường xuyên dựa vào điểm thi đầu vào. Điều này thể hiện sự cứng nhắc.
Tuy nhiên, để thay đổi nét văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức này cũng cần thời gian. Ngay cả Hong, người đã từng sống ở Canada và không đồng tình với cách gọi tên theo cấp bậc, đôi lúc cũng vô tình gọi tên cấp trên theo cách truyền thống.
"Đó là một công ty nước ngoài, nhưng những người làm việc tại đó hoàn toàn là người Hàn Quốc. Họ không bao giờ từ bỏ những gì đã hình thành nên nhân cách của mình", Hong nhấn mạnh.