Lương cao hay thấp cũng không dám nghỉ việc, vấn đề là gì vậy?

Như Quỳnh |

Không ít người trẻ ngày nay ngập ngừng, do dự không muốn nghỉ việc hay chuyển ngành, do dự không muốn rời các thành phố lớn… Họ không biết mình muốn gì, và vì vậy, chần chừ hành động.

01

Trong quá trình tư vấn cho nhiều người, tôi gặp không ít những người trẻ đang phải vật lộn với câu chuyện nghề nghiệp của mình.

Châu Anh, 27 tuổi, có một công việc hành chính trong doanh nghiệp, vì không quá hứng thú với công việc này nên hầu như ngày nào, cô cũng thức dậy trong trạng thái không muốn đi làm.

Sáng nào cũng vậy, ngủ dậy, vệ sinh cá nhân, rồi soi mình trong gương tới 10 phút để cổ vũ bản thân: công việc mình đang làm rất tốt, ổn định, có việc để làm, được mọi người xem trọng, thu nhập ổn, còn có lương thưởng, trợ cấp, bố mẹ tự hào và yên tâm… Một loạt thao tác như này xong rồi, cô mới bước ra khỏi nhà và đến công ty.

Có một công việc ổn định nhưng tối nào cũng vậy, Châu Anh luôn ở trong trạng thái lo lắng, mất ngủ, cứ nghĩ bản thân sẽ phải sống như này cả đời, cô lại lo âu và cảm thấy mệt mỏi, chán nản.

Trầm cảm và lo âu bắt đầu quấy rầy Châu Anh, nhưng cô vẫn không dám nghỉ việc, bởi chính bản thân cô cũng mơ hồ không biết sau khi nghỉ việc thì sẽ làm gì, không biết mình thích làm gì, nhưng quan trọng hơn hết là bố mẹ cô đã phải chạy vạy nhờ cậy rất vất vả mới lo được cho cô một công việc mà nhiều người ao ước như này, nếu giờ bố mẹ biết cô nghỉ việc, họ chắc chắn sẽ rất giận, rồi mắng cô bốc đồng, không biết suy nghĩ.

Thực ra, Châu Anh là không muốn đi làm, chứ không phải không thích làm việc.

Lương cao hay thấp cũng không dám nghỉ việc, vấn đề là gì vậy? - Ảnh 1.

Đi làm và làm việc là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau

Trên mạng có một câu hỏi như này: “Không muốn làm việc thì phải làm sao?”.

Có người trả lời rằng: “đi làm” và “làm việc” là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Phần lớn mọi người đều nói mình không muốn “đi làm” chứ không phải họ không thích làm việc. “Đi làm” giống như kiểu một “hình thức giao dịch thương mại” giữa một cá nhân và một công ty, công ty trả tiền để mua thời gian của bạn, vậy thì bạn bắt buộc phải làm việc theo quy định hay chế tài của công ty.

Còn làm việc lại là một phương tiện để người ta ổn định cuộc sống hay hiện thực hóa giá trị bản thân.

Châu Anh nói bản thân muốn làm một công việc có giá trị và ý nghĩa hơn, nhưng lại không biết cụ thể nó là gì.

Gần đây bố mẹ còn sắp xếp cho cô đi xem mắt, hi vọng cô mau kết hôn sinh con, hoàn thành nốt những việc mà một người nên làm.

Châu Anh không muốn kết hôn nhanh như vậy, cô cảm thấy hiện tại bản thân còn đang rất mơ hồ, chưa ra đâu vào đâu, kết hôn sinh con là một sự vô trách nhiệm với cả bản thân và cả con cái sau này.

Nhưng nếu nói từ chối buổi xem mặt, thì cô cũng lại chẳng đủ dũng khí, cảm giác rất bất lực.

Là một cô con gái ngoan trong suốt hơn 20 năm, Châu Anh của hiện tại không còn biết làm chủ cuộc đời của mình nữa!

Tình huống mà Châu Anh đang phải đối mặt thực ra cũng là những khó khăn trong nghề nghiệp và cuộc sống mà một bộ phận thanh niên ngày nay đang phải đối mặt.

Họ bước lên con đường được cha mẹ sắp xếp, sống trong một quỹ đạo y hệt cuộc đời của cha mẹ, nhưng trong sâu thẳm, lại cảm thấy “sai sai”, cảm thấy đây không phải là những gì mình muốn, nhưng cũng lại không rõ mình muốn gì, đồng thời cũng thiếu đi động lực để thay đổi.

Toàn bộ con người họ bị mắc kẹt, vì vậy trầm cảm và lo lắng bắt đầu tấn công cơ thể và tâm trí.

02

Trong quá trình tư vấn, tôi cũng gặp những người trẻ lương cao, công việc xịn xò, nhưng họ cũng có áp lực công việc nhiều, thường xuyên phải tăng ca, lãnh đạo không hợp hay đồng nghiệp độc hại. Tuy nhiên, họ không dám nghỉ việc.

Sợ nghỉ việc, vì sao?

Nhiều người cho rằng có thể vì kinh tế họ eo hẹp, không có việc thì không có tiền. Dẫu sao thì nhiều người đi làm cũng chỉ là vì cuộc sống ép buộc, vì sinh tồn, vì vật chất, vì vậy, không muốn đi làm cũng phải đi.

Lương cao hay thấp cũng không dám nghỉ việc, vấn đề là gì vậy? - Ảnh 2.

Lương cao quan trọng hơn sức khoẻ tinh thần là giá trị quan của nhiều người trẻ đương đại

Nhưng thực ra những người đó không như vậy, họ sinh ra trong một gia đình trung lưu, dù tạm thời nghỉ việc, cũng vẫn đủ duy trì cuộc sống trong vài năm, nhưng họ vẫn cảm thấy một cảm giác lo âu và thiếu an toàn nặng nề.

Trong đầu họ có một hạn chế rất lớn, họ nghĩ rằng việc không đi làm là một chuyện rất đáng sợ. Trong các lựa chọn cuộc sống của họ, chỉ có một lựa chọn duy nhất, đi làm kiếm tiền. Quan trọng hơn đó là họ công cụ hóa bản thân mình, cả họ và cha mẹ mình đều đồng ý rằng có công ăn việc làm và có thu nhập còn quan trọng hơn cả cảm xúc và cuộc sống. Đi làm còn quan trọng hơn cả chính bản thân mình, vì vậy, dù có bị công việc đè nén tới mức trầm cảm, họ cũng không thể nghỉ việc.

Đây không phải giá trị quan của rất nhiều người trẻ đương đại ư? Lương cao quan trọng hơn sức khỏe tinh thần. Điểm số của con cái quan trọng hơn sức khỏe khỏe tâm lý và niềm vui của con.

Những người trẻ này rồi cũng sẽ đến một khoảnh khắc mà họ cần thay đổi bản thân – khoảnh khắc mà họ cần tìm ra hướng đi và đưa ra lựa chọn cho cuộc sống của mình, chứ không phải nghe theo truyền thống hay sắp xếp của cha mẹ. Dù sau này yêu cầu và mong muốn của họ có giống với cha mẹ đi chăng nữa, việc tự mình tìm ra lối đi riêng cho mình cũng là một điều cần thiết.

Một cuộc sống không có sự trải nghiệm của bản thân chưa chắc đã là một cuộc sống tốt.

Nếu không thì, đợi tới khi bước vào tuổi trung niên, những người sống vì cha mẹ, sống vì xã hội sẽ có một giai đoạn “khủng hoảng tuổi trung niên” đáng sợ hơn. Họ vẫn phải đối mặt với câu hỏi ý nghĩa cuộc sống mà mình từng vật lộn khi còn trẻ, câu hỏi đó, trả lời được rồi, tự khắc cảm thấy an yên, nhưng nếu vẫn mãi không giải quyết được, những vấn đề về tâm lý, sự thất vọng sẽ chỉ ngày một nhiều hơn.

03

Con gái tôi năm nay 4 tuổi, có những lúc tôi sẽ bất giác so sánh cuộc sống của mình với cuộc sống của con, và tôi nhận ra sự khác biệt vô cùng to lớn giữa hai thế hệ.

Con bé bây giờ dùng iPad để xem phim, hai tuổi đã được ngồi máy bay, ba tuổi bắt đầu học tiếng anh, được tổ chức sinh nhật hoành tráng với bạn bè, ăn bánh sinh nhật… còn tôi khi ở tuổi con bé, tôi chưa từng được trải qua những điều đó, nhìn vào cuộc sống của con bé, rồi lại nhìn lại tuổi ấu thơ của mình, cảm giác như cách nhau cả một cuộc đời vậy.

Lúc đó, tôi sẽ nghĩ, 18 năm sau, con gái tôi sẽ có những lựa chọn công việc và nghề nghiệp như thế nào? Tôi không nghĩ ra.

Tôi có thể dạy cho con bé một vài đạo lý và cách sống, nhưng tôi không thể thay con gái lựa chọn con đường nghề nghiệp mà con bé sẽ bước đi, thứ nhất, vì đó là cuộc đời của con bé, tôi muốn tôn trọng quyết định của con, thứ hai là vì tôi cảm giác mình không đủ năng lực để đưa ra lựa chọn giúp con, thế giới của chúng sau này, dù có cố có lẽ tôi cũng chẳng thể hiểu được hết.

Thực ra, cuộc sống của nhiều người thuộc thế hệ 8X, 9X, 10X chúng ta khác biệt với cuộc sống của cha mẹ rất nhiều.

Tôi có một người bạn, xin nghỉ việc rồi ra làm tự do đã được 7,8 năm, thu nhập còn cao hơn lúc đi làm ở công ty rất nhiều, không chỉ có thể tự nuôi bản thân, mà còn mua được cả một ngôi nhà. Nhưng bố mẹ thỉnh thoảng vẫn nói với cậu ấy: Lúc nào thì con mới tìm một công việc ổn định mà đi làm hả con?

Cậu ấy nói với tôi: Hết cách rồi, công việc mà họ công nhận là công việc truyền thống, sáng đi làm tối về nhà, không thể bảo họ thay đổi suy nghĩ đó được.

Bố mẹ cậu ấy làm việc cho một xí nghiệp cả đời, sau đó nghỉ hưu, hàng tháng nhận lương hưu, đi khám cũng được trợ cấp, với họ, cuộc sống như vậy là tốt, và con cái cũng nên sống như vậy cho an nhàn.

Có lẽ rất nhiều người trẻ hiện nay cũng gặp phải những bất đồng trong chuyện nghề nghiệp như vậy với cha mẹ của mình.

Trước đó, cha mẹ phải sống trong thời kì thiếu thốn, họ mong ước một công việc ổn định vì cái ăn cái mặc, có một nơi để làm việc cả đời là tốt lắm rồi.

Nhưng nghiên cứu về nơi làm việc hiện nay lại cho thấy, mỗi một người đi làm bình thường trung bình sẽ thay đổi công việc 7 lần, việc làm việc tại một công ty 10 năm tới 20 năm ngày càng hiếm, bởi lẽ trên thực tế, có nhiều công ty không thể tồn tại được lâu như vậy.

Môi trường nghề nghiệp và xã hội ngày nay ngày càng khác so với thời của cha mẹ, giá trị quan về công việc cũng dần có những biến đổi.

Giá trị của quan các bậc cha mẹ phần lớn đều rất thực dụng, cuộc đời một người bình thường là: đi học, tốt nghiệp, đi làm, kết hôn, sinh con, nuôi con. Giá trị công việc chính là kiếm tiền để có cơm ăn.

Tuy nhiên, những người trẻ đương đại lại không tán đồng quan điểm đó.

Họ muốn làm công việc mà mình thích, mình hứng thú, họ muốn theo đuổi lý tưởng, muốn hiện thực hóa giá trị của bản thân, muốn tìm kiếm thêm nhiều khả năng khác của cuộc đời.

Lương cao hay thấp cũng không dám nghỉ việc, vấn đề là gì vậy? - Ảnh 3.

Cách duy nhất để tìm thấy con đường muốn đi, công việc yêu thích là hành động

04

Vậy làm thế nào để tìm ra được con đường mà mình muốn đi?

Chỉ có một cách – hành động.

Tôi đã gặp không ít người ngập ngừng, do dự không muốn nghỉ việc hay chuyển ngành, do dự không muốn rời các thành phố lớn..

Họ không biết mình muốn gì, và vì vậy, chần chừ hành động.

Thực ra, sống giữa thời đại thay đổi nhanh chóng như hiện nay, điều chúng ta cần hơn đó là vừa đi vừa nhìn, thay đổi để thích nghi.

Chẳng hạn, nếu đang phải đối mặt với câu hỏi: ở lại thành phố hay về quê phát triển, bạn có thể xin nghỉ rồi trải nghiệm thử đi tìm công việc ở thành phố hoặc ở quê, xem có cơ hội gì, gặp những ông chủ ra sao. Tham dự nhiều hội thảo chuyên môn, xem mình thích hợp với nghề gì… Nói tóm lại, hãy hành động, đừng chỉ ngồi nghĩ.

Chỉ có thử và hành động, bạn mới biết mình thực sự muốn gì, rồi học hỏi được nhiều hơn từ đó. Cuộc sống không có đường tắt, cũng chẳng có con đường nào dễ đi, dù là đi con đường cha mẹ sắp xếp, hay đi con đường mà mình muốn, đã là đường mình tự tìm tòi ra, thì không có con đường nào dễ cả.

Nhưng tôi vẫn khích lệ các bạn thử và tìm ra cuộc sống thực sự thuộc về mình, cuộc sống khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất.

Bởi lẽ, chúng ta chỉ sống một lần!

Theo The Paper

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại