Sau lực lượng lục quân quy mô lớn, lực lượng vũ trang quan trọng số 2 của quân đội Hàn Quốc chính là Không quân.
Không quân Hàn Quốc (ROKAF) là lực lượng không quân mạnh nhất trên bán đảo Triều Tiên, với năng lực lớn hơn nhiều so với đối thủ ở phía bắc, vừa bảo vệ không phận, vừa yểm trợ các lực lượng dưới mặt đất bảo vệ phía nam vĩ tuyến 38.
Gần đây, ROKAF đã đảm nhận một nhiệm vụ mới khi Seoul vạch định khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh thông thường để ngăn chặn vũ khí hạt nhân Triều Tiên.
Không quân Hàn Quốc không để lại nhiều dấu ấn trong chiến tranh Triều Tiên nhưng sau này, họ đã được huấn luyện và trang bị đạt tiêu chuẩn cao. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, ROKAF có thể sẽ đối đầu với Không quân Triều Tiên - lực lượng được huấn luyện thông qua các đợt tuần tra và trang bị một số máy bay chiến đấu từ thời Liên Xô.
Máy bay chiến đấu
Trong tiến trình xây dựng lực lượng không quân sau chiến tranh, ROKAF đã được trang bị 122 chiếc F-86 và RF-86 - đây cũng là 2 loại mà các phi công Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh.
Tốc độ phát triển nhanh của kinh tế Hàn Quốc đã cho phép nước này đầu tư thường xuyên cho các phi đoàn máy bay chiến đấu với quy mô lớn hơn và mới hơn.
Phi đoàn F-86 đã nhường bước cho các máy bay F-5A/B Freedom Fighter vào năm 1965. Mẫu máy bay này do tập đoàn Northrop phát triển để phục vụ thị trường xuất khẩu và được các đồng minh của Mỹ, từ Na Uy cho tới Philippines, sử dụng rộng rãi.
Vào thời đó, F-5 có thể coi là F-16 (hoặc MiG-21) sau này. Tổng cộng 214 chiếc F-15, bao gồm cả phiên bản chế tạo nội địa, đã gia nhập ROKAF cho tới năm 1986.
Cuối những năm 1960, Hàn Quốc bắt đầu mở rộng lực lượng máy bay chiến đấu, chuyển sang các loại máy bay 2 động cơ khi đặt mua 92 tiêm kích F-4D Phantom II đã qua sử dụng. Một số chiếc F-4D trong số này được nâng lên chuẩn -E, nếu cộng thêm số F-4E mà Hàn Quốc đặt mua sau đó thì tổng số máy bay F-4E của ROKAF là 103 chiếc.
Phantom II là máy bay chiến đấu đầu tiên của Hàn Quốc có khả năng tấn công chính xác: F-4D được trang bị pod chỉ thị mục tiêu laser Pave Spike tấn công ban ngày, còn F-4E có pod chỉ thị mục tiêu laser Pave Tack tấn công ngày/đêm. 36 chiếc F-4E đã được sửa đổi để có thể mang theo tên lửa dẫn đường chính xác Popeye của Israel.
Hiện nay, ROKAF có 61 tiêm kích F-15K Slam Eagle, 169 tiêm kích F-16C/D Fighting Falcon, 158 tiêm kích F-5 và 71 tiêm kích F-4.
Các máy bay T-50, do tổ hợp công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) hợp tác với tập đoàn Lockheed Martin - Mỹ phát triển, được chế tạo để đảm nhiệm vai trò huấn luyện và tấn công mặt đất.
Ngoài ra, ROKAF đã đặt hàng 40 tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35A Joint Strike Fighter, con số này có thể tăng lên trong tương lai.
F-15K Slam Eagle là hậu duệ của mẫu máy bay chiến đấu đa nhiệm F-15E Strike Eagle trong Không quân Mỹ, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ không-đối-không và không-đối-đất.
F-15K có nhiều cải tiến vượt trội F-15E như radar quét mảng pha điện tử chủ động AN/APG-63 (V)1, hệ thống tìm kiếm và theo dõi mục tiêu hồng ngoại, hệ thống dò mục tiêu trên mũ phi công và tương tự như F-16, nó có thể mang tên lửa không-đối-không tầm trung AIM-120 AMRAAM và tên lửa tầm ngắn Sidewinder.
F-15K còn có thể mang theo tên lửa tấn công chính xác SLAM-ER (được phát triển từ tên lửa chống hạm Harpoon) và tên lửa hành trình Taurus KEDP-350K.
Tên lửa Taurus, do Đức sản xuất, có đầu đạn xuyên phá để tấn công những mục tiêu kiên cố. Với tầm bắn 500km, Taurus có khả năng tấn công hầu hết các mục tiêu trên lãnh thổ Triều Tiên, trong đó có thủ đô Bình Nhưỡng, dù nó được bắn từ phía nam khu phi quân sự DMZ. ROKAF đã đặt hàng từ 170-180 tên lửa Taurus.
Máy bay chiến đấu F-16D của ROKAF. Nguồn: f-16.net
Nhiều tiêm kích F-16C/D của Hàn Quốc hiện nay do KAI chế tạo trong nước, có khả năng tấn công chính xác nhờ trang bị pod chỉ thị mục tiêu LANTIRN và tác chiến không-đối-không bằng tên lửa tầm trung AIM-120 AMRAAM và tầm ngắn AIM-9 Sidewinder.
F-16 còn có thể mang tên lửa chống bức xạ AGM-88 HARM để thực hiện các nhiệm vụ áp chế phòng không.
Máy bay hỗ trợ
Ngoài máy bay chiến đấu, Hàn Quốc còn tích cực xây dựng lực lượng máy bay hỗ trợ. 4 chiếc "Peace Eye" (chuyển đổi từ máy bay Boeing 737) mang lại cho Hàn Quốc khả năng cảnh báo sớm bằng máy bay đầu tiên.
Peace Eye trang bị hệ thống radar của hãng Northrop Grumman, có thể phát hiện các mục tiêu trên không ở khoảng cách 300km và các tàu thuyền nhỏ cách xa 240km. Hiện Hàn Quốc đang đặt mua thêm 2 máy bay này.
Máy bay cảnh báo sớm E-737 Peace Eye của ROKAF. Nguồn: ROKAF
Bên cạnh đó, ROKAF có 8 máy bay trinh sát Raytheon Hawker 800XP, có thể chụp lại hình ảnh các cơ sở của Triều Tiên cách xa tới 80km, tính từ DMZ trong khi thực hiện nhiệm vụ thu thập tín hiệu tình báo.
ROKAF còn có lực lượng trực thăng ấn tượng, gồm CH-47 Chinook, S-70 và S-92, để thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ.
Do vị trí giáp ranh giữa 2 miền nên Hàn Quốc không cần tới các máy bay tiếp dầu trên không.
Ngoài các mẫu máy bay hiện có, Hàn Quốc đang hợp tác với Indonesia để phát triển mẫu máy bay chiến đấu nội địa đầu tiên, gọi là KFX. Đây là máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 - tức là ở khoảng giữa các tiêm kích thế hệ 4 như F-16C và tiêm kích thế hệ 5 F-35A.
Trên thực tế, mô hình của KFX cho thấy nó mang những đặc điểm tương tự 2 mẫu máy bay trên. Trong tương lai, KFX sẽ là máy bay chiến đấu đa nhiệm, có khả năng tấn công và thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu khác.
Hàn Quốc dự kiến chế tạo ít nhất 120 chiếc KFX để thay thế cho các máy bay F-4 và F-5 đã cũ. Theo kế hoạch ban đầu, tới năm 2020, KFX sẽ đạt khả năng hoạt động ban đầu (IOC). Tuy nhiên, tới năm 2018, KFX mới bước vào giai đoạn thiết kế nên có lẽ phải tới năm 2025 (hoặc xa hơn) nó mới đạt được mục tiêu đó.
Cuối cùng, ROKAF có kế hoạch mua 4 máy bay do thám không người lái tầm cao RQ-4 Global Hawk. Mẫu máy bay này sẽ là thành phần then chốt trong mạng lưới giám sát được Hàn Quốc thiết lập để canh chừng Triều Tiên, cung cấp thông tin cảnh báo sớm trước các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.
Đề nghị mua các máy bay Global Hawk đã được Bộ Quốc phòng Mỹ thông qua vào tháng 12/2014 và dự kiến sẽ được chuyển giao trong năm 2018.
Lực lượng răn đe mạnh mẽ
ROKAF đang ở thế thượng phong để đối phó với đối thủ chính yếu của họ - Triều Tiên. Trong khi Không quân Triều Tiên đã tàn lụi sau hàng thập kỷ trì trệ kinh tế thì ROKAF đã phát triển mạnh, trở thành một lực lượng không quân hiện đại, cân bằng.
ROKAF có khả năng đảm nhận tất cả các nhiệm vụ mà họ có thể được giao phó trong Chiến tranh Triều Tiên lần 2, từ yểm trợ đường không tầm gần cho tới các cuộc tấn công nhằm vào các nhân vật chủ chốt trong chính quyền Bình Nhưỡng.
Đây là lực lượng răn đe mạnh mẽ và đáng tin cậy trước nguy cơ chiến tranh.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của chuyên gia phân tích quốc phòng và an ninh quốc gia Kyle Mizokami