Luật sư lý giải việc bắt tạm giam người cha trong vụ đánh thương binh

Hoàng Đan |

Theo luật sư Thơm, việc bắt tạm giam ông Nhu trong vụ đánh thương binh và cho anh Tài tại ngoại là tùy thuộc quan điểm của cơ quan điều tra và được Viện kiểm sát phê chuẩn.

"Chưa xác định rõ ai là người gây ra vụ va chạm giao thông"

Ngày 9/2, cơ quan CSĐT, Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Bá Nhu cùng con trai Nguyễn Bá Tài (Mỹ Đức, Hà Nội) liên quan đến vụ hành hung thương binh Hoàng Tiến Vin sau khi va chạm giao thông vào ngày 28 Tết.

Cùng ngày, cơ quan công an đã thi hành lệnh tạm giam đối với Nguyễn Bá Nhu, còn Nguyễn Bá Tài được tại ngoại.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Anh Thơm, người bảo vệ quyền lợi cho ông Vin cho rằng, lời khai ban đầu của hai cha con, nguyên nhân vụ việc là do bị xe ba bánh của ông Vin điều khiển cùng chiều vượt gây ra vụ va chạm gây móp, trầy xước bên hông trái của ô tô, đồng thời làm rụng gương chiếu hậu và vỡ kính chắn gió bên lái.

Theo quan điểm của luật sư Thơm, vụ va chạm đúng sai và do lỗi của ai gây ra sẽ được giải quyết theo trình tự thủ tục vụ việc giao thông mà pháp luật đã quy định.

Cụ thể, khi xảy ra tai nạn giao thông phải giữ nguyên hiện trường và thông báo cho lực lượng CSGT đến giải quyết.

Bên nào là người có lỗi sẽ được xác định sau khi đã hoàn tất các thủ tục pháp lý như: khám nghiệm hiện trường, đo đạc và vẽ sơ đồ hiện trường, thu lượm dấu vết, vật chứng, lập biên bản khám nghiệm hiện trường theo quy định của Luật tố tụng hình sự...

Kết quả khám nghiệm, kiểm tra, đối chiếu phải được ghi rõ ràng, đầy đủ vào biên bản khám nghiệm phương tiện.

Luật sư lý giải việc bắt tạm giam người cha trong vụ đánh thương binh - Ảnh 1.

Ảnh cắt từ clip.

Những người tham gia khám nghiệm và người điều khiển phương tiện phải ký vào biên bản,... Trong quá trình điều tra vụ tai nạn giao thông nếu có căn cứ xác định hiện trường bị xáo trộn, hiện trường giả hoặc xét thấy cần thiết thì tổ chức dựng lại hiện trường.

Khi dựng lại hiện trường nhất thiết phải có người chứng kiến, có thể mời người liên quan cùng tham gia.

Nội dung dựng lại hiện trường là phải xác định lại vị trí dấu vết, người bị nạn, phương tiện để lại ở hiện trường, xem xét lại những tình huống, hành vi và những tình tiết khi xảy ra vụ tai nạn giao thông; đo đạc và vẽ lại sơ đồ hiện trường; chụp ảnh để làm cơ sở so sánh đối chiếu.

"Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại chưa có cơ sở pháp lý để xác định việc va chạm giao thông xuất phát do lỗi của người điều khiển xe ba bánh hay do người điều khiển ô tô gây ra.

Do vậy, vụ va chạm giao thông sẽ được Cơ quan chức năng xem xét giải quyết sau theo trình tự pháp luật.

Tuy nhiên, hành vi đánh thương binh của hai bố con ông Nhu rõ ràng đã thể hiện sự côn đồ, hung hãn", luật sư Thơm nói.

Cũng theo luật sư Thơm, kết quả điều tra giám định tỷ lệ thương tật của Trung tâm giám định pháp y Viện khoa học hình, Bộ Công An đã kết luận ông Vin đã bị tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tích 15% .

"Đây là căn cứ để cơ quan điều tra khởi tố bị can theo điều khoản tương ứng của Điều 104 Bộ luật hình sự 1999", luật sư Thơm nêu rõ.

Liên quan đến việc bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Bá Nhu và cho anh Nguyễn Bá Tài tại ngoại, theo luật sư Thơm, việc này là tùy thuộc vào quan điểm của cơ quan cảnh sát điều tra CA Chương Mỹ trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, răn đe đối với các nghi phạm gây ra vụ việc.

"Ở đây, việc bắt tạm giam ông Nhu và cho anh Nguyễn Bá Tài tại ngoại dựa trên cơ sở là quyết định của cơ quan cảnh sát điều tra về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn được Viện kiểm sát nhân dân huyện Chương Mỹ phê chuẩn.

Việc bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Nhu phục vụ công tác điều tra có thể dựa trên quan điểm của cơ quan cảnh sát điều tra xét thấy cần thiết để đảm bảo tình hình an ninh, trật tự, mang tính răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Đồng thời, cũng có thể ông Nhu giữ vai trò chính trong việc hành hung thương binh Vin còn đối với con trai giữ vai trò đồng phạm nên xét trên hành vi, cơ quan cảnh sát điều tra thấy chưa cần thiết phải bắt cả hai", luật sư Thơm nêu rõ.

Có thể lĩnh án 7 năm tù?

Còn luật sư Đào Ngọc Hoàn, cũng nêu rõ, chỉ vì lý do cho rằng xe của ông Vin quệt vào ô tô và bỏ chạy mà hành hung, đánh đập, dùng nạng gây thương tích tổn hại sức khỏe đến 15% bất chấp sự can ngăn thể hiện sự côn đồ hung hãn.

"Hành vi phạm tội của các đối tượng, theo quan điểm của luật sư đã có dấu hiệu phạm tội theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 với các tình tiết định khung: có tính chất côn đồ, dùng hung khí nguy hiểm và gây thương tích cho người không có khả năng tự vệ.

Với hành vi như vậy thì các nghi phạm nếu bị tuyên án có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm", luật sư Hoàn nhấn mạnh.

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại