Chiều nay 10-7, trao đổi với Báo Người Lao Động, luật sư Lê Thành Kính, người bào chữa cho bị can Tô Anh Dũng, cho biết hiện nay sức khoẻ và tinh thần thân chủ của ông hoàn toàn bình thường. Đến nay, bị can Tô Anh Dũng cùng gia đình đã nộp số tiền 16,2 tỉ đồng để khắc phục hậu quả.
Bị can Tô Anh Dũng. Ảnh: Bộ Công an
Theo luật sư, trong quá trình điều tra ông Tô Anh Dũng đã vô cùng ăn năn hối lỗi vì đã vướng vào vòng lao lý gây ảnh hưởng uy tín bản thân, gia đình và Bộ Ngoại giao. Trong quá trình điều tra, thân chủ của ông nhận thức được hành vi sai phạm của mình nên đã thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan điều tra.
Theo kế hoạch, ngày mai 11-7, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm 54 bị can trong vụ án "Chuyến bay giải cứu". Trong số 54 bị can trong vụ án có 21 cựu quan chức, cán bộ đã nhận hối lộ gần 165 tỉ đồng để "tạo điều kiện" sai quy định cho các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo, cách ly tập trung. Trong số các bị can giữ chức vụ cao nhất ở vụ án này ông Tô Anh Dũng bị cáo buộc nhận hối lộ 21,5 tỉ của các doanh nghiệp.
Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước. Việc tổ chức chuyến bay được giao cho Văn phòng Chính phủ và tổ công tác một số bộ, ngành.
Thực hiện chủ trương này, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9-2020 đến tháng 12-2022, 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ gần 165 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại 10,4 tỉ đồng. Ngoài ra, 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đưa hối lộ tổng cộng gần 227 tỉ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ tổng cộng gần 74,5 tỉ đồng và lừa đảo hơn 24,5 tỉ đồng.
Theo cáo buộc, trong vụ án này, bị can Tô Anh Dũng được phân công phụ trách, chỉ đạo Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao. Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) là đầu mối tiếp nhận hồ sơ từ các doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong thời gian dịch COVID-19.
Ngoài ra, cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng còn giữ vai trò ký văn bản xin ý kiến 4 Bộ (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải) và ký đề xuất gửi Lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch đưa công dân về nước. Biết được vai trò của Tô Anh Dũng, từ tháng 5-2020 đến tháng 1-2022, 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tiếp cận, đặt vấn đề nhờ Tô Anh Dũng giải quyết cấp phép chuyến bay và được Tô Anh Dũng đồng ý.
Trong quá trình thực hiện, bị can Tô Anh Dũng 37 lần nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp, tổng số tiền lên tới 21,5 tỉ đồng.
Trong số 37 lần các doanh nghiệp đưa hối lộ cho bị can Dũng chủ yếu diễn ra tại phòng làm việc của cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Đáng chú ý, trong các lần nhận tiền này, Viện kiểm sát cáo buộc bị can Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư ATA Việt Nam), thông qua mối quan hệ đã gặp bà Trần Phi Nga (vợ bị can Tô Anh Dũng).
Trong quá trình gặp mặt bà Trần Phi Nga vào ngày 7-7-2021, Vy đưa cho bà Nga tại quán Highland Coffee trong khuôn viên Khu đô thị Ciputra (quận Tây Hồ, Hà Nội) 1 túi quà. "Bà Nga khai đã nhận túi quà và đưa cho Tô Anh Dũng, nhưng không biết bên trong có gì. Tô Anh Dũng khai túi quà Vy gửi cho Dũng có 50.000 USD" - VKSND kết luận.