Các chuyên gia nhận định, việc chưa có cơ chế để người dân tham gia thực chất vào công tác quản lý, sử dụng đất đai đã dẫn đến hệ lụy là số lượng khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai liên tục tăng qua các năm và ngày càng phức tạp.
Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang lấy ý kiến nhân dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bổ sung 1 điều quy định về vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai.
Cụ thể, tại Điều 20 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất: "Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai; cho ý kiến đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; tham gia ý kiến đối với dự án có sử dụng đất do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận thực hiện quyền giám sát về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định của Hiến pháp, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan."
Theo các chuyên gia pháp lý, dự thảo quy định trên là điểm mới đáng ghi nhận để tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, trong việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 đang được tiến hành cần tạo ra được cơ chế cụ thể để người dân có thể tham gia thực chất hơn vào công tác quản lý, sử dụng đất đai.
Theo đó, tại một Hội thảo Khoa học tại TP.HCM, PGS.TS. Phan Trung Hiền (Đại học Cần Thơ) từng đặt vấn đề liên quan đến nội dung khi Nhà nước quyết định thu hồi đất theo quy định tại Luật đất đai 2013 phục vụ các mục đích như quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì giá đất tính bồi thường lại thường chưa phản ánh đúng trị giá trên thị trường.
Cũng theo PGS.TS. Phan Trung Hiền thực tế thời gian qua cho thấy, trường hợp bên thu hồi đất (nhà nước hoặc doanh nghiệp) và bên có đất bị thu hồi (người dân) không có cùng quan điểm với nhau về mức giá đến bù thì "bên yếu thế" vẫn thường là người dân.
Theo đó, liên quan đến vấn đề xác định giá bồi thường khi nhà nước thu hồi đất để đầu tư hạ tầng đấu giá đất, PGS.TS. Phan Trung Hiền cho rằng cần xây dựng cơ chế để người dân tham gia vào quy trình xây dựng bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể bởi họ không thể đứng ngoài cuộc khi người khác định giá tài sản do mình là chủ sử dụng.
Chia sẻ quan điểm cần có giải pháp xác định giá đất thực tế làm căn cứ phục vụ các công tác như giải phóng mặc bằng, tính thuế,… PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng có thể nghiên cứu cơ chế thành lập các Hội đồng định giá đất độc lập với sự tham gia của nhiều bên, chuyên gia, nhà nước và cả người dân.
Bên cạnh đó, dưới góc độ "kỹ thuật", để đảm bảo vị trí bình đẳng trong quy trình giải quyết khiếu nại liên quan đến đất đai, đặc biệt là giá đất, PGS.TS. Phan Trung Hiền nhấn mạnh cần ở Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực đất đai nói riêng.
"Phương án có thể xem xét là tổ chức các phòng đối thoại có hai bên tương đồng nhau theo hình thức hội nghị bàn tròn; bảo đảm sự tham gia của các cơ quan, tổ chức tư vấn pháp luật như: trung tâm trợ giúp pháp lý, thành viên đoàn luật sư, thành viên hội luật gia, Hội đồng Dân chủ và pháp luật thuộc Mặt trận Tổ quốc và các chủ thể này phải được quyền tiếp cận các hồ sơ giải quyết" - PGS.TS. Phan Trung Hiền nhận định.