Nhiều người cho rằng lý do chính thúc đẩy những kẻ lừa đảo là vấn đề tài chính. "Tôi nghĩ họ gặp rắc rối với tiền" là quan điểm chung của không ít người được hỏi.
Nhưng không phải tất cả những người lừa đảo đều nghèo. Ngay cả một người giàu, không gặp vấn đề về tiền bạc, vẫn có trường hợp là kẻ lừa đảo, chẳng hạn như giả mạo đơn xin vay tiền, trốn thuế hoặc lừa số tiền lớn hơn nữa từ các nhà đầu tư.
Theo kết quả của một cuộc khảo sát do nhà kinh tế học hành vi Marco A Palma và nhà kinh tế Billur Aksoy tiến hành, xoay quanh câu hỏi: "Tại sao mọi người lại lừa đảo, gian lận?" đồng thời tìm hiểu vai trò của tiền trong các vụ lừa đảo tài chính.
Đáp án bất ngờ mà họ nhận được là: "Những kẻ lừa đảo đơn giản vì họ là kẻ lừa đảo. Xu hướng gian lận của mọi người không phản ánh tình hình kinh tế và những người có xu hướng gian lận sẽ làm như vậy cho dù họ giàu hay nghèo".
Các ngôi làng nhỏ dưới chân núi lửa Guatemala.
Kết quả nghiên cứu này đã được công bố vào tháng trước, trên tạp chí khoa học Science Direct. Để tìm ra kết quả này, cả hai nhà khoa học đã thực hiện một cuộc khảo sát tại một ngôi làng trồng cà phê dưới chân núi lửa Fuego ở Guatemala, một quốc gia tại Trung Mỹ. Ngôi làng này được chọn bởi nó là một khu vực hiếm hoi mà con người ở đây có cơ hội trải qua cả hoàn cảnh nghèo đói lẫn giàu có liên tiếp nhau.
Bởi thu hoạch hạt cà phê là nguồn thu nhập chính ở ngôi làng này. Nhiều dân làng tương đối giàu có trong khoảng 5 tháng kể từ vụ thu hoạch mùa thu, sau đó trở nên nghèo khó trong 7 tháng cho đến kỳ thu hoạch tiếp theo. Lý do tại sao nông dân ở ngôi làng này không thể kiếm được thu nhập lâu dài từ việc thu hoạch hạt cà phê là bởi vì không có ngân hàng nào trong vùng lân cận và dịch vụ y tế, thực phẩm và nước sạch không có sẵn ở các làng ở Guatemala. Theo khảo sát, dân làng kiếm được trung bình khoảng 3 USD mỗi ngày.
Những thay đổi độc đáo trong tình hình tài chính của dân làng dưới chân núi lửa Fuego dường như phù hợp cho chủ đề của nghiên cứu của Palma và Axoy.
Nhóm nghiên cứu đã đến thăm ngôi làng hai lần vào tháng 9/2017, thời điểm trước kỳ thu hoạch hạt cà phê (mùa nghèo đói) và tháng 12, thời gian sau kỳ thu hoạch hạt cà phê ba tháng (mùa giàu có). Trong chuyến thăm, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một trò chơi đơn giản với 109 dân làng. Nội dung của trò chơi là để một hột xúc xắc 6 mặt vào cốc và yêu cầu dân làng lắc nó. Sau đó, nhờ người dân nói cho họ biết số điểm ở mặt trên của con xúc xắc là gì. Nếu số điểm là 1, họ nhận được 1 USD. Số điểm 2 là 2 USD, cứ như vậy tăng lên. Tuy nhiên, nếu số điểm là 6, họ sẽ không nhận được gì cả.
Xúc xắc hiện số điểm bao nhiêu, dân làng nhận được từng đó USD, trừ con số 6.
Nhóm nghiên cứu không biết con xúc xắc hiện ra mặt gì, vì vậy họ không rõ liệu những người dân tham gia chơi có báo cáo đáp án chính xác không. Tuy nhiên, xác suất nhận được cho mỗi mặt phải gần bằng 16,67%.
Tuy nhiên, kết quả của cuộc khảo sát cho thấy khoảng 85% các đối tượng đã báo cáo là thấy các điểm là 3, hoặc 5. Trong đó, số người báo cáo nhìn thấy 5 điểm trên mặt xúc xắc là cao nhất, với tỷ lệ ghi nhận hơn 50%. Đặc biệt không có đối tượng nào báo cáo về việc thấy 6 điểm, số điểm mà họ không thể nhận được phần thưởng.
Khảo sát này được thực hiện hai lần, vào thời kỳ nghèo đói và thời kỳ giàu có nhất của dân làng. Nhưng dường như không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắt súc sắc được tuyên bố, tại cả hai thời điểm. Nói cách khác, rõ ràng việc tuyên bố sai (hành vi lừa đảo) được thực hiện vẫn bởi những người đó, cho dù họ giàu hay nghèo.
Sau khi kết thúc đợt thử nghiệm đầu tiên, hai giáo sư Aksoy và Palma đã yêu cầu người chơi tung xúc xắc một lần nữa. Lần này, kết quả xúc xắc sẽ quyết định khoản thanh toán cho người chơi khác trong làng.
Trong một khu vực nhỏ như ngôi làng này, điều đó có nghĩa là mọi người đang chơi để tăng thu nhập cho bạn bè, gia đình, hàng xóm và đồng nghiệp của họ. Kết quả là con số xuất chi có tỷ lệ thấp hơn một chút so với vòng đầu tiên, 73% trong mùa giàu có và 75% trong thời gian nghèo khó. Gian lận vẫn xảy ra như đợt chơi đầu, nhưng có phần ít thường xuyên hơn. Và như trong vòng trước, tỷ lệ gian lận là tương tự nhau trong quãng thời gian giàu và nghèo.
Sau đó, nhóm nghiên cứu thay đổi luật chơi, yêu cầu dân làng tung xúc xắc để xác định khoản thanh toán cho một người lạ, ở một làng khác. Vào tháng 12, thời điểm giàu có, kết quả cho thấy tỷ lệ điểm số thấp (1,2,6) và cao (3,4,5) là 50-50. Tức là họ không gian lận vì lợi ích tài chính của người lạ. Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn, dân làng đã báo cáo con số xuất chi cao khoảng 70% thời gian, tức là nói dối để mang lại lợi ích cho người lạ.
Tại sao mọi người sẽ phá vỡ các quy tắc mang tiền cho người khác khi bản thân họ nghèo nhất?
"Chúng tôi tin rằng dân làng trở nên đồng cảm hơn trong thời kỳ nghèo khó, cảm thấy có mối quan tâm tương tự đối với người ngoài như cách họ đã làm cho bạn bè và gia đình của mình", các nhà nghiên cứu nhận định.
Giàu hay nghèo chỉ là lý do xảo biện của những kẻ gian lận.
Theo nhóm nghiên cứu, kết quả của các cuộc khảo sát đã giúp họ đã khám phá ra hai sự thật. Một là con người sẽ có một mức gian lận tương tự nhau dù là khi họ nghèo đói hay giàu có. Hai là sự hào phóng với người lạ sẽ không tồn tại khi con người ta giàu có.
Tuy nhiên, do bản thân thí nghiệm này chỉ được thực hiện tại một ngôi làng nhỏ ở Guatemala, vì vậy hệ thống dữ liệu cần mở rộng hơn để các bằng chứng thêm thuyết phục. Parma cũng cho biết các nhà nghiên cứu Thái Lan đã đưa ra kết luận tương tự, với đối tượng là người dân trồng lúa.
"Nghiên cứu này chưa được công bố, nhưng tương tự như đối tượng nghiên cứu của chúng tôi. Rõ ràng là họ nói dối vì lợi ích cá nhân kể cả khi giàu hay nghèo", ông nói.
Nghiên cứu của Parma và cộng sự cho thấy mức độ ảnh hưởng của sự giàu có đối với hành vi sai trái của con người là ít hơn nhiều so với đạo đức của các cá nhân. Nói cách khác, một cá nhân có lừa đảo hay không phụ thuộc phần lớn vào việc anh ta (hay cô ta) có thiên hướng gian lận hay không. Kết luận này phù hợp với các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng những người có hành vi chống đối xã hội hoặc phạm tội có thể có khuynh hướng di truyền để làm như vậy.
Nói cách khác, một số người có thể được sinh ra với xu hướng lừa gạt người khác để lấy tiền của họ. Và nếu như vậy, các yếu tố môi trường như nghèo đói và cơ hội không phải là lý do để gian lận. Chúng đơn giản chỉ là một cái cớ để giải thích cho những hành vi xấu mà thôi.
Tham khảo The Conversation