'Lừa đảo chiều thứ Sáu': Chiêu trò kỳ lạ khiến nhiều người mất sạch tiền, tới thứ Hai mới vỡ lẽ thì đã muộn!

Nhật Minh |

Đúng như tên gọi, "lừa đảo chiều thứ Sáu" là một hình thức lừa đảo mà trong đó, kẻ gian có xu hướng chọn chiều thứ Sáu để tiến hành. Tại sao lại như vậy?

Cuối cùng cũng tìm được ngôi nhà mơ ước, bạn vừa háo hức, vừa hồi hộp thực hiện thao tác chuyển tiền đặt cọc mua nhà cho luật sư/công ty luật phụ trách làm hồ sơ chuyển nhượng tài sản. Sau khi cẩn thận kiểm tra lại thông tin, số tiền đã gõ đúng, số tài khoản đã chính xác hoàn toàn, bạn ấn nút xác nhận giao dịch. Trong tích tắc, bạn mất tất cả.

Hình thức lừa đảo mà chúng ta đang nói tới được gọi là "lừa đảo chiều thứ Sáu". Nó còn có nhiều tên gọi khác, chẳng hạn như lừa đảo chuyển hướng thanh toán và lừa đảo chuyển tiền.

Phương thức lừa đảo

Như tên gọi, "lừa đảo chiều thứ Sáu" thường xảy ra vào chiều thứ Sáu trong tuần, nhưng cũng có thể được kẻ gian tiến hành vào bất cứ ngày nào khác. Tại một số khu vực, việc phạm tội vào chiều thứ Sáu có thể cho phép kẻ lừa đảo trì hoãn sự điều tra của các cơ quan chức năng, và nạn nhân đôi lúc không nhận ra rằng họ đã bị lừa cho tới thứ Hai tuần sau.

Ở hình thức lừa đảo này, kẻ gian hack tài khoản email của người mua nhà hoặc luật sư của họ để theo dõi và chặn email gửi tới.

Tờ "Which?" (Anh) cho hay, thông thường, kẻ lừa đảo sẽ liên hệ với người mua nhà theo tư cách là luật sư/công ty luật phụ trách hồ sơ chuyển nhượng và cung cấp cho họ thông tin ngân hàng giả. Sau đó, khi người mua chuyển tiền đặt cọc, họ đã vô tình gửi số tiền đó cho kẻ lừa đảo.

Lừa đảo chiều thứ Sáu: Chiêu trò kỳ lạ khiến nhiều người mất sạch tiền, tới thứ Hai mới vỡ lẽ thì đã muộn! - Ảnh 1.

Tâm trạng háo hức chờ đón ngôi nhà mới có thể khiến bạn dễ rơi vào bẫy của kẻ gian. Ảnh minh họa (OPS)

Phương thức chính xác mà những kẻ lừa đảo sử dụng sẽ tùy thuộc vào việc chúng xâm nhập được vào tài khoản email bên nào. Nếu đó là email của luật sư thì kẻ lừa đảo có thể mạo danh luật sư và gửi email cho người mua nhà.

Tuy nhiên, các trường hợp phổ biến vẫn là người mua bị hack email. Khi ấy, những kẻ lừa đảo sẽ tạo một tài khoản email mới có địa chỉ rất giống với địa chỉ email của luật sư/công ty luật (có thể chỉ thay đổi 1 ký tự). Chúng cũng bắt chước giọng văn và chữ ký được sử dụng trong các email đó.

Tờ "Which?" cho biết, đã có nhiều trường hợp mà trong đó, kẻ lừa đảo gọi điện cho người mua nhà, giả làm thành viên trong công ty luật rồi cung cấp cho người mua thông tin tài khoản ngân hàng chi tiết để chuyển tiền.

Quá trình chuẩn bị có thể kéo dài nhiều năm

Để tiến hành chiến dịch "lừa đảo chiều thứ Sáu", kẻ gian có thể mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm để chuẩn bị. Chúng tìm cách giành được quyền truy cập vào tài khoản email của người đang có ý định mua nhà và ẩn nấp cho tới khi có cơ hội thích hợp.

Chuyên gia an ninh mạng Jake Moore cho biết, kẻ lừa đảo có thể thiết lập phần mềm quét tự động các tài khoản email để tìm kiếm những từ khóa như "chuyển tiền" hoặc "mua nhà". Những lần quét này có thể diễn ra định kỳ, ví dụ mỗi tháng một lần. Khi một số từ khóa được tìm thấy, kẻ lừa đảo sẽ bắt đầu các nỗ lực chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Lừa đảo chiều thứ Sáu: Chiêu trò kỳ lạ khiến nhiều người mất sạch tiền, tới thứ Hai mới vỡ lẽ thì đã muộn! - Ảnh 2.

Do chuyển tiền vào chiều thứ Sáu nên nhiều nạn nhân đôi lúc không nhận ra rằng họ đã bị lừa cho tới thứ Hai tuần sau. Ảnh: NC

Làm cách nào để những kẻ lừa đảo có quyền truy cập vào các tài khoản email ngay từ đầu? Hai phương pháp phổ biến được chúng sử dụng là thông qua dữ liệu rò rỉ hoặc lợi dụng việc chủ tài khoản nhập thông tin cá nhân lên một website không đáng tin cậy.

Nếu một vụ rò rỉ dữ liệu lớn xảy ra, tin tặc có thể sử dụng dữ liệu bị lộ để đoán mật khẩu và giành quyền truy cập vào tài khoản của nạn nhân.

Làm gì để đảm bảo an toàn?

Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh trở thành nạn nhân của hình thức "lừa đảo chiều thứ Sáu", trước khi chuyển toàn bộ tiền đặt cọc mua nhà cho luật sư/công ty luật, bạn hãy gửi một khoản tiền danh nghĩa trước, và chỉ chuyển nốt khoản tiền còn lại sau khi các thông tin đã được xác minh rõ ràng.

Khi liên hệ với công ty luật làm hồ sơ chuyển nhượng, hãy đề phòng bất cứ email hoặc cuộc gọi điện thoại đáng ngờ nào, hãy nghi ngờ nếu bạn được một nhân viên "mới" hoặc một nhân viên làm ở bộ phận khác của công ty liên hệ.

Cuối cùng, hãy luôn đặt mật khẩu an toàn cho email của mình và dành thời gian suy nghĩ trước khi đưa ra bất cứ quyết định lớn nào, chẳng hạn như chuyển một khoản tiền lớn.

Những kẻ lừa đảo sẽ có cơ hội thành công cao hơn nếu bạn đang vội, vì vậy hãy chậm lại, lùi lại một bước. Nếu bạn linh cảm rằng đang có điều gì đó không ổn, hãy chú ý đến trực giác của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại