Lớp học đặc biệt dành cho phụ nữ tị nạn ở Hy Lạp

Tường Phạm |

Soheila - một người tị nạn Afghanistan ở Hy Lạp đang hướng dẫn một nhóm phụ nữ về cách sử dụng các biện pháp tránh thai. Phía sau Soheila là phông chiếu với hình ảnh cơ quan sinh sản của phụ nữ. Đối với nhiều phụ nữ tị nạn, đây là lần đầu tiên họ được biết đến các biện pháp tránh thai.

Xây dựng cuộc sống mới ở châu Âu

Sau khi hoàn thành khóa đào tạo bắt buộc vào tháng 3 năm nay, Soheila bắt đầu giảng dạy về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ tị nạn. Đây là một phần của chương trình giáo dục do The Unmentionables - Tổ chức hỗ trợ người tị nạn và cộng đồng di cư ở trung tâm Thủ đô Athens, Hy Lạp tổ chức.

Trước đây, Soheila cũng không hiểu rõ về cơ thể cũng như hệ thống sinh sản nữ. 25 tuổi, cô đã là mẹ của một bé gái 10 tuổi và hai bé trai, một lên 5 tuổi và một lên 3 tuổi.

Giống như nhiều phụ nữ khác ở Afghanistan, cô buộc phải kết hôn khi mới 14 tuổi. Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), khoảng 35% cô gái Afghanistan kết hôn trước 18 tuổi; 9% buộc phải kết hôn trước 15 tuổi; 87% phụ nữ Afghanistan bị bạo lực và lạm dụng tình dục. “Tôi kết hôn từ khi còn nhỏ và điều đó thực sự rất tệ.

Sau lễ cưới, tôi chuyển đến nhà chồng, ở đó, tôi phải làm tất cả các công việc nhà từ nấu ăn đến chăm sóc con cái. Khi từ chối, tôi bị gia đình chồng đánh đập. Tôi chỉ mong được là chính mình và làm những điều mình muốn nhưng họ không cho phép điều đó. Tôi nghĩ, đó cũng chính là hành vi bạo lực”, Soheila nói.

"Chúng tôi thấu hiểu phụ nữ từng trải qua bạo lực và lạm dụng tình dục. Chúng tôi trang bị kiến thức, niềm tin để họ quyết định phải làm gì".

Alisa Cappelletti (Chuyên gia về bạo lực tình dục và giới tính)

Trong khi nhiều tổ chức hỗ trợ người tị nạn tập trung vào hỗ trợ tâm lý và pháp lý, The Unmentionables mong muốn trang bị kiến thức về sức khỏe tình dục, sinh sản cho phụ nữ tị nạn. Kaleigh Heard, người đồng sáng lập và điều hành của The Unmentionables cho rằng, với phụ nữ tị nạn, thông tin về sức khỏe sinh sản và tình dục được coi là vấn đề khá nhạy cảm, ít được đề cập.

Thay đổi nhận thức về vấn đề này sẽ thay đổi quan điểm và cuộc sống của họ. Bên cạnh đó, đối với phụ nữ tị nạn là nạn nhân của bạo lực tình dục và giới tính (SGBV), biết rõ cơ thể cũng như các quyền cơ bản của con người sẽ giúp họ xây dựng lại cuộc sống mới ở châu Âu”.

Soheila cho biết, kể từ khi đến Hy Lạp, cuộc sống của cô đã thay đổi. Cô dành phần lớn thời gian đi làm ở bên ngoài thay vì làm việc nhà và chăm sóc gia đình như trước kia.

Quan trọng nhất là chồng cô đã hiểu ra rằng, phụ nữ có quyền ở đây và bạo lực gia đình là không thể chấp nhận. Chính vì vậy, Soheila có thể làm việc tại The Unmentionables và đi đến bất cứ nơi đâu cô muốn. “Anh ấy không tức giận vì tôi không có thời gian để nấu bữa tối mỗi ngày. Chồng tôi hài lòng nếu tôi nấu một đến hai bữa mỗi tuần. Tôi đang có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, một công việc tốt tại Hy Lạp”, Soheila nói.

Đàn ông mất dần quyền lực?

Kể từ mùa hè năm 2015, hơn 1 triệu người tị nạn và người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi đã đổ bộ đến châu Âu để tìm kiếm sự an toàn và cuộc sống tốt hơn. Hơn một nửa số này, là phụ nữ và trẻ em - những người được coi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Ở trung tâm Thủ đô Athens và vùng ngoại ô, hiện có khoảng 21.000 người tị nạn sinh sống. Các tổ chức từ thiện như Melissa Network, The Unmentionables và Médecins Sans Frontières đã nỗ lực hết sức để hỗ trợ thể chất, tâm lý, các khóa học giáo dục, cơ hội việc làm cho phụ nữ tị nạn.

Ngoài việc tìm kiếm nơi trú ẩn cho phụ nữ và trẻ em gái tị nạn, Melissa Network còn trang bị cho họ nhiều kiến thức khác nhau để tìm kiếm việc làm. “Tại Melissa Network, phụ nữ được coi là tài sản chứ không phải gánh nặng. Tôi thực sự tin vào khả năng của phụ nữ. Melissa Network cũng có các chương trình chuyên biệt dành cho phụ nữ đã từng bị bạo lực và lạm dụng tình dục”, Nadina Christopoulo, người đồng sáng lập Melissa Network nói.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc cung cấp cho phụ nữ kiến thức về bạo lực giới cũng có thể gây nên xung đột và bạo lực trong gia đình của phụ nữ tị nạn. Giống như nhiều đàn ông tị nạn khác, chồng của Maryam không làm bất cứ việc gì kể từ khi đến Hy Lạp. Điều này đã khiến anh chán nản và thường xuyên tức giận.

“Khi đến đây, những người đàn ông không phải là trụ cột gia đình nữa. Phụ nữ tìm việc dễ dàng hơn. Điều này đôi khi thúc đẩy bạo lực trong gia đình khi mà người đàn ông cảm thấy mất quyền lực”, Demir, một nhà xã hội học tại Melissa Network nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại