Nói đến răng xấu và Hoa hậu thì phải nhắc tới Nguyễn Thu Thủy, Mai Phương Thúy và Đặng Thị Ngọc Hân. Nguyễn Thu Thủy đến giờ vẫn mang “nụ cười ánh vàng” với lí do muốn lưu giữ kỉ niệm một thời bao cấp nghèo khó bị tetracycline lộng hành.
Mai Phương Thúy thì chỉnh đốn lại hàm răng ngay khi đăng quang được vài tuần để kịp lên đường thi Hoa hậu Thế giới. Ngọc Hân thì đã bọc sứ cả hàm để tránh mang tiếng “khấp khểnh, nhọn hoắt, ố xỉn” năm xưa.
Họ giờ đều được BTC Hoa hậu Việt Nam chào đón. Nhưng cũng chính BTC ấy loại bỏ thẳng tay các cô gái mang chiếc răng đã tân trang lên sân khấu Hoa hậu Việt Nam 2016. Ai bảo “đẹp nhân tạo còn hơn xấu tự nhiên” nào!
Người Việt có câu: “Cái răng cái tóc là góc con người”.
Vì thế, trong quan niệm truyền thống Á Đông, răng và tóc được xem là những dấu hiệu quan trọng để đánh giá tướng mạo và tính cách một con người.
Ví như người có hàm răng quắp (răng sít lại gần nhau, quặp vào trong) là người keo kẹt; người có răng nanh quá dài và quá nhọn là người sắc sảo, hay khởi tâm nham hiểm; người có hàm răng tụt, hở lợi thì vất vả lận đận chuyện chồng con…
Người phụ nữ chỉ được xem là đẹp khi có hàm răng đẹp, “răng hạt na” ở thời nhuộm răng đen, hay răng hạt bắp ở thời răng trắng, nghĩa là đều tăm tắp. “Miệng cười má đỏ trái hồng. Răng đều hạt bắp là hàng phu nhân”. Răng miệng quyết định đẳng cấp của nhan sắc là thế.
Tiêu chuẩn hàm răng đẹp của phương Đông và phương Tây có sự giống nhau khi đề cao sự đồng đều và trắng sáng
Quan niệm về cái đẹp của người phương Tây tuy nhiều điểm khác biệt với phương Đông, nhưng riêng phần răng miệng rất tương đồng.
Hàm răng đều và trắng trở thành tiêu chí đầu tiên của ngoại hình với cả phụ nữ lẫn đàn ông châu Âu.
Trẻ em châu Âu khi đã thay răng vĩnh viễn sẽ được bố mẹ đưa đến bác sĩ nha khoa để chỉnh nha. Việc niềng răng hay bọc răng sứ ở châu Âu phổ biến như… tỉa lông mày của các cô gái Việt vậy.
Tại Việt Nam, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nha khoa hiện đại trong hơn 10 năm qua, chỉnh nha thẩm mĩ không còn xa lạ. Người Việt từ quan niệm cổ hủ, chỉ đến bác sĩ nha khoa khi có bệnh về răng, đã biết làm đẹp cho răng.
“Một góc” con người bấy lâu bị đối xử bất công nay đang dần tìm được lẽ công bằng với “một góc còn lại”.
Nguyễn Thi Thành là một trong những trường hợp đáng tiếc bị loại khỏi cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam 2016 vì lùm xùm quanh chuyện chỉnh sửa răng
Nhưng có một nơi không chấp nhận điều đó. Ấy là BTC Hoa hậu Việt Nam 2016.
Lâu nay, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam không chấp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng khái niệm phẫu thuật thẩm mỹ lại không được định nghĩa và lý giải tường tận.
Công nghệ làm đẹp ngày nay tân tiến và “vi diệu” tới mức, các phù thủy chỉnh hình có thể thay đổi diện mạo của một cô gái mà không cần phẫu thuật. Tức là không cần dao kéo, không cần gây mê, đôi khi không cần cả gây tê.
Ví như: kỹ thuật tiêm filner làm đầy góc trán, tạo vầng trán cao rộng sáng sủa; tiêm botox để làm căng da, tạo cằm V-line, biến má hóp thành má trái đào; bấm huyệt để thu nhỏ dung tích dạ dày, làm thon gọn vòng eo; chiếu ánh sáng laser tẩy nốt ruồi, vết tàn nhang trên mặt; chiếu ánh sáng công nghệ cao triệt lông tay lông chân vĩnh viễn…
Hay một kỹ thuật làm đẹp không thể không nhắc đến là phương pháp “lột da”, còn gọi là tắm trắng.
Phi Thanh Vân là một trong những biểu tượng phẫu thuật thẩm mỹ của làng giải trí với danh xưng "nữ hoàng dao kéo"
Cùng với khái niệm phẫu thuật thẩm mỹ chung chung, BTC Hoa hậu Việt Nam cũng đưa vào khái niệm “vẻ đẹp tự nhiên” mù mờ.
Thế nào được coi là vẻ đẹp tự nhiên? BTC cũng không lý giải cụm từ này. Một vẻ đẹp phải nhờ đến các tác động vật lý và hóa học có chủ đích thì có được xem là tự nhiên nữa hay không?
Ví như: uống collagen để biến da sần thành da mịn; dùng thuốc duỗi, thuốc hấp, thuốc nhuộm để biến tóc xoăn thành tóc thẳng, tóc rễ tre thành tóc tơ, tóc râu ngô thành tóc đen; tập gym để biến ngực lép thành ngực đầy, eo bánh mì thành eo con kiến, mông sệ thành mông cong…
Chung chung và mù mờ, nên số phận chiếc răng chưa bao giờ ba chìm bảy nổi như ở sân chơi nhan sắc mang tên Hoa hậu Việt Nam.
Các ông chủ của sân chơi không chấp nhận cho chiếc răng được phép thay đổi diện mạo với tư cách “làm đẹp”, nhưng lại được thay đổi diện mạo với tư cách “chữa bệnh”.
Chỉ cần bọc sứ hay làm trắng hay ép vào ngay hàng thẳng lối đã bị quy là “can thiệp thẩm mỹ”.
Nhưng “một góc còn lại” là mái tóc lại tha hồ thay đổi chất liệu, kiểu dáng, màu sắc, độ suôn rối, độ dày mỏng, độ mềm mượt thì vẫn được ngó lơ.
Trong khi đề cao vẻ đẹp tự nhiên của các thí sinh thì ban tổ chức Hoa Hậu Việt Nam lại vẫn chưa thể đưa ra một định nghĩa chính xác cho tiêu chuẩn này
Chung chung và mù mờ, cho nên dư luận đã dậy sóng khi BTC Hoa hậu Việt Nam 2016 loại thí sinh Phạm Thị Thành vì bọc sứ 8 chiếc răng và yêu cầu thí sinh Trần Thị Thùy Trang gỡ bỏ miếng dán composite, trả lại nguyên trạng răng xỉn “xấu tự nhiên” ban đầu nếu muốn tiếp tục cuộc chơi nhan sắc.
Dù rằng bọc sứ răng không phải phẫu thuật và dán miếng composite không phải đụng dao kéo.
Còn lẽ dĩ nhiên, hàm răng của Phạm Thị Thành và Trần Thị Thùy Trang không phải là “vẻ đẹp tự nhiên” nếu xét trên khía cạnh không có một tác động nhân tạo nào.
Cũng như vậy, không ai dám chắc mái tóc bồng bềnh của 30 thí sinh chung kết không hề sử dụng hóa chất như thuốc duỗi, thuốc nhuộm, thuốc làm xoăn.
Hay vòng 3 cao vút nở nang của Mỹ Linh và Thanh Tú không phải sản phẩm nhân tạo của các huấn luyện viên fitness.
Thành ra, tội cho tân Hoa hậu, dư luận giận cá chém thớt, đi soi từng chiếc răng của cô. Một đoạn chat trên FB được túm lấy làm bằng chứng tân Hoa hậu đã “trùng tu” răng.
Mà cụ thể là cô đã để cho các bác sĩ nha khoa tác động nhân tạo làm sai lệch đi nguyên trạng ban đầu là hàm răng hô của cô, khiến nó không còn “hô tự nhiên” nữa.
Trong khi những tranh cãi về việc chỉnh sửa răng vẫn còn vấp nhải nhiều ý kiến trái chiều thì tân Hoa hậu Việt Nam 2016 lại vướng vào nghi án "trùng tu" răng
Chuyện tân Hoa hậu có niềng răng hay không chưa có căn cứ xác đáng. Nhưng sự tọc mạch của dư luận đã sắp đến hồi thô lỗ.
Thô lỗ như cách BTC Hoa hậu bắt một cô gái đẹp gỡ miếng dán làm trắng răng ra khỏi hàm răng.
Dĩ nhiên, cuộc chơi nào cũng có luật chơi riêng. BTC Hoa hậu Việt Nam có quyền đưa ra bất cứ yêu cầu nào, ví như cấm thí sinh duỗi tóc hay cạo lông mày chẳng hạn, miễn là những người tham gia sân chơi chấp nhận luật chơi.
Nhưng luật chơi phải rõ ràng, chi tiết, cụ thể, chính xác. Không thể để một thứ luật chơi mà ai hiểu thế nào cũng được, ai suy diễn thế nào cũng xong và BTC muốn lập luận cách nào cũng đúng.
Để cuối cùng, bị hứng chịu luôn là những cô gái đẹp, mong manh non nớt vừa bước vào đời.
Chưa bao giờ, cái Đẹp vốn là một sự thừa nhận và tôn vinh từ số đông, lại trở thành một nỗ lực phải chứng minh trước hàng triệu nỗi hậm hực nghi ngờ.