Lòng biển ở Đại Tây Dương xuất hiện hiện tượng kỳ dị, cảnh báo thảm họa toàn cầu

Hoa Hướng Dương |

Phá vỡ sự cân bằng của thời tiết khắp thế giới và làm tăng mực nước biển là hai hệ quả đáng sợ của hiện tượng kỳ dị này.

Các nhà khoa học cảnh báo về nguy cơ xảy ra các hiện tượng thời tiết hỗn loạn sẽ xảy ra ở châu Âu, châu Mỹ và châu Phi vì sự yếu đi của dòng lưu thông tại Đại Tây Dương đang bước vào thời điểm yếu nhất trong vòng 1.600 năm qua.

Nếu hiện tượng này tiếp tục diễn ra, các nhà khoa học tin rằng nó sẽ (1) phá vỡ sự cân bằng của các hiện tượng thời tiết khắp thế giới và (2) là nguyên nhân làm tăng mực nước biển ở bờ biển phía đông nước Mỹ.

Sự yếu đi của băng tải đại dương toàn cầu sẽ gây ra các hiện tượng thời tiết khôn lường

Đồng tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Delia Oppo thuộc Viện Hải dương học Woods Hole (Mỹ) cho hay:

"Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh việc yếu đi của sự tuần hoàn ở Đại Tây Dương bắt đầu từ gần cuối thời kỳ Tiểu băng hà, một thời kỳ lạnh kéo dài hàng thiên niên kỷ kể từ năm 1850".

Xem video:

Dòng lưu thông đại dương. Nguồn: OneOceanOnline

Trước đó, các nhà nghiên cứu của Viện Institute về Nghiên cứu Tác động Khí hậu (Đức) đã nhận thấy hệ thống lưu thông của đại dương toàn cầu đã bắt đầu yếu đi từ giữa những năm 1800.

Lòng biển ở Đại Tây Dương xuất hiện hiện tượng kỳ dị, cảnh báo  thảm họa toàn cầu - Ảnh 2.

Băng tải đại dương. Ảnh: Intergovermental panel on climate change

Dòng lưu thông tại biển Đại Tây Dương thuộc hệ thống băng tải đại dương toàn cầu (The global ocean conveyor belt) có vai trò rất quan trọng tới các hiện tượng thời tiết diễn ra trên thế giới.

Băng tải đại dương toàn cầu là gì?

Băng tải đại dương toàn cầu là hệ thống lưu thông chảy liên tục ở đáy biển sâu và chịu tác động của nhiệt độ cũng như hàm lượng muối, độ mặn của dòng nước biển.

Nói cách khác chuyển động của nó là sự kết hợp của các dòng chảy muối kết hợp nhiệt độ gọi chung là thermohaline currents (thermo = nhiệt độ; haline = độ mặn), ngoài ra còn có sự tác động của dòng chảy gió ở trên bề mặt nước biển.

Nghĩa là, dòng biển lạnh và có độ mặn cao sẽ chìm xuống đáy biển trong khi dòng biển nóng và ít mặn hơn sẽ chảy gần bề mặt nước biển hơn.

Băng tải đại dương bắt đầu từ biển Na Uy, nơi dòng nước ấm từ vùng vịnh hâm nóng bầu khí quyển ở các vĩ độ cao phía Bắc. Lượng nhiệt mất đi này sẽ làm dòng nước lạnh hơn và có đậm đặc hơn, khiến nó chìm xuống phía dưới sâu.

Quá trình truyền nhiệt rồi chìm xuống liên tục sẽ tạo nên sự chuyển động của dòng nước tới Nam Cực tạo nên sự lưu thông liên tục như băng chuyền vậy!

Dòng nước mát chính là nguyên nhân chính khiến cho sự lưu thông bị gián đoạn và yếu đi, dòng nước này có tên gọi Atlantic Meridional Overturning Circulation (AMOC), có nguồn gốc từ sự tan băng ở Bắc Cực và chảy vào phía bắc Đại Tây Dương.

Ngoài ra, quá trình hâm nóng khí quyển của dòng nước ấm này còn là nguyên nhân gây ra sự ấm lên ở phía tây châu Âu, đóng vai trò rất quan trọng trong các hiện tượng thời thời tiết diễn ra ở khu vực này.

Sự tác động của AMOC sẽ gây ra hậu quả gì?

Dẫn đầu nhóm nghiên cứu, tiến sĩ David Thornalley, giảng viên tại Đại học College London (Anh) cho biết: "Hệ thống lưu thông AMOC đã bị yếu đi hơn 150 năm nay từ 15 đến 20%".

Đồng tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Jon Robson của Đại học Reading (Anh) cho biết thêm: "Sự tuần hoàn ở bắc Đại Tây Dương đã thay đổi nhều hơn những gì chúng ta nghĩ", điều này sẽ tác động tới các hiện tượng thời tiết diễn ra khó lường hơn, nhất là thời tiết châu Âu.

Lòng biển ở Đại Tây Dương xuất hiện hiện tượng kỳ dị, cảnh báo  thảm họa toàn cầu - Ảnh 4.

Sẽ có nhiều cơn bão hơn do sự yếu đi của AMOC. Ảnh: EPA

Dẫn đầu nhóm nghiên cứu của Đức là Levke Caesar Viện Institute về Nghiên cứu Tác động Khí hậu cho hay:

"AMOC yếu đi có thể là nguyên nhân chính của sự thay đổi sự lưu thống khí quyển mùa hè ở phía tây châu Âu trong tương lai cũng như khiến các cơn bão ở châu Âu tăng lên".

Thêm vào đó, AMOC yếu đi còn liên hệ với mực nước biển trung bình tăng lên ở bờ biển phía đông nước Mỹ, tăng hạn hán ở Sahel vì AMOC tác động tới vị trí Intertropical Convergence Zone (Vùng Hội tụ Chí tuyến).

Nguồn: NOAA, Dailymail, Scientificamerican

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại