Mới đây Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh trong báo cáo thường nhật về tình hình chiến sự đã lưu ý rằng kể từ tháng 6/2022, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (VKS) đã sử dụng tiêm kích Su-57 của họ trong cuộc chiến chống lại Ukraine.
Theo London, mặc dù người Nga gọi Su-57 là "máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5" nhưng các đặc điểm hiện tại cho thấy nó chỉ đáng xếp vào thế hệ 4++.
Tình báo Anh cho biết, ít nhất 5 chiếc Su-57 đang đóng tại sân bay của Trung tâm thử nghiệm số 929 của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga ở Akhtubinsk. Họ cho rằng việc sử dụng Su-57 chỉ giới hạn trong việc bắn tên lửa không đối không và không đối đất từ bầu trời Nga vào các mục tiêu trên lãnh thổ hoặc trong không phận Ukraine.
Trên thực tế, có bằng chứng cho thấy người Nga đã bắt đầu sử dụng Su-57 của họ từ trước tháng 6/2022. Ví dụ vào giữa tháng 4/2022, theo tờ Defense Express, ít nhất 2 trường hợp sử dụng Su-57 đã được biết đến, khi những chiếc máy bay này tấn công các mục tiêu ở Kirovohradsk và khu vực cảng Odesa bằng tên lửa Kh-59 cũ từ thời Liên Xô.
Tất nhiên khi đó máy bay chiến đấu Nga chưa tiến vào vùng phòng không của Ukraine, bất chấp nó được quảng cáo có tính năng "tàng hình". Việc VKS phải sử dụng những quả tên lửa Kh-59 cũ trên "tiêm kích thế hệ thứ 5" của họ đã nói lên nhiều điều.
Trước khi chiến sự nổ ra, Điện Kremlin liên tục nói về quá trình phát triển của "tên lửa tàng hình" mới nhất Kh-69, về cơ bản là một thương hiệu đổi tên từ Kh-59MK2, được thiết kế dành riêng cho Su-57.
Nhưng hiện tại, tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga gần như đã "lãng quên" Kh-69, vũ khí này về cơ bản "không tồn tại" và không có nhiều kết quả thử nghiệm thực tế. Bất chấp về mặt lý thuyết, Su-57 có thể mang tới 4 quả Kh-69 trong khoang vũ khí.
Có khá nhiều nghi ngờ về năng lực tác chiến thực tế của tiêm kích Su-57.
Ngoài ra các nhà phân tích của cổng thông tin The Drive cho rằng người Nga có thể đã sử dụng tên lửa không đối không R-37M, với tầm bắn được tuyên bố lên tới 400 km từ những chiếc Su-57, để cố gắng "săn lùng" mục tiêu trong không phận Ukraine. Trước đó vũ khí này được cho là chỉ tương thích với tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31BM.
Nhưng hình thức sử dụng Su-57 như vậy khó có thể mang lại hiệu quả, thực nghiệm cho thấy tầm bắn hiệu quả của R-37M nhỏ hơn đáng kể so với con số 400 km đã tuyên bố.
Không chỉ có vậy, các phi công Ukraine đã học cách tránh loại tên lửa nói trên khi nó có độ cơ động khá kém, đồng thời các phi công Nga luôn khai hỏa từ khoảng cách rất xa, trong khi radar trên máy bay chiến đấu của họ sở hữu năng lực chưa thực sự tốt.
Bên cạnh đó, có vẻ như bản thân VKS vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào tiêm kích Su-57 của mình, vì vậy họ không giữ những chiếc máy bay này trong các đội hình chiến đấu mà lại để ở Trung tâm thử nghiệm số 929.
Bất chấp việc Điện Kremlin tuyên bố rằng vào năm 2022, không quân nước này đã nhận được thêm 6 chiếc Su-57, đưa số lượng máy bay sản xuất hàng loạt lên tới con số 10, nhưng chúng vẫn nằm ở tuyến sau.
Nếu thực sự người Nga chưa tin tưởng vào Su-57, họ rõ ràng không mạo hiểm sử dụng nó khi ở gần vùng nhận dạng phòng không của Ukraine, để tránh làm hỏng danh tiếng "vũ khí thần kỳ" của mình.
Thực tế chiến trường đã cho thấy có trường hợp hệ thống phòng không Osa và tiêm kích MiG-29 của Ukraine bắn hạ Su-35S của Nga, mặc dù về nguyên tắc điều này là không thể, do vậy sự thận trọng mà Moskva đưa ra là dễ hiểu.