Thoát nước bất lực với trận mưa trên 50mm
Theo thống kê, từ đầu tháng 7 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 3 trận mưa với cường độ từ 10 đến trên 100 mm. Mặc dù hệ thống hạ tầng được đầu tư từ dự án thoát nước Hà Nội đã hoàn thành, tuy nhiên cả 3 trận mưa vừa qua tại khu vực nội đô đều xảy ra ngập nặng. Đơn cử, trận mưa chiều ngày 25/7 đã nhấn chìm hàng chục tuyến phố Hà Nội trong một thời gian dài. Vào đầu giờ làm việc buổi chiều nhưng nhiều tuyến đường giao thông “tê liệt” do đường ngập nước. Trên các tuyến phố Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo… tình trạng ngập đã khiến nhiều phương tiện xe máy bị chết máy, thậm chí nhiều ô tô đi đến các tuyến phố này phải quay đầu sang các tuyến phố khác.
Trên các tuyến phố như Cửa Nam, Nguyễn Thái Học, Điện Biên Phủ, Quán Thánh, Cao Bá Quát tình trạng ngập từ 0,2 đến 0,3 mét đã xảy ra. Đặc biệt tại các tuyến phố cổ như Hàng Bún, Nguyễn Trường Tộ, Đường Thành, Hàng Nón, Tôn Đản… nước mưa còn ngập cả bánh xe ô tô; vào thời điểm mưa do ngập sâu nhiều xe máy dựng trên vỉa hè các tuyến phố này đã bị sóng nước “xô” đổ.
Trước đó, vào chiều 15/7, Hà Nội cũng có mưa lớn và ngập trên nhiều tuyến phố, nhất là khu vực Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy. Thời điểm sau 18h, lượng nước ngập đo được trên nhiều tuyến phố như Trường Chinh, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Khuyến, Thái Hà, Cao Bá Quát, Đội Cấn, Tây Hồ dâng từ 0,3 m đến 0,5 m. Với các tuyến phố Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu, Hai Bà Trưng… nước ngập cả bánh ô tô, giao thông tại đây chỉ có thể lội bộ.
Lý giải về nguyên nhân trên, ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát Nước Hà Nội (Cty Thoát Nước) cho biết, do lượng mưa vượt quá khả năng thiết kế (50mm/2 giờ) của hệ thống tiêu thoát nước thành phố, cùng với đó là do tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến ngập. Theo ông Hùng, mùa mưa năm nay trên địa bàn thành phố vẫn còn 13 “điểm đen” ngập úng. Trong đó có một số điểm đã ngập trong các trận mưa vừa qua như: ngã tư Phan Bộ Châu - Lý Thường Kiệt, Cao Bá Quát (đoạn trước Cty Môi trường đô thị Hà Nội), phố Đội Cấn (chùa Bát Tháp), Thụy Khuê - dốc La Pho, Trường Chinh (bệnh viện Phòng không không quân)…
“Lối thoát” nào?
Đánh giá về hệ thống thoát nước hiện nay, lãnh đạo Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, hệ thống hạ tầng, đường ống và trạm bơm từ dự án thoát nước Hà Nội đã được xây dựng xong và có công suất 310mm/2 ngày (tương đương 50mm/2 giờ). Tuy nhiên, đại diện Công ty Thoát Nước Hà Nội cho biết, hầu hết các trận mưa gây ngập trên địa bàn thành phố thời gian qua đều có lưu lượng mưa vượt thiết kế của dự án (50mm), thậm chí trận mưa chiều 25/7 cao nhất là 112mm, trậm mưa tối 15/7 cao nhất là 60mm…
“Do hệ thống thoát nước không thể tiêu thoát kịp lượng nước mưa nên gây ngập trên các tuyến phố, từ đầu tháng 7 đến nay có 3 trận mưa lớn thì có 2 trận lưu lượng mưa vượt khả năng của hệ thống tiêu thoát nước”, đại diện Cty Thoát nước Hà Nội thống kê.
Ngập úng thường đi kèm với ùn tắc mỗi khi mưa giông tại Hà Nội. Ảnh: Anh Trọng
Cũng theo đại diện Cty Thoát nước Hà Nội, trạm bơm Yên Sở (bơm nước ra sông Hồng) có khả năng tiêu thoát một lượng lớn nước lũ từ các con sông và kênh, tuy nhiên do hạ tầng đường thoát nước (kênh, mương, đường ống) tiếp diện nhỏ hẹp, bị lấn chiếm, rác thải chặn… làm dẫn nước chậm. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tình trạng nước ngập trong nội thành mỗi khi mưa dâng nhanh, kéo dài.
Cùng với huy động lực lượng và phương tiện cơ giới thường xuyên túc trực, khai thông dòng chảy trước và trong khi có mưa, để giảm úng ngập trên đại bàn thành phố, đặc biệt là những khu vực hạ tầng thoát nước của dự án thoát nước giai đoạn 1, 2 chưa vươn đến được, lãnh đạo Cty Thoát nước Hà Nội đề nghị thành phố và các sở ngành, đơn vị được giao đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thoát nước theo quy hoạch. “Việc đưa các công trình này vào phục vụ đúng thời điểm vừa phát huy được hiệu quả đầu tư vừa giảm tải cho hệ thống hạ tầng đã được đầu tư từ dự án thoát nước giai đoạn 1 và giai đoạn 2”, đại diện Cty Thoát Nước Hà Nội đề nghị.