Ngày 19/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn chấp thuận cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam được gia hạn thời gian công bố báo cáo tài chính trong năm tài chính 2016.
Theo đó, mức độ lợi nhuận tại BIDV dự kiến sẽ phải chờ đợi đến phút cuối.
Còn ở thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại đang lần lượt công bố kết quả kinh doanh cơ bản nửa đầu năm nay. Bước đầu chưa có nhiều bất ngờ, nhưng sẽ có bất ngờ.
Vị trí chưa thay đổi
Những năm gần đây, vị trí dẫn đầu lợi nhuận, theo giá trị tuyệt đối, ở hai khối ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần duy trì với Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Quân đội (MB). VietinBank cũng dẫn đầu toàn hệ thống.
Nửa đầu năm nay, MB chưa có báo cáo chi tiết, nhưng với sự ổn định tại đây trong những năm qua, cũng như dự báo khó có bứt phá mạnh ở các thành viên khác cùng tương quan, vị trí dẫn đầu khối ngân hàng thương mại có thể vẫn gắn với chủ nhân này.
Còn khối ngân hàng thương mại nhà nước, sự bám sát đã thể hiện ở chênh lệch rất nhỏ giữa VietinBank với Vietcombank. VietinBank vẫn dẫn đầu sau nửa đầu năm với 4.273 tỷ đồng, trong khi Vietcombank áp sát với gần 4.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu tính theo các hệ số lợi nhuận trên tổng tài sản, trên quy mô vốn…, thì vị trí về hiệu quả kinh doanh hiện chưa được xác định rõ, theo mức độ công bố thông tin. Nhưng dẫn đầu hệ thống về lợi nhuận theo giá trị tuyệt đối nhưng chưa hẳn đã là hiệu quả nhất.
Không ở nhóm đầu, nhưng kết quả từ một số ngân hàng thương mại cổ phần gặp nhiều khó khăn những năm gần đây, theo số liệu báo cáo, đang dần có triển vọng phục hồi. Điển hình như Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng An Bình (ABBank)…
Trong khi đó, sự chờ đợi vẫn đang hướng về khả năng có chuyển biến hay không tại những trường hợp đang bị kiểm soát đặc biệt, như Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), các “ngân hàng 0 đồng”.
Hai yếu tố bất ngờ
Quen thuộc những năm gần đây, yếu tố liên quan rõ nhất đến lợi nhuận các nhà băng là chi phí trích lập dự phòng. Đây vẫn là áp lực lớn nửa đầu năm nay.
Điển hình như tại ABBank, lợi nhuận trước dự phòng nửa đầu năm đạt 419,7 tỷ đồng, nhưng họ phải tăng cường trích dự phòng rủi ro tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động, chi phí trích lập lến tới 316,2 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2015, và lợi nhuận còn lại 103,6 tỷ đồng.
Nhưng, chí phí dự phòng rủi ro không phải là yếu tố bất ngờ. Có hai yếu tố khác dự kiến sẽ đáng chú ý hơn, phải chờ đợi đến phút chót.
Trước hết, công chúng đang chú ý diễn biến xét xử vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, với những sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) trước đây.
Một điểm có trong vụ án là con số hơn 6.630 tỷ đồng mà ông Danh, cựu Chủ tịch VNCB, rút ra và gửi tại các ngân hàng nhằm bảo lãnh cho 29 lượt vay của các công ty nhà ông này lập ra.
Câu hỏi là: nếu việc rút hơn 6.630 tỷ trên khỏi VNCB là sai phạm, thì việc đem gửi và bảo lãnh nói trên phán quyết cuối cùng sẽ như thế nào. Có thể sẽ mất nhiều thời gian, nhưng sự kiện này là một điển hình tác động đối với lợi nhuận các ngân hàng liên quan.
Tương tự, dự kiến trong năm nay, một số đại án ngân hàng được đưa ra xét xử, các khối tài sản theo các vụ việc, với các phán quyết của tòa đều ảnh hưởng đến các kết quả lợi nhuận…
Thứ hai, cũng liên quan đến chi phí trích lập dự phòng, nhưng dự kiến sẽ có diễn biến mới và bất ngờ vào thời điểm cuối năm, khi đang có hiện tượng ngân hàng trích lập vượt quá yêu cầu tối thiểu mà Ngân hàng Nhà nước quy định.
Thông thường, chí phí trích lập dự phòng ăn vào lợi nhuận, làm đội thêm chi phí hoạt động nói chung; theo đó, các ngân hàng chủ yếu trích lập đủ mức tối thiểu theo quy định.
Nhưng có trường hợp trích lập cao hơn nhiều, ví dụ trích lập ngay tất cả hoặc phần lớn cho lượng trái phiếu đặc biệt VAMC sau khi bán lại nợ xấu, thay vì chỉ 20% mỗi năm, được giãn trong 5 hoặc 10 năm…
Đến phút chót, cùng với việc thu hồi nợ xấu, ngân hàng có thể hoàn nhập lại một phần trích lập đã thực hiện các kỳ trong năm, con số lợi nhuận theo đó sẽ thay đổi nhanh và bất ngờ.