Lôi kéo các nước trung lập, Mỹ vẫn chưa thể mở rộng liên minh chống Nga

Kiều Anh |

Chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng lôi kéo các quốc gia trung lập nhằm mở rộng liên minh đối phó với Nga nhưng dường như những nỗ lực này vẫn chưa thành công giữa bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đã bước sang tháng thứ tư.

Quân đội Ukraine phóng tên lửa đất đối đất ở khu vực Donbass ngày 7/6. Ảnh: AFP

Quân đội Ukraine phóng tên lửa đất đối đất ở khu vực Donbass ngày 7/6. Ảnh: AFP

Lôi kéo các nước trung lập

Thậm chí trước khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, một liên minh quốc tế nhằm tập hợp các quốc gia chống lại Nga đã được tập hợp nhanh chóng khiến Tổng thống Biden cho rằng "mục đích và sự đoàn kết trong vài tháng qua là điều chúng ta từng mất hàng năm để đạt được".

Tuy nhiên, hiện nay, giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đã bước sang tháng thứ tư, Mỹ đối mặt với một thực tế trái ngược, đó là liên minh các quốc gia từ Bắc Mỹ tới châu Âu và Đông Á vẫn không đủ mạnh mẽ và đoàn kết để phá vỡ thế bế tắc ở Ukraine.

Trước tình hình này, chính quyền Tổng thống Biden đã nỗ lực lôi kéo các nước mà Washington cho là trung lập trong cuộc xung đột gồm Ấn Độ, Brazil, Israel và các nước vùng Vịnh để tham gia vào chiến dịch trừng phạt kinh tế, hỗ trợ quân sự cho Ukraine và gây sức ép ngoại giao với Nga nhằm cô lập Moscow cũng như đưa cuộc chiến đến hồi kết. Cho tới nay, hầu như rất ít quốc gia trong những nước trên sẵn sàng tham gia vào kế hoạch này của Mỹ, bất chấp mối quan hệ của họ với Washington trên những vấn đề an ninh quan trọng khác.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đặt cược vào một ván bài chính trị và ngoại giao trong mùa hè này khi lên kế hoạch thăm Saudi Arabia. Ngày 9/6, nhà lãnh đạo Mỹ đã gặp Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro bên lề Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ ở Los Angeles. Tổng thống Brazil đã thăm Moscow ngay tuần trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và tuyên bố "đoàn kết" với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tại Los Angeles, ông Bolsonaro đã từ chối đề nghị của chính quyền Tổng thống Biden nhằm chống lại Nga. Nhà lãnh đạo Brazil tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ để chấm dứt chiến tranh nhưng "trước sự phụ thuộc của chúng tôi vào những đối tác nước ngoài nhất định, chúng tôi phải thận trọng".

Các quan chức Mỹ đã thừa nhận những khó khăn trong việc thuyết phục các quốc gia rằng họ có thể cân bằng các lợi ích của mình và việc tham gia cùng với Mỹ và châu Âu để cô lập Nga.

"Một trong những vấn đề lớn nhất chúng tôi phải đối mặt hiện nay là việc một số bên giữ lập trường trung lập", Samantha Power, người đứng đầu Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ nhận định.

Nga và các đối tác, trong đó đáng chú ý nhất là Trung Quốc đã chỉ trích những nỗ lực của Mỹ nhằm mở rộng liên minh khi ngoài các quốc gia châu Âu còn có Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Nỗ lực không thành công

“Trong thế giới hiện đại, không thể cô lập một quốc gia, đặc biệt là một nước lớn như Nga", người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng cho rằng, Mỹ "buộc các quốc gia phải chọn bên trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đồng thời đe dọa áp đặt những biện pháp trừng phạt đơn phương. Đó chẳng phải là ngoại giao cưỡng ép sao?"

Đồng rúp đã sụt giá ngay sau khi Tổng thống Putin tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2 nhưng sau đó đã tăng trở lại giữa bối cảnh đồng nội tệ của Nga vẫn là một đồng tiền mạnh nhờ xuất khẩu năng lượng và các mặt hàng khác sang nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Venezuela...

Đối với một số quốc gia, quyết định liệu có đứng về phía Mỹ hay không có thể dẫn đến những hệ quả mang tính sống còn. Washington đã cảnh báo các quốc gia châu Phi đang bị nạn đói hoành hành không được mua lúa mì Nga mà phương Tây cáo buộc là đánh cắp từ Ukraine giữa thời điểm giá lương thực tăng và hàng triệu người đang bị đói.

"Những quốc gia tầm trung có vị trí chiến lược quan trọng như Ấn Độ, Brazil và Nam Phi hiện đang phải đi trên dây giữa việc bảo vệ sự tự trị chiến lược của mình và việc không bị cho là đang phớt lờ Mỹ", Michael John Williams, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Syracuse, đồng thời là cựu cố vấn NATO cho hay.

"Washington tin họ sẽ chiến thắng trong cuộc chiến giành ảnh hưởng ở phương Tây trong khi điện Kremlin lại nghĩ sẽ chiến thắng ở Bán cầu Đông và Bán cầu Nam", ông Williams bình luận

Trong một cuộc bỏ phiếu hồi tháng 3 về nghị quyết của Liên Hợp Quốc, chỉ trích các hành động của Nga ở Ukraine, 35 quốc gia đã bỏ phiếu trắng, chủ yếu là những nước ở Trung Đông, châu Phi và Nam Á. Brazil đã bỏ phiếu chỉ trích Nga trong khi Tổng thống Bolsonaro hối thúc Moscow đàm phán để chấm dứt chiến tranh nhưng nước này vẫn tiếp tục nhập khẩu phân bón từ Nga và Belarus - một đồng minh của Nga.

Ấn Độ và Nam Phi đều bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc. Ấn Độ có mối quan hệ đối tác chiến lược kéo dài hàng thập kỷ với Nga và phụ thuộc vào Moscow về dầu mỏ , phân bón và thiết bị quân sự. Chính quyền Tổng thống Biden hầu như không có nhiều hy vọng về việc lôi kéo Ấn Độ tham gia vào liên minh.

Tuy nhiên, các quan chức Ấn Độ cho biết số lượng hàng hóa họ nhập khẩu từ Nga rất hạn chế. Trong chuyến thăm Washington hồi tháng 4, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã từ chối trả lời những câu hỏi liên quan đến chủ đề này và chỉ nói rằng: "Có lẽ tổng số hàng nhập khẩu trong 1 tháng của chúng tôi chưa bằng những gì châu Âu nhập trong một buổi chiều. Vì thế họ có lẽ mới là bên nên nghĩ về việc này".

Trong khi châu Âu hiện đang cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga qua lệnh cấm vận một phần dầu mỏ thì Ấn Độ được cho là đang thảo luận với Moscow để mua thêm dầu thô từ Nga.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã cáo buộc NATO khiêu khích Nga và kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán ngoại giao. Trong cuộc điện đàm hồi tháng 4, Tổng thống Biden hối thúc nhà lãnh đạo Nam Phi có phản ứng rõ ràng trước chiến dịch của Nga ở Ukraine. Một tháng sau, Tổng thống Nam Phi đã chỉ trích tác động của cuộc chiến đến những quốc gia bên ngoài cũng như tác động từ các biện pháp trừng phạt Nga.

Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, cùng với Nga và Trung Quốc là những quốc gia thuộc nhóm BRICS, chiếm 1/3 kinh tế toàn cầu. Trong cuộc họp trực tuyến của các ngoại trưởng nhóm này vào tháng trước, Moscow đã đề nghị lập các nhà máy lọc khí và lọc dầu với các quốc gia này. Nhóm BRICS cũng đang thảo luận về việc mở rộng thành viên.

Trong khi đó, Mỹ bày tỏ thất vọng với lập trường trung lập của 2 quốc gia vùng Vịnh là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), những quốc gia vốn mua vũ khí từ Washington cũng như vận động Mỹ tiến hành những chính sách chống Iran - kẻ thù chính của họ.

Israel, quốc gia mua vũ khí từ Mỹ và là đồng minh thân cận của Washington đã bày tỏ sự ủng hộ với Ukraine nhưng cùng lúc đó, nước này vẫn từ chối ủng hộ những biện pháp trừng phạt hoặc những chỉ trích trực tiếp nhắm vào Nga.

Valentina Sader, một chuyên gia về Brazil tại Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, chính quyền Tổng thống Biden dự kiến tiếp tục trao đổi với Tổng thống Bolsonaro về mối quan hệ giữa Brazil với Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, bà nhận định, khó có khả năng ông Bolsonaro sẽ xa lánh Nga.

"Brazil cũng phải tính tới những lợi ích của mình", chuyên gia này nhận định.

Các quan chức Mỹ cùng có cùng kết luận về Trung Quốc - quốc gia hiện đang là đối tác chiến lược mạnh mẽ nhất của Nga. Họ cho rằng Trung Quốc rõ ràng đã chọn đứng về phía Nga. Ngày 4/2, 3 tuần trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau ở Bắc Kinh trong khi 2 chính phủ tuyên bố "không có giới hạn" trong quan hệ 2 bên.

Vào cuối tháng 5, Trung Quốc và Nga đã tổ chức cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine diễn ra. Dù vậy, Trung Quốc vẫn từ chối cung cấp hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Nga. Tổng thống Biden đã cảnh báo Trung Quốc hồi tháng 3 rằng nếu Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho Nga, nước này sẽ đối mặt với những "hậu quả". Các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc lo ngại các công ty của họ sẽ bị trừng phạt nếu hỗ trợ vật chất cho Nga.

"Lệnh trừng phạt thứ cấp có thể được thực hiện và Trung Quốc không muốn điều này ảnh hưởng đến các công ty của họ", Alexander Gabuev, học giả cấp cao tại Quỹ vì Hòa bình Quốc tế Carnegie cho hay./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại