Mọi thứ diễn ra chóng vánh. Bạn mở chai đồ uống yêu thích và đưa lên miệng. Hương vị thơm ngon gần như choáng ngợp nhưng chỉ 1 phút sau, bạn hầu như không chú ý đến mùi vị khi uống nó nữa.
Hay như khi bạn mua một chiếc ô tô mới và nghĩ rằng niềm vui này sẽ khiến bạn mỉm cười mỗi khi cầm lái trong suốt nhiều năm. Thế nhưng chỉ 1 tháng sau, cảm giác đó không còn nữa. Giờ đây trước mắt bạn, nó chỉ đơn thuần là một chiếc xe, không còn là niềm vui.
Sự hài lòng này, được gọi là sự thích ứng theo chủ nghĩa khoái lạc, xảy ra đối với hầu hết mọi thứ khiến chúng ta hạnh phúc và vui vẻ. Hãy nhìn quanh và nghĩ xem ban đầu bạn thích thú với những thứ xung quanh mình đến mức nào, sau đó xem cảm giác của bạn khi tận hưởng chúng ngày hôm nay ra sao.
Có lẽ sẽ thật tuyệt vời nếu tìm lại được chút cảm giác thích thú ban đầu phải không?
Theo một chuỗi nghiên cứu của Giáo sư trợ lý Robert W. Smith (chuyên ngành Marketing) tại Đại học bang Ohio, và Giáo sư trợ lý Ed O'Brien (chuyên ngành khoa học hành vi) tại Đại học Chicago, việc thưởng thức những thứ xung quanh theo cách thức độc đáo có thể giúp chúng ta tăng cường sự thích thú đối với chúng.
Ăn bỏng ngô bằng... đũa
Ở một trong số các nghiên cứu trên, các tác giả yêu cầu 68 người tham gia ăn bỏng ngô. Một nửa trong số này được yêu cầu ăn theo cách thức thông thường (bằng tay), 1 hạt một lần. Những người còn lại ăn bằng... đũa.
Theo kết quả thu được, những người ăn bằng đũa thích ăn bỏng ngô hơn nhóm bốc tay, mặc dù cả 2 nhóm đều được yêu cầu ăn với tốc độ chậm như nhau.
Hiện tượng này cho thấy một quy luật tâm lý: Khi có một điều gì đó mới lạ, mọi người thường chú tâm đến nó nhiều hơn. Và khi họ chú tâm nhiều hơn, họ sẽ có xu hướng thích thú với điều đó hơn.
(Nguồn ảnh: Quartz)
Đây là lý do tại sao nhiều người tìm kiếm sự đa dạng trong những gì mà họ tiêu thụ. Chúng ta mua một thứ gì đó và sử dụng nó trong một thời gian dài. Sau khi nó trở nên quá quen thuộc, chúng ta sẽ mua những thứ khác vì nghĩ rằng nó sẽ khiến chúng ta vui vẻ.
Thật không may, việc thay thế này có thể rất tốn kém (ví dụ như nếu đó là nhà ở) và đôi khi là một lựa chọn rất khắc nghiệt, bởi chúng ta dễ bị giằng xé với cảm giác quen thuộc.
Nghiên cứu mới lạ ở trên đã đưa ra một lựa chọn khác: Thay vì thay thế thứ gì đó khiến bạn phát ngán, hãy thử dùng nó hoặc tương tác với nó theo những cách thức độc đáo và khác thường.
Uống nước theo những cách mới lạ
Trong một thí nghiệm khác, nhóm nghiên cứu đã khảo sát 300 người khi họ tiêu thụ nước.
Đầu tiên, nhóm nghiên cứu yêu cầu những người tham gia nghĩ về những cách khác thường có thể sử dụng để uống nước. Họ liệt kê ra rất nhiều cách, từ việc dùng ly rượu, ca du lịch để uống nước cho tới "liếm" như một chú mèo. Có người thậm chí còn đưa ra ý tưởng uống nước từ một chiếc bì thư giao hàng.
Sau đó, những người này được yêu cầu uống 5 ngụm nước và đánh giá mức độ thích thú sau mỗi ngụm. 1/3 số người tham gia uống nước theo cách bình thường, 1/3 khác uống nước bằng cách sử dụng một phương thức khác lạ mà họ nghĩ ra ở trên cho cả 5 ngụm. Những người còn lại uống nước theo 5 phương thức khác nhau cho mỗi ngụm.
Nguồn ảnh: BeBeautiful
Kết quả cho thấy những người uống nước theo cách thức khác nhau ở mỗi ngụm có xu hướng thích uống nước nhất - thậm chí cảm giác thích thú càng về cuối bài thí nghiệm càng tăng lên. Nói cách khác, sự thích thú của họ không hề suy giảm theo thời gian.
Điều này đã đưa ra một giải pháp hiếm hoi cho hiện tượng phổ biến mà chúng ta gặp phải: Sự hài lòng hoặc thích thú giảm dần khi cảm giác quen thuộc tăng lên.
"Miễn là bạn có thể tìm ra những cách mới và thú vị để tương tác với thứ gì đó, bạn có thể không bao giờ cảm thấy chán hoặc mệt mỏi với nó" - Nhóm nghiên cứu cho hay.
Ăn bánh pizza kiểu mới
Theo Giáo sư Robert W. Smith và Ed O'Brien, trên thực tế, nhiều cơ sở ăn uống đã tận dụng hướng suy nghĩ mới mẻ ở trên để cung cấp trải nghiệm thú vị hơn cho khách hàng.
Ví dụ chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của các nhà hàng mà trong đó thực khách có thể thưởng thức bữa tối khi nằm trên giường, khi bay lượn trên bầu trời...
Tuy nhiên, chuỗi nghiên cứu mới còn gợi ý tới việc các nhà hàng có thể đa dạng hóa cách thực khách tiêu thụ mỗi loại đồ ăn.
Nguồn: Healthdigest
Chẳng hạn như khi ăn bánh pizza tại nhà hàng, thực khách thường tiêu thụ chúng theo cùng một cách. Sau khi đã cảm thấy no, họ sẽ có xu hướng thưởng thức các lát bánh cuối cùng ít hơn. Đây là một vấn đề đối với các nhà hàng bởi trí nhớ của con người đối với các trải nghiệm được định hình rất nhiều bởi những gì diễn ra ở phần cuối.
Do đó, thay vì tắt hết đèn từ đầu đến cuối bữa ăn (theo xu hướng "Dining in the dark" - "Ăn trong bóng tối") để khiến cho trải nghiệm ăn uống trở nên thú vị hơn, nhóm nghiên cứu cho rằng, các tiệm bánh pizza có thể khuyến khích khách hàng của họ ăn từng lát bánh theo cách khác nhau, ví dụ như ăn theo cách thông thường, gấp đôi, lật ngược miếng bánh, ăn bằng nĩa và dao, ăn với đũa, hoặc ăn trong khi bịt mắt.
"Sự đa dạng là gia vị trong cuộc sống, không chỉ ở những gì chúng ta làm mà còn ở cách chúng ta thực hiện những điều đó. Nắm được điểm mấu chốt này có thể giúp cả doanh nghiệp và khách hàng tối đa hóa mức độ tận hưởng" - Nhóm nghiên cứu kết luận.