Lời giải thích cho hành động mà hàng triệu người Việt đã, đang làm vì U23 Việt Nam

Hoa Hướng Dương |

Từ sau chiến thắng thuyết phục của U23 Việt Nam trước U23 Qatar, cộng đồng Facebook Việt ngập tràn những chia sẻ thể hiện sự vui sướng, hạnh phúc, hâm mộ, chúc vô địch...

Nghĩa là, mọi cung bậc cảm xúc - và đa phần là cảm xúc tích cực - đều đã được thể hiện trên mạng xã hội sau chiến tích lịch sử của U23 Việt Nam. Ngay bản thân bạn - người đang đọc bài viết này - hẳn cũng đã từng post ít nhất một câu gì đó, hoặc chí ít là like, một status liên quan đến Bùi Tiến Dũng, Quang Hải, Xuân Trường, hay HLV Park Hang Seo...

Vậy nhưng, bạn có biết tại sao chính mình hay mọi người lại thích làm điều đó không? 

Thực ra là có một cơ chế tâm lý đã chi phối hành động của tất cả chúng ta! Hãy cùng tìm hiểu. 

"Bạn đang nghĩ gì?"

Ai cũng vào Facebook, thậm chí hàng chục lần mỗi ngày, nhưng chắc chắn hỏi về dòng chữ đầu tiên nhìn thấy trước khi bạn định post một nội dung gì đó - thì chưa chắc chúng ta đã nhớ! 

Hãy mở lại Facebook nhé... Đó chính là dòng chữ: "What's on your mind?" - "Bạn đang nghĩ gì?".

Bạn có biết rằng, đây cũng là câu hỏi được vô số các nhà tâm thần học, các nhà tâm lý học và tư vấn dùng để hỏi các bệnh nhân của mình trong các buổi trị liệu không? 

Và câu trả lời bệnh nhân dành cho các chuyên gia tâm lý (cũng tương tự điều bạn đăng lên Facebook và tần suất của chúng) sẽ tiết lộ chuyện gì đang diễn ra trong cuộc sống của chính bạn. 

"You are what you share" (Bạn chính là những gì bạn chia sẻ) - Charles Leadbeater.

Lời giải thích cho hành động mà hàng triệu người Việt đã, đang làm vì U23 Việt Nam - Ảnh 1.

Không khí tưng bừng sau chiến thắng của U23 Việt Nam. Ảnh Soha

Trở lại chuyện U23 Việt Nam, trong không khí chiến thắng tràn ngập khắp mọi ngõ ngách của nước Việt... thì dù không phải là một fan bóng đá cuồng nhiệt, bạn có thể biết được điều gì đang diễn ra xung quanh mình.

Nhưng điều đó là chưa đủ để khiến bạn (giả sử là một người không xem trận đấu của U23 Việt Nam và không tự khởi phát cảm xúc vui sướng tột độ như những người có xem) cầm điện thoại lên và đăng một dòng trạng thái (status), thậm chí là chụp ảnh, tường thuật trực tiếp (livestream) cảnh người xung quanh ăn mừng chiến thắng. 

Cần có một yếu tố nữa sâu bên trong bạn chi phối việc bạn "lấy điện thoại ra và chia sẻ". Đó chính là tâm lý tuân theo quy luật "hiệu ứng đám đông" và "lây lan cảm xúc".

Hiệu ứng đám đông và sự lây lan cảm xúc

"Con người - theo lẽ tự nhiên - là một loài động vật có đặc tính xã hội" - Aristotle.

Theo đó, hành động và suy nghĩ của một cá thể sẽ chịu sự chi phối rất lớn từ số đông cho dù vấn đề ấy đôi khi đi ngược lại những giá trị cố hữu của bản thân cá nhân đó. (Bạn có thể đọc thêm chi tiết về vấn đề này tại đây).

Khi hành động theo số động, cá thể sẽ cảm thấy an toàn hơn, không bị cô lập, đây là hiện tượng nảy sinh trong quá trình tiến hóa của loài người và xã hội. Vì nếu đi ngược lại số đông, cá thể đó sẽ chịu sức ép lớn, có thể bị đào thải khỏi cộng đồng đó.

Đó là lý do mà rất nhiều người có thể không xem trận đấu, trải qua những giây phút hồi hộp đến thót tim nhưng vẫn "hòa chung không khí" của số đông. Đó như là cách để chứng minh rằng mình có quan tâm, theo dõi như mọi người!

Hệ quả tiếp theo của hiện tượng này là từng người sẽ có xu hướng đăng những dòng cảm xúc, trạng thái hay chia sẻ ảnh, livestrem... làm sao để có thể gây sự chú ý với mọi người hướng vào mình. Hành động này sẽ giúp mỗi cá thể không cảm thấy bị "lạc lõng" giữa đám đông, và cảm thấy an toàn hơn.

Lời giải thích cho hành động mà hàng triệu người Việt đã, đang làm vì U23 Việt Nam - Ảnh 2.

Hiệu ứng tâm lý đám đông khi đứng trong một tập thể. Ảnh Plo.vn

Một yếu tố tâm lý khác ở đây là sự lây lan cảm xúc, nhất là cảm giác hạnh phúc. Một nghiên cứu công bố năm 2013 trên Tạp chí Public Library of Science, PLoS ONE, chỉ ra rằng chỉ cần quan sát người khác vui vẻ cũng khiến bạn cảm nhận được hạnh phúc.

Đó là lý do khi nhìn thấy những dòng người cờ đỏ sao vàng hò reo ngập tràn các con đường thôi cũng đủ để bạn có cảm giác muốn hòa chung bầu không khí ấy để "vui lây"!

"Cảm xúc của chúng ta có thể nhanh chóng được truyền cho người khác một cách tinh tế, ngay cả khi không có chủ ý", tiến sĩ Guillaume Dezecache, ĐH St Andrews ở Fife, Scotland nhận định.

Và đương nhiên, với sự tiện lợi vô cùng, với cộng đồng cả tỉ người, Facebook chính là môi trường nhiều người tìm đến nhất để "theo số đông" và "lan cảm xúc".

Nghiên cứu cũng cho thấy, Facebook có thể mang lại hiện tượng như giãn nở đồng tử, một dấu hiệu của hạnh phúc ở con người. 

Khi post điều gì đó liên quan tới sự kiện vừa diễn ra, mọi người hy vọng sẽ tìm được sự đồng cảm, chia sẻ, bình luận, nêu ý kiến, cùng nhau thảo luận, bàn tán về vấn đề mà mình (và mọi người) cảm thấy quan tâm, tâm đắc nhất lúc này. Ngoài ra, những vấn đề "độc nhất vô nhị" cũng khiến mọi người muốn chia sẻ hơn là những vấn đề bình thường.  

Đây là lời giải thích cho điều mà hàng triệu người Việt đang làm từ tối hôm qua đến nay! - Ảnh 4.

Những giọt nước mắt vỡ òa trong hạnh phúc. Ảnh Hay TV

Câu hỏi cuối: Tại sao chúng ta lại thích chia sẻ trên Facebook?

Khi xã hội loài người còn sơ khai, tổ tiên chúng ta học cách chia sẻ thức ăn, chỗ ngủ thì giờ đây văn hóa chia sẻ không chỉ tồn tại ở dạng vật chất mà liên quan nhiều hơn đến tinh thần.

Về cơ bản, chia sẻ giúp xã hội loài người sinh tồn và phát triển. Theo nghiên cứu của GS chuyên về Marketing Jonah Berger, sự chia sẻ thông tin trên Facebook xuất phát từ các lý do cơ bản như:

- Mong muốn tạo được ấn tượng với người khác (quảng bá hình ảnh cá nhân nhằm tạo ấn tượng mạnh với người khác, giúp tạo sự thu hút nhanh hơn). 

- Chia sẻ để tìm lại cảm xúc tốt hơn, khi chia sẻ, bạn sẽ lại sống lại những giây phút hạnh phúc ngất ngây, hồi tưởng, tìm lại trải nghiệm khi theo dõi trận đấu và sống trong không khí cuồng nhiệt lúc đó.

- Chia sẻ là cách chúng ta dạy những gì chúng ta biết, thu nhận phản hồi củng cố kiến thức ta có và đồng thời giúp đỡ người khác. Nhờ chia sẻ thông tin, tri thức nhân loại loài mới có thể phát triển được.

- Chia sẻ để tăng tính kết nối xã hội. Khi chia sẻ, bàn luận hay post các thông tin liên quan tới chiến thắng của U23, chúng ta sẽ cảm thấy mình được kết nối với cộng đồng khi nhận được nhiều phản hồi.

- Chia sẻ để tăng nhận thức, sự chia sẻ tạo nên tiếng nói chung, giúp mọi người tăng nhận thức, thuyết phục mọi người cùng hành động.

Penalty U23 Việt Nam Vs U23 Qatar. Video: VTV6/Youtube

* Tham khảo các nguồn: Linkedin, Quicksprout, Suckhoetamthan

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại