Lời đáy lòng của ông thầy cũ
Vài ngày trước, HLV Miura đã đưa ra phân tích về tương lại của Công Phượng và Tuấn Anh tại Nhật Bản. Theo vị chiến lược gia 54 tuổi, 2 cầu thủ của HAGL rất khó thành công tại J-League 2. Bởi họ đã vượt qua độ tuổi 17, 18 vốn là thời điểm nhiều tài năng trẻ của Nhật Bản bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp.
Hơn nữa, Tuấn Anh và Công Phượng thua kém khá nhiều về thể lực cũng như nhãn quan chiến thuật so với mặt bằng chung. Khoảng cách này rất khó thu hẹp, bất chấp việc bộ đôi "du học sinh" sở hữu kỹ thuật tốt.
Với kinh nghiệm cầm quân tới vài trăm trận tại J-League 2, chia sẻ của HLV Miura có độ tin cậy rất cao.
Hai trận đấu cuối tuần qua của Mito Hollyhock và Yokohama FC cuối tuần qua như củng cố thêm quan điểm từ vị chiến lược gia người Nhật.
72 phút trên sân, Công Phượng gần như không tạo được tình huống nào đáng chú ý. Các cầu thủ sinh viên thuộc Đại học quốc tế Tokyo chơi kín kẽ, chắc chắn. Mỗi lần Phượng nỗ lực đi bóng đều bị ngăn cản rất nhanh chóng. Ít phút sau khi anh rời sân, Mito Hollyhock ghi được bàn thắng duy nhất của trận đấu.
Công Phượng khổ sở trước đội bóng sinh viên Nhật Bản
Tình cảnh của Tuấn Anh cũng không khác nhiều. Tiền vệ người Thái Bình chủ yếu tham gia vào các pha phối hợp ở khu vực giữa sân. Anh không tạo ra được đột biến và đôi khi còn tỏ ra lép vế trong tranh chấp với các đối thủ còn đang trên giảng đường đại học.
Một suất dự bị chiến lược tại J-League 2 vẫn là rất khó với Công Phượng và Tuấn Anh chứ chưa nói đến chuyện đá chính.
Điều HLV Miura đã quên
Cầu thủ Nhật Bản trưởng thành từ rất sớm, đó là sự thật. Rất nhiều những cái tên mới 18 tuổi đã đóng vai trò trụ cột ở J-League và được các đội bóng châu Âu mời gọi.
Dù vậy, có vẻ như HLV Miura đã "quên" rằng cách dùng người ở mỗi đội bóng lại khác nhau. Yokohama FC của Tuấn Anh là ví dụ cụ thể. Tại đây, HLV thường tin dùng các cầu thủ có kinh nghiệm nhiều hơn.
Độ tuổi trung bình tại CLB luôn cao hơn mức bình quân của J-League 2. Tại mùa giải này, tuổi trung bình cầu thủ thuộc biên chế Yokohama FC đã lên tới 28,7.
Đội bóng của Tuấn Anh không sử dụng nhiều cầu thủ trẻ.
Trong số những người từ 21 tuổi trở xuống, chỉ có thủ môn Shibuya được thi đấu thường xuyên ở giai đoạn từ tháng 3 tới tháng 6. Những vòng đấu gần đây anh đã phải về với ghế dự bị quen thuộc.
Tại trận thắng 5-0 trước Đại học Yamagata hôm qua, ngoài Tuấn Anh còn có ít nhất 4 cái tên khác cũng mới lần đầu được sử dụng ở mùa giải này. Phân tích như vậy để thấy tiền vệ người Thái Bình không hẳn quá bi đát so với các cầu thủ đồng trang lứa.
Bên cạnh đó, chuyện "sớm nở tối tàn" và "nở muộn" luôn tồn tại song hành trong bóng đá. Takuya Nagata, đồng đội của Tuấn Anh, là ví dụ cụ thể. Anh ra mắt Urawa Red Diamonds khi mới 19 tuổi, thi đấu khá tốt tại Thespa Kusatsu nhưng ngày càng xuống phong độ. Mùa giải này, Takuya Nagata mới đá hơn 200 phút cho Yokohama FC.
Sho Sato, cầu thủ đang khoác áo Mito Hollyhock lại ngược hẳn. Anh chàng đồng đội của Công Phượng ra mắt J-League 2 từ năm 18 tuổi rồi "mất hút". Phải tới tận mùa này, khi đã 23 tuổi, Sho Sato mới có chỗ đứng tại Mito Hollyhock.
Công Phượng và Tuấn Anh có chứng minh được HLV Miura đã sai?
Ở thời điểm hiện tại, Công Phượng, Tuấn Anh chưa đủ trình độ để thi đấu tại J-League 2. Nhưng thời gian trôi qua, mọi chuyện đều có thể thay đổi. Hi vọng rằng bộ đôi "du học sinh" của HAGL sẽ chứng minh được HLV Miura đã nhầm.