Chú rể gửi ảnh thiệp mời qua Facebook, không nói thêm lời nào
Sau khi học xong cấp 3, Gia Kiệt (28 tuổi) ra nước ngoài học tập và làm việc. Thỉnh thoảng có thời gian, Kiệt cũng về nước thăm gia đình, bạn bè thân thiết nhưng hiếm khi tham gia các cuộc họp lớp với bạn học cũ. Dẫu vậy bạn cũ vẫn nhiệt tình gửi thiệp cưới online đến anh chàng.
Thời gian đầu, vì ngại nên Gia Kiệt nhờ mọi người gửi hộ hoặc chuyển khoản cho cô dâu chú rể. Lâu dần Kiệt thấy khó chịu vì tự dưng mất một khoản chi tiêu (dù nhỏ) cho việc không nằm trong tính toán. Ngược lại anh chàng cũng không có ý định mời cưới những người bạn này nên đã quyết định bơ luôn tin nhắn.
Tương tự như Gia Kiệt, Minh Anh (27 tuổi) cũng có nhiều lần được bạn cũ mời cưới. Hầu hết trong số đó, cô đều gửi tiền mừng vì dù gì cũng từng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày tháng đi học.
Bỗng một ngày nọ, Minh Anh nhận được tin nhắn mời cưới từ một người bạn cấp 3. Kể từ ngày ra trường - tức là 9 năm trôi qua, số lần nói chuyện của cô và người này chỉ đếm không hết một bàn tay. Điều đáng nói là người bạn chỉ gửi vỏn vẹn bức ảnh tấm thiệp, không đầu không cuối, không nói thêm một câu nào khác. Quá sốc vì màn mời cưới "kiệm lời" này, Minh Anh quyết định "đã xem" và không gửi tiền mừng nữa.
(Ảnh minh họa)
Lộ tẩy chuyện vờ nhập viện để không đến đám cưới
Người ta có một câu thế này: “Trong nhóm bạn (hoặc 2 đứa bạn) chơi với nhau, ai cưới sau thì người đó thiệt”. Nghe thì có vẻ đùa nhưng thật ra đây là kinh nghiệm được rút ra từ những câu chuyện hoàn toàn có thật trong thực tế.
Không bàn thiệt - hơn về tiền mừng cưới, nhiều người chỉ cảm thấy chạnh lòng khi mình không ngại vất vả đi đám cưới bạn, đến khi mình cưới thì bạn làm ngơ. Người từng trải qua tình huống này là Mai Linh (Hà Nội).
Chuyện là trước đây, khi một người bạn khá thân thiết làm đám cưới, Linh không chỉ xuất hiện với tư cách bạn bè mà còn đi bê tráp, làm phụ dâu,... Ấy thế mà khi cô về nhà chồng, người bạn đó lại chẳng mấy mặn mà. Người này viện đủ mọi lý do rồi đến ngày cưới thì gửi 1 chiếc ảnh đang truyền nước và bảo ốm nên không đi được.
Sự thật lại không phải như vậy. Người bạn đó không ốm, vẫn đăng story lên Facebook bình thường nhưng lại chặn Mai Linh để cô không xem được. Thậm chí đến một câu chúc mừng cũng không có nên Linh đã quyết định kết thúc tình bạn từ đây.
(Ảnh: Pinterest)
Bị cô gái từng đi bê tráp đòi chuyển khoản tiền mừng cưới
Trớ trêu nhất nhì phải kể đến tình huống của Hoàng Vân. Vào một ngày đẹp trời, cô nhận được tin nhắn đòi chuyển khoản của người bạn "hơi" quen trên Facebook. Người này gửi số tài khoản và nhờ chuyển tiền mừng cưới, với lý do trước đây đã tham dự đám cưới của Vân, bây giờ cô không đi ăn cưới lại thì phải chuyển khoản.
Lúc này, Hoàng Vân không khỏi hoang mang vì người đòi tiền này chỉ là thành viên đội bưng tráp cưới của cô trước đây, không hẳn thân quen gì. Hồi đó theo thói quen xã giao, Vân cũng mời người này đến nhà hàng ăn tiệc và sau 4 năm không liên lạc, cô gái bê tráp khi ấy lại bắt chuyển tiền. Thậm chí người này còn đăng lên trang cá nhân đề nghị những người mà mình đã từng đi đám cưới nhớ chuyển tiền mừng lại.
Khi biết mình là người được nhắc đến như vậy, Vân chỉ biết thở dài ngao ngán. Cô nhấn mạnh rằng ngoài lần bê tráp ra, cả 2 không có mối quan hệ nào khác, không chơi cùng hay quen biết gì. Về việc mừng cưới 200 nghìn, Vân không hề thúc ép hay mời cưới mà do cô gái chủ động. Khá ấm ức nhưng cuối cùng Vân vẫn chuyển khoản 200 nghìn cho cô gái bê tráp nọ.
Tạm kết
Đám cưới là ngày trọng đại của đời người nên luôn có rất nhiều vấn đề phải lo lắng và mỗi người lại có cách giải quyết khác nhau. Tuy nhiên suy cho cùng đây vẫn là ngày vui của cô dâu chú rể cũng như người được dự đám cưới. Vì vậy đừng để những chuyện không đâu trong ngày này gây khó xử, thậm chí làm sứt mẻ mối quan hệ của 2 bên nhé!