Loạn thị trường thiết bị gian lận cờ bạc dịp cận Tết

Minh Toàn |

Thời điểm cận Tết, thị trường thiết bị gian lận cờ bạc được nhiều tài khoản trên mạng xã hội ngang nhiên rao bán.

Rao bán tràn lan

Trong dịp cận Tết, việc đánh bạc dù là một hoạt động bất hợp pháp nhưng lại là trò giải trí trong một số cộng đồng. Nhiều người cảm thấy hứng thú với cơ hội kiếm tiền nhanh từ đánh bạc, dù có rủi ro và hậu quả tiêu cực.

Trong nhiều năm trở lại đây, các thiết bị gian lận cờ bạc giúp người chơi "lừa" được nhiều tài sản hơn đã xuất hiện và được công khai rao bán từ trong năm, nhưng đến cuối năm, thị trường này lại càng trở nên nhộn nhịp. Trên các trang mạng xã hội, nhiều tài khoản công khai rao bán những loại thiết bị này. Ngoài ra, có nhiều tài khoản rao bán kèm video hướng dẫn sử dụng thiết bị gian lận để "bịp" người chơi.

Không khó để có thể tìm thấy các thiết bị gian lận trên các trang mạng xã hội, các sàn thương mại nổi tiếng qua các từ khoá như "cờ bạc bịp", "kính áp tròng nhìn xuyên thấu", "đồ chơi xóc đĩa"…kết quả trả về hàng chục hội nhóm, hàng trăm bài đăng quảng cáo các loại thiết bị gian lận.

Loạn thị trường thiết bị gian lận cờ bạc dịp cận Tết- Ảnh 1.

Ảnh chụp màn hình

Với chiêu trò tinh vi, hầu hết những số điện thoại được các chủ tài khoản này công khai trên các bài viết giới thiệu sản phẩm đều là những số điện thoại ảo. Chỉ có thể liên hệ được với các chủ tài khoản qua zalo bằng số điện thoại được ghim ở phần bình luận. Nếu muốn mua sản phẩm, các đối tượng sẽ yêu cầu liên lạc qua một tài khoản zalo khác. Tại đây, cần cung cấp số điện thoại cá nhân, cũng như tên tuổi…để có thể tiếp tục giao dịch. Các giao dịch thường được trao đổi trực tiếp qua điện thoại mà không trao đổi qua tin nhắn như các sản phẩm thông thường.

Các thiết bị được rao bán, đa dạng về mẫu mã, giá cả. Trong đó, kính áp tròng nhìn xuyên bài là sản phẩm phổ biến nhất. Theo một chủ tài khoản, sản phẩm này là sản phẩm bán kết hợp. Bao gồm một bộ bài và kính áp tròng. Bộ bài có giá 70.000 đồng, kính có giá 600.000 đồng. 

Chủ tài khoản này cho biết: "Bài hàng đẹp giống tạp hoá, đeo kính vô kèm bài của nó nhìn mới thấy. Bài mua ngoài chợ là không thấy…".

Không chỉ kính áp tròng nhìn xuyên thấu mà những "đồ chơi" khác cũng được rao bán công khai. "Bệ điều khiển chẵn lẻ", "máy cảm biến chơi xóc đĩa, bầu cua", "bát tàng hình"… cũng thú hút được hàng chục đến hàng trăm người tương tác. Chúng có giá cao hơn từ 3 – 6 triệu đồng và được gọi với những cái tên mỹ miều hơn như: "sản phẩm mùa xuân", "đồ chơi mùa xuân"…với những cam kết như "chắc chắn không lộ", "gỡ lại mùa Tết"….

Ngoài ra, các sản phẩm như "quần sóoc đổi bài", "ví đổi bài"…cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Không chỉ đăng bán các sản phẩm như bình thường mà mỗi chủ tài khoản đều đăng kèm các video hướng dẫn sử dụng chi tiết cho người mua.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Hiện nay, đối với hành vi sản xuất, quảng cáo, tàng trữ, mua bán thiết bị gian lận cờ bạc pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể mang tính răn đe điều chỉnh trực tiếp. Theo đó, Nghị định 59/2006/NĐ-CP ban hành danh mục kèm theo về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh để làm cơ sở để xử lý vi phạm nhưng danh mục này không nêu cụ thể những thiết bị dùng để gian lận cờ bạc là hàng hóa cấm kinh doanh.

Tuy nhiên, theo luật sư Dương Lê Ước An (công ty Luật Hợp danh Đại An Phát) cho biết: "Các đối tượng vẫn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu hay có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu. Nếu các thiết bị này không có hóa đơn chứng từ, tem nhãn mác, nhập khẩu không thông qua thủ tục theo quy định pháp luật. Hoặc trong trường hợp giám định cho thấy có chất phóng xạ trong các thiết bị này thì các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, tàng trữ, sử dụng, phát tán, mua bán trái phép chất phóng xạ".

Ngoài ra, nếu người bán những thiết bị này biết nó không có giá trị nhưng vẫn đưa ra các thông tin gian dối để người mua tin sau đó mua thiết bị thì hành vi của người bán có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thậm chí, nếu người mua sử dụng thiết bị trong một vụ đánh bạc, bị phát hiện và khởi tố hình sự thì người sản xuất, buôn bán thiết bị gian lận cờ bạc tùy vào tính chất, mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm của tội đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc cùng với đó là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, đánh bạc trái phép có thể phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Thậm chí, có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm tuỳ theo từng loại hành vi và mức độ nguy hiểm cho xã hội.

Loạn thị trường thiết bị gian lận cờ bạc dịp cận Tết- Ảnh 2.

Luật sự Dương Lê Ước An (công ty Luật Hợp danh Đại An Phát)

Hành vi buôn bán những thiết bị gian lận để phục vụ cho hoạt động đánh bạc "nở rộ" trong những năm gần đây, được quảng cáo công khai trên các hội nhóm mạng xã hội. Mặc dù nhiều đối tượng đã bị xử lý, nhưng những hoạt động này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà thậm chí còn gia tăng, đặc biệt khi dịp Tết nguyên đán đang đến gần.

Theo ghi nhận, không ít các vụ đánh bạc được cơ quan chức năng xử lý có phát hiện các thiết bị này được các đối tượng sử dụng để lừa tiền của những người tham gia đánh bạc. Nhiều trường hợp, những người đánh bạc phát hiện gian lận đã xảy ra ẩu đả, xô xát…

Ngoài ra, theo thông tin của Cục An toàn bức xạ và Hạt Nhân thì trong những thiết bị này (khi bị thu giữ) còn phát hiện các chất dùng để phản quang có chứa chất phóng xạ vượt từ 20 đến 30 lần cho phép, gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng những người tiếp xúc, sử dụng những thiết bị này và thậm chí còn gây nguy hại tới môi trường.

Say rượu, bỏ xe để trốn lỗi vi phạm nồng độ cồn có thể bị xử lý thế nào? Say rượu, bỏ xe để trốn lỗi vi phạm nồng độ cồn có thể bị xử lý thế nào?

Để trốn việc thực hiện đo nồng độ cồn, các tài xế đã tăng ga bỏ chạy gây nguy hiểm cho lực lượng chức năng và người đi đường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại