Hãng dược phẩm Mỹ Pfizer ngày 18/11 cho biết kết quả phân tích dữ liệu thử nghiệm lâm sáng cho thấy vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng đạt hiệu quả 95% và chuẩn bị xin cấp phép để đưa vào tiêm chủng tại Mỹ. Trước đó, vắc-xin Sputnik V cũng công bố cho kết quả hơn 90%. Những tín hiệu tích cực về vắc-xin Covid-19 đang khiến cả thế giới đang tràn ngập hy vọng.
Theo CNBC, câu hỏi đặt ra giờ đây là giá cả của các loại vắc-xin này ra sao và việc phân phối sẽ diễn ra như thế nào, và liệu các quốc gia có được tiếp cận vắc-xin một cách công bằng hay không. Dựa trên những thông tin được công bố đến thời điểm hiện tại, giá cả các ứng viên vắc-xin tiềm năng chênh nhau hàng chục lần.
Cùng tìm hiểu về giá cả và các vấn đề xung quanh một số ứng viên vắc-xin Covid-19 hàng đầu trên thế giới hiện nay.
MODERNA: 32-37 USD/LIỀU
Hãng công nghệ sinh học Mỹ Moderna ngày 16/11 tuyên bố dữ liệu thử nghiệm lâm sàng sơ bộ của vắc-xin Covid-19 do hãng này phát triển cho thấy hiệu quả ngừa Covid-19 lên tới hơn 94%. Vắc-xin này được tiêm hai liều cách nhau 4 tuần.
Tin tức này được đưa ra một tuần sau khi Pfizer và BioNTech công bố kết quả tương tự với vắc-xin do hai hãng này đồng phát triển. Cả hai vắc-xin đều sử dụng RNA thông tin (còn gọi là mRNA) để kích hoạt phản ứng miễn dịch với virus corona.
Nhà nghiên cứu tại một phòng thí nghiệm của Moderna Inc - Ảnh: Reuters
Hồi tháng 8, Moderna cho biết vắc-xin của hãng có giá từ 32-37 USD/liều. Thời điểm đó, công ty này đang thảo luận để cung cấp vắc-xin cho một số quốc gia với mức giá thấp hơn.
Tuy nhiên, mức giá này cao hơn đáng kể so với các loại vắc-xin khác. Cơ sở Covax của Liên Hợp Quốc có thể sẽ trợ giá vắc-xin cho một số quốc gia thu nhập thấp, nhưng với mức báo giá trước đó, vắc-xin này vẫn quá đắt đối với nhiều người.
Theo Moderna, vắc-xin của hãng duy trì ổn định ở nhiệt độ từ 2-8 độ C trong 30 ngày và giữ được tới 6 tháng ở nhiệt độ -15 độ C.
Moderna cho biết dự kiến cung cấp ra thị trường Mỹ khoảng 20 triệu liều vắc-xin vào cuối năm nay và cung cấp ra toàn cầu khoảng 500 triệu - 1 tỷ liều vào năm 2021. Công ty này cũng cam kết cung cấp cho người dân Mỹ 100 triệu liều. Chính phủ Canada hiện đã đặt mua 56 triệu liều vắc-xin của Moderna, Anh đặt 50 triệu liều, còn Thụy Sỹ đặt 4,5 triệu liều, theo dữ liệu từ Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu của Đại học Duke.
PFIZER - BIONTECH: 20 USD/LIỀU
Pfizer và BioNTech vừa công bố phân tích dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối của vắc-xin do hai hãng đồng phát triển với hiệu quả ngừa Covid-19 hơn 90%. Pfizer cho biết sẽ xin cấp phép cho loại vắc-xin này tại Mỹ ngay trong tuần để việc tiêm chủng có thể bắt đầu. Vắc-xin này được tiêm hai liều, cách nhau 21 ngày.
Vắc-xin của Pfizer và BioNTech có giá 20 USD/liều, thấp hơn nhiều so với của Moderna. Hiện tại, hai công ty đã nhận được đơn đặt hàng từ nhiều quốc gia. Trong đó, Liên minh châu Âu đặt nhiều nhất với 300 triệu liều được xác nhận vào ngày 11/11, Nhật Bản đặt 120 triệu liều, còn Mỹ đã mua 100 triệu liều. Anh, Canada và Chile đều đã đặt mua ít nhất 10 triệu liều vắc-xin của Pfizer-BioNTech.
Tuy nhiên, không giống vắc-xin của Moderna, vắc-xin của Pfizer và BioNTech cần được bảo quản ở nhiệt độ -34 độ C và cần có thiết bị đặc biệt để lưu trữ và vận chuyển. Ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường, vắc-xin này có thể được trữ trong 5 ngày. Điều này có thể khiến việc phân phối vắc-xin tại một số quốc gia gặp khó khăn.
Hiện tại, cả Moderna và Pfizer đều đang xin cấp phép của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ để tiến hành các bước tiếp theo.
Ngày 17/11, Pfizer cho biết đã triển khai một chương trình vận chuyển thử nghiệm với vắc-xin này tại Rhode Island, Texas, New Mexico, và Tennessee. kế hoạch này nhằm giải quyết các thách thức trong việc phân phối vắc-xin liên quan tới các thiết bị lưu trữ siêu lạnh.
ASTRAZENECA - ĐẠI HỌC OXFORD: 3-4 USD/LIỀU
Hãng dược AstraZeneca, có trụ sở tại Anh, đang hợp tác với Đại học Oxford phát triển vắc-xin Covid-19 và dự kiến sẽ công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối vào cuối năm nay. Cuối tháng trước, AstraZeneca cho biết vắc-xin của hãng này tạo ra phản ứng miễn dịch ở nhóm người trẻ tương tự như ở nhóm người cao tuổi.
Theo Financial Times, vắc-xin của AstraZeneca được tiêm hai liều với giá 3-4 USD/liều. Công ty này cho biết sẽ bán vắc-xin với mức giá không lợi nhuận.
Vắc-xin do AstraZeneca và Đại học Oxford đồng phát triển có giá 3-4 USD/liều - Ảnh: Getty Images
Tuy vậy, Medecins Sans Frontieres nhấn mạnh rằng AstraZeneca chỉ cung cấp vắc-xin không lợi nhuận "trong đại dịch" và có quyền tăng giá vắc-xin từ tháng 7/2021.
Vắc-xin của AstraZeneca đã nhận được nhiều đơn hàng từ các quốc gia trên thế giới. Trong đó, Mỹ và Ấn Độ đặt mua mỗi nước 500 triệu liều, EU đặt 400 triệu liều, cơ sở Covax của Liên Hợp Quốc đặt 300 triệu liều. Còn Anh, Nhật, Indonesia, Brazil và Mỹ Latinh (trừ Brazil) đều xác nhận đặt ít nhất 100 triệu liều.
Đầu tháng này, AstraZeneca cho biết vắc-xin của hãng có thể được trữ lạnh trong các container cỡ lớn. Hãng này cũng dự kiến cho thêm một số thành phần để vắc-xin có thể trữ được ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường khi được cấp phép.
JOHNSON & JOHNSON: 10 USD/LIỀU
Vắc-xin của Johnson & Johnson là loại chỉ cần tiêm một liều, được phát triển dựa trên virus adenovirus chứa gen. Đây cũng là công nghệ được dùng để phát triển vắc-xin phòng virus Ebola.
Văc-xin ngừa Covod-19 của Johnson & Johnson có giá 10 USD/liều - Ảnh: Getty Images
Johnson & Johnson đã triển khai thử nghiệm tiêm một liều vắc-xin này trên 60.000 người hồi tháng 9. Dù vậy, công ty cũng đã ký một thỏa thuận với chính phủ Anh để thử nghiệm với 2 liều. Johnson & Johnson cho biết thử nghiệm một liều cho kết quả tích cực. Điều này có thể mang lại lợi thế cho hãng này so với các hãng khác với vắc-xin phải tiêm hai liều.
Vắc-xin của Johnson & Johnson chỉ yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ lạnh thông thường và có giá khoảng 10 USD/liều.
Hiện tại, EU đã đặt mua 200 triệu liều vắc-xin này, Anh đặt 30 triệu liều. Còn Mỹ và Canada lần lượt đặt 100 triệu và 38 triệu liều.
SINOVAC BIOTECH: 30 USD/LIỀU
Công ty Trung Quốc Sinovac Biotech cũng đang thử nghiệm giai đoạn cuối với một loại vắc-xin ngừa Covid-19. Vào giữa tháng 10, chính quyền thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã triển khai chương trình bán vắc-xin Covid-19 với giá 400 Nhân dân tệ (khoảng 60 USD)/2 liều.
Trong một thông báo trên WeChat, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) thành phố Gia Hưng cho biết người dân trong độ tuổi 18 - 59 có "nhu cầu khẩn cấp" có thể tới xin tư vấn tại bệnh viện để mua vắc-xin. Mỗi người được tiêm hai liều cách nhau 28 ngày. Đây là loại vắc-xin đang được tiêm cho các nhóm có nguy cơ phơi nhiễm cao với Covid-19 như nhân viên y tế. Tuy nhiên, thông báo của cơ quan này không nêu rõ "nhu cầu cấp thiết" là gì.
Hình ảnh đầu tiên về vắc-xin Covid-19 của Sinovac Biotech - Ảnh: Weibo
Trung Quốc đã tiêm vắc-xin cho hàng trăm nghìn người trong cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối nằm trong chương trình tiêm chủng khẩn cấp được triển khai hồi tháng 7. Dù đã có 11 loại vắc-xin của Trung Quốc bước vào thử nghiệm lâm sàng, trong đó 4 loại được thử nghiệm giai đoạn cuối, hiện tại vẫn chưa có loại nào được cấp phép bán ra thị trường đại chúng. Đến nay, Trung Quốc mới chỉ cấp phép cho một số loại vắc-xin dùng trong trường hợp khẩn cấp.
Các nhà chức trách Trung Quốc cũng chưa công bố chi tiết về giá cả của các loại vắc-xin đang được phát triển tại nước này. CDC Gia Hưng từ chối bình luận về việc mức giá vắc-xin được bán tại thành phố này đã được trợ giá hay chưa. Sinovac cũng không phản hồi về thông tin trên.
Chính phủ Trung Quốc cho biết các công ty dược được phép thu mức lợi nhuận hợp lý từ vắc-xin Covid-19 nhưng phải định giá sản phẩm sát với chi phí.
SINOPHARM: GẦN 75 USD/LIỀU
Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc China (Sinopharm) hồi tháng 8 cho biết loại vắc-xin sử dụng công nghệ bất hoạt do công ty con của tập đoàn phát triển có thể có giá hơn 1.000 Nhân dân tệ (148,8 USD) cho hai liều. Công ty cho biết hai vắc-xin này có thể ra mắt thị trường vào tháng 12/2020.
Hai ứng cử viên vắc-xin do các viện thuộc Sinopharm phát triển riêng biệt ở Bắc Kinh và Vũ Hán đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối tại Các Tiểu vương quốc A Rập Thống nhất (UAE) vào tháng 6. Sinopharm cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ tiêm tự nguyện miễn phí cho nhân viên y tế tuyến đầu tại một số bệnh viện công ở Trung Quốc vào cuối tháng 7.
Trả lời phỏng vấn tờ SMCP, ông Liu Jingzhen, chủ tịch Sinopharm, cho rằng mức giá như vậy "không phải là mức giá quá cao".
Theo chuyên gia vắc-xin Tao Lina tại Thượng Hải, ông ngạc nhiên khi Sinopharm công bố giá vắc xin Covid-19 cao hơn nhiều so với các loại khác ở các nước phương Tây và khẳng định đây là mức giá đắt nhất thế giới. Ông cho rằng mức giá này cho thấy Trung Quốc sẽ không thể đưa vắc-xin Covid-19 vào chương trình tiêm chủng miễn phí.