Liên minh ở "sân sau" của Nga nhưng... không có Nga
Hãng Reuters (Anh) hôm 12/4 bình luận, mặc dù truyền thông Tây Âu không hoàn toàn sai khi mô tả Nga-Trung Quốc như một "liên minh chống phương Tây", nhưng họ ít chú ý đến sự cạnh tranh và nghi kỵ giữa hai nước này.
Gần đây, mối "ân oán" Nga-Trung nóng trở lại khi Bắc Kinh đề xuất lập liên minh chống khủng bố Trung Á mà không đưa Moscow vào danh sách thành viên.
Điều này có thể làm quan hệ song phương leo thang căng thẳng và khó "hạ nhiệt" trong thời gian dài, thậm chí hàng thập kỷ.
Theo Reuters, sáng kiến liên minh chống khủng bố của Trung Quốc thể hiện chính sách ngoại giao của một thế lực lớn.
Nếu kế hoạch này được chính thức tiến hành, liên minh này sẽ tạo khuôn khổ hợp tác quân sự, giám sát phối hợp và chia sẻ thông tin giữa chính phủ Trung Quốc với chính phủ các nước Trung Á.
Pakistan, Afghanistan và Tajikistan cho thấy thái độ ủng hộ tích cực với đề xuất của Bắc Kinh, trong khi các nước khác đã bắt đầu lộ trình hiệp thương với Trung Quốc.
Reuters cho hay, sáng kiến liên minh được Trung Quốc đưa ra sau khi nước này viện trợ 70 triệu USD chống khủng bố cho Afghanistan.
Bên cạnh đó, phạm vi ngoại giao thương mại của Bắc Kinh tại Trung Á ngày càng mở rộng, đặc biệt từ sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố kế hoạch "một vành đai, một con đường" mà Trung Á là một phần quan trọng.
Đặc biệt, tất cả những chiến lược quan trọng như vậy đều không có sự tham dự ngay từ đầu của Nga.
Trong 15 năm qua, Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) mà Nga, Trung Quốc cùng các nước Trung Á là thành viên đã hoạt động như một khối thống nhất.
Tuy nhiên, các chính sách và đề xuất của Trung Quốc gần đây đã cho thấy rõ hơn ý định đẩy Nga ra bên lề. Truyền thông Nga nhiều lần đánh giá, Bắc Kinh đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng ở Trung Á với Moscow.
Ông Tập Cận Bình phát biểu tại Đại học Nazarbayev của Kazakhstan ngày 7/9/2013. (Ảnh: Xinhua)
Điểm đầu "bùng phát" mâu thuẫn Nga-Trung
Trang Đa Chiều (Mỹ) bình luận, hàng trăm năm qua, sức ảnh hưởng của Nga ở Trung Á luôn mạnh hơn Trung Quốc. Moscow đã mặc nhiên tự xem như nước "bảo hộ an ninh" cho khu vực này.
Nhưng sự phát triển nhanh của Bắc Kinh trong 3 thập kỷ qua đang tạo thành mối đe dọa.
Nhà nghiên cứu Andrei Serenko của Trung tâm nghiên cứu Afghanistan hiện đại (Nga) đánh giá: "Liên minh mới do Trung Quốc đề xuất là một mối đe dọa. Chúng tôi đã nhận thấy 'điểm bùng phát mâu thuẫn' đầu tiên giữa Bắc Kinh và Moscow."
Khi ông Tập Cận Bình thăm Kazakhstan năm 2013 và lần đầu tuyên bố sáng kiến "một vành đai, một con đường", chuyên gia Viện Brookings (Mỹ) từng nhận xét: "Trung Quốc hành động rất 'to gan'."
Những người Nga có mặt tại thủ đô Astana của Kazakhstan khi đó đều không che giấu sự quan ngại về kế hoạch của Bắc Kinh.
Nước Nga đã nhận thấy nguy cơ tổn thất về kinh tế và vị thế chính trị khi tuyến đường vận tải Á-Âu qua nước này bị thay thế bằng Con đường tơ lụa của Trung Quốc.