Loại hạt "vương giả" nhiều gia đình mời khách trong dịp Tết: Từng có giá bạc triệu nhưng tương lai không còn là hạt đắt nhất thế giới

MINH NHẬT |

1kg hạt macca có giá lên tới 1 triệu đồng, đắt gấp đôi hạt hạnh nhân, mà giá thì cứ tăng vèo vèo qua từng năm.

Xuân sang, Tết đến, nhiều gia đình có thói quen bày ra các loại bánh - mứt - kẹo để chiêu đãi bạn bè, người thân đến chơi nhà, như một cách thể hiện tình cảm và "lấy may" đầu năm mới.

Bên cạnh mứt tết truyền thống, nhiều gia đình cũng chọn bày biện các loại hạt như hạt hướng dương, hạt dưa, hạnh nhân, óc chó, hạt điều... Đặc biệt, nhiều gia đình còn mua cả hạt macca để đãi khách.

Nghe tên macca thì không còn xa lạ nhưng không phải ai cũng từng có cơ hội được thưởng thức loại hạt đắt đỏ này. Chẳng thế mà nó còn được gắn cái mác "vương giả" vì thuộc hàng đắt nhất thế giới. 1kg hạt macca có giá lên tới 1 triệu đồng, đắt gấp đôi hạt hạnh nhân, mà giá thì cứ tăng vèo vèo qua từng năm.

Loại hạt vương giả nhiều gia đình mời khách trong dịp Tết: Từng có giá bạc triệu nhưng tương lai không còn là hạt đắt nhất thế giới - Ảnh 1.

Theo tờ Business Insider, hạt macca được coi là một loại hạt tráng miệng chất lượng cao vì hương vị bơ béo ngậy của nó. Đây là thứ đồ ăn phổ biến và là mặt hàng nhập khẩu thời thượng ở các quốc gia như Trung Quốc và Mỹ.

Nhưng vì sao nó lại đắt đỏ như thế?

Câu trả lời có lẽ nằm ở quá trình chăm sóc và thu hoạch...

Cây macca có nguồn gốc ở vùng Đông Bắc nước Úc. Ở nơi ấy, nó từng là thức ăn của thổ dân, họ gọi loài cây này là "Kindal Kindal". Sau đó, khi thực dân Anh đến, họ đã đổi tên chúng thành macadamia, theo tên của Tiến sĩ John Macadam.

Mặc dù có nguồn gốc từ Úc, nhưng cây macadamia được trồng đại trà lần đầu tiên ở hòn đảo Hawaii của Mỹ.

Hawaii có khí hậu hoàn hảo cho sự phát triển của loài cây này. Bao gồm các yếu tố như: nhiều mưa, đất đai màu mỡ và thời tiết ấm áp... Điều này đồng nghĩa với việc những khu vực khác không đáp ứng được các yêu cầu khí hậu đó thì buộc phải nhập khẩu hạt macca. Hiện tại, các khu vực xuất khẩu macca nhiều nhất là Hawaii, Nam Mỹ, Úc và Nam Phi.

Loại hạt vương giả nhiều gia đình mời khách trong dịp Tết: Từng có giá bạc triệu nhưng tương lai không còn là hạt đắt nhất thế giới - Ảnh 2.

Phí nhập khẩu khiến giá bị đẩy lên cao là một chuyện nhưng ngay cả ở những vùng sản xuất macca thì giá cũng chẳng rẻ hơn là bao. Câu trả lời bắt nguồn từ chính sự rắc rối trong khâu thu hoạch loại hạt này.

Được biết, trên thế giới có khoảng 10 giống cây macca khác nhau, nhưng chỉ có 2 loài cho ra loại hạt đắt nhất thế giới. Và phải mất 7-10 năm vun trồng, chăm bẵm thì cây mới bắt đầu cho quả. Thế rồi, mỗi cây phải mất từ 4 - 6 tháng để ra hoa, mà không đồng nhất thời gian nên người nông dân phải thu hoạch rải rác trong năm. Trong một năm, người trồng macadamia chỉ thu hoạch được khoảng 5 - 6 lần, và hoàn toàn bằng tay.

Chưa hết, quả macca sau khi thu hoạch thường bị bóc vỏ và cùi, chỉ giữ lại hạt trước khi đem bán. Vấn đề là ở chỗ, tùy vào độ chín của quả mà hạt sẽ có hương vị thơm ngon khác nhau. Khi chỉ để lại hạt thì khó mà phân biệt được. Người ta phải hao tổn công sức để phân loại. Tất cả khiến cho quá trình thu hoạch trở nên thực sự tốn công tốn sức, tốn cả chi phí.

Hạt macca có giá trị về mặt dinh dưỡng

Ngày nay, hạt macca đã trở thành một thứ đồ ăn giàu dinh dưỡng vì hàm lượng chất béo cao. Với gần 50g/kg, chúng chứa nhiều chất béo hơn bất kỳ loại hạt nào khác trên thế giới.

Loại hạt vương giả nhiều gia đình mời khách trong dịp Tết: Từng có giá bạc triệu nhưng tương lai không còn là hạt đắt nhất thế giới - Ảnh 3.

Nghe đến chất béo, người ta thường nghĩ rằng hạt macca không tốt cho sức khỏe. Nhưng trên thực tế, phần lớn chất béo đó 100% không chứa cholesterol. Ngược lại, nó còn chứa axit palmitoleic, có thể cải thiện quá trình trao đổi chất và giúp cơ thể bạn duy trì mức insulin bình thường.

Mỗi hạt được tạo thành từ 80% dầu và 4% đường. Hàm lượng chất béo cao và ít đường làm cho hạt mắc ca trở nên lý tưởng cho nhiều chương trình ăn uống lành mạnh và giảm cân, kể cả những người theo chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt như Keto.

Tương lai sẽ không còn là loại hạt đắt nhất thế giới?

Giai đoạn năm 2017 - 2018, giá thu mua macca tại Hawaii lại đạt kỷ lục. Trang trại trồng macadamia tại hòn đảo này ước tính trị giá lên tới 53,9 triệu USD. Thời điểm đầu năm 2019, Trung Quốc - thị trường nhập khẩu macca lớn nhất nhì thế giới đã bắt đầu nhen nhóm ý định tự trồng macadamia để không phải đi mua về nữa.

Loại hạt vương giả nhiều gia đình mời khách trong dịp Tết: Từng có giá bạc triệu nhưng tương lai không còn là hạt đắt nhất thế giới - Ảnh 4.

Khi đó, các nhà xuất khẩu lo ngại rằng bong bóng trong ngành mắc ca toàn cầu sắp vỡ. Nếu điều đó xảy ra, hạt mắc ca có thể không còn là loại hạt đắt nhất thế giới.

Và đúng như dự đoán, theo Business Insider, cuối năm 2022 vừa qua, giá macca nguyên hạt cao cấp của Nam Phi đã giảm mạnh kể từ giữa tháng 11, do tình trạng dư cung toàn cầu và thực tế là hầu hết mọi người không đủ khả năng mua các mặt hàng xa xỉ vì lạm phát.

Giá tiêu chuẩn Mintec cho macca nguyên hạt cao cấp có nguồn gốc Nam Phi đã giảm mạnh 21% trong bốn tuần tính đến ngày 15 tháng 12, xuống còn 14,1 USD/kg. Điểm chuẩn cũng giảm 28% so với cùng kỳ năm 2021, do nguồn cung toàn cầu dồi dào và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Nguồn: BI

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại