Viện KSND tỉnh Lào Cai vừa ban hành cáo trạng để truy tố các bị can về các tội "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên", "Rửa tiền" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ" trong vụ án khai thác quặng trái phép xảy ra tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai.
Các bị can gồm: Nguyễn Mạnh Thừa (cựu Giám đốc Công ty Lilama), Nguyễn Quang Huy (cựu Tổng giám đốc Công ty Apatit), Phạm Cao Khiêm (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Apatit), Nguyễn Ngọc Bích (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Apatit), Lương Văn Na (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty Apatit), Cao Văn Tham (cựu Phó Trưởng phòng kế hoạch thị trường Công ty Apatit), Nguyễn Văn Bình (nguyên thành viên Hội đồng thành viên Công ty Apatit) và Nguyễn Văn Chung (nguyên Phó Trưởng phòng và phụ trách Phòng kỹ thuật, điều độ, sản xuất Công ty Apatit).
Cáo trạng xác định, biết rõ việc khai thác quặng Apatit phải có giấy phép, song từ năm 2012 đến 2015, chưa được cấp giấy phép nhưng bị can Thừa đã chỉ đạo khai thác trái phép trong phạm vi diện tích 5,99 ha (trong đó có 3,77ha là diện tích Công ty Lilama được cấp Giấy chứng nhận đầu tư xây dựng dự án khách sạn, nhà hàng và 2,22 ha khai thác ngoài) được tổng số 1.532.70991 tấn quặng Apatit các loại trị giá hơn 610 tỷ đồng và 39.056 tấn quặng Aapatit loại III không có cơ sở xác định giá trị.
Cáo trạng xác định, để hợp thức hóa nguồn tiền thu được từ việc khai thác quặng Apatit trái phép, bị can Nguyễn Mạnh Thừa đã sử dụng tiền do phạm tội mà có vào kinh doanh, giao dịch tài chính ngân hàng và sử dụng vào nhiều việc khác nhằm che dấu nguồn gốc bất hợp pháp số tiền hơn 177 tỷ đồng.
Dùng hàng chục tỷ mua đất, cổ phần cho con, biếu lãnh đạo...
Theo cáo trạng, để hợp thức hóa nguồn tiền thu được từ việc khai thác quặng Apatit trái phép, Thừa đã thỏa thuận với 12 cá nhân mà Công ty Lilama thuê vận chuyển quặng và đất đá cho Thừa mượn tài khoản để Công ty Lilama chuyển nhờ số tiền thu được từ việc bán quặng apatit vào tài khoản của các cá nhân này, khi thanh toán thì trả lại cho Thừa.
Khi được các cá nhân này đồng ý, Thừa đã chỉ đạo các kế toán của Công ty Lilama là Lê Văn Nho, Đỗ Phương Thúy, Nguyễn Thị Lành, Vũ Thị Hoa... lập các hợp đồng, biên bản nghiệm thu để nâng khống giá cước vận chuyển quặng, đất đá và nâng khống khối lượng đất đá. Sau đó đến Chi cục thuế huyện Bảo Thắng và Chi cục thuế TP Lào Cai mua hóa đơn bán lẻ theo các hợp đồng kinh tế và biên bản nghiệm thu khống.
Tiếp đó, Thừa chỉ đạo nhân viên kế toán của Công ty Lilama thực hiện chuyển tiền thu được từ việc bán quặng Apatit đã khai thác trái phép từ tài khoản của Công ty Lilama vào tài khoản của 12 cá nhân này.
Khu đất bỏ hoang sau khi khai thác trái phép quặng (Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ)
Từ năm 2013 đến năm 2015, Thừa đã chỉ đạo thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của Công ty Lilama đến tài khoản của 12 cá nhân này nhiều lần với tổng số tiền trên 182 tỷ đồng. Trong đó có hơn 5,6 tỷ đồng là số tiền cước vận chuyển quặng, đất đá trên thực tế 12 cá nhân này được nhận; số tiền còn lại hơn 177 tỷ đồng là tiền nâng khống về giá cước vận chuyển quặng, đất đá, khối lượng vận chuyển đất đá.
Sau khi 12 cá nhân nhận được tiền vào tài khoản đã cùng kế toán của Công ty Lilama được Thừa chỉ đạo rút tiền mặt về đưa cho Thừa hoặc nộp vào tài khoản cá nhân của Thừa.
Số tiền này, Thừa khai nhận sử dụng để mua đất cho con trai đứng tên. Thừa dùng 33 tỷ mua cổ phần ở 1 công ty rồi sau đó chuyển cho công ty của con trai Nguyễn Quang Triệu làm giám đốc.
Ngoài ra, Thừa gửi tiền tại ngân hàng dưới tên con gái và con dâu. Đặc biệt, bị can sử dụng 5 tỷ đồng để biểu cho bị can Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư tỉnh ủy Lào Cai vào dịp Tết Nguyên đán năm 2015.
Sau Thanh tra Chính phủ có Kết luận số 3238 ngày 23/12/2017 đã nộp bổ sung số tiền thuế, phí là hơn 11 tỷ đồng. Số tiền còn lại bị can khai sử dụng vào nhiều việc khác và đưa cho một số cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo của Công ty Apatit và một số người khác nhưng quá trình điều tra không làm rõ được.