Theo Daily Mail, ngày 4/11, một số sân bay của Tây Ban Nha đã phải đóng cửa vì lo ngại các mảnh vỡ từ tên lửa đẩy Trường Chinh 5B của Trung Quốc rơi trở lại Trái Đất vào hôm hay. Tây Ban Nha là một trong những khu vực được dự báo mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc sẽ rơi xuống.
Giới chức Tây Ban Nha lo ngại mảnh vỡ Trường Chinh 5B có thể ảnh hưởng hoạt động hàng không của nước này. Tuy nhiên các sân bay Tây Ban Nha chỉ đóng cửa trong khoảng 40 phút. Riêng sân bay Ibiza thời gian tạm ngưng hoạt động có thể kéo dài đến 3 giờ.
Cũng theo Daily Mail , một số chuyến bay đến và đi từ Barcelona, Tarragona, Ibiza, Reus, La Rioja, Castilla và Leon đã bị gián đoạn do hoạt động trên.
Nhiều sân bay ở miền Bắc Tây Ban Nha bị đóng cửa tạm thời trước lo ngại về các mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc. (Ảnh: Daily Mail)
Người phát ngôn của Cơ quan bảo vệ dân sự vùng Catalonia cho biết, do rủi ro liên quan đến các mảnh vỡ từ tên lửa Trường Chinh 5B có thể rơi xuống không phận Tây Ban Nha, các chuyến bay đến và đi Catalonia sẽ bị hạn chế từ 9h38 đến 10h18 ngày 4/111 (theo giờ địa phương).
Còn theo cơ quan kiểm soát không lưu Tây Ban Nha họ nhận được cảnh báo cơ quan kiểm soát không lưu châu Âu (Eurocontrol) về các mảnh vỡ từ tên lửa Trường Chinh 5B sẽ rơi trở lại Trái Đất. Do đó Tây Ban Nha quyết tạm thời đóng không phận một số sân bay.
Theo New York Times , khi rơi trở lại Trái đất, các mảnh vỡ của Trường Chinh 5B sẽ cháy hết hoàn toàn và có nhiều mảnh vỡ sẽ kích thước rất lớn. Nhưng rất khó để xác định vị trí và thời gian các mảnh vỡ này sẽ rơi xuống, các dự báo đều có sai số rất lớn...
Phần lõi tên lửa Trường Chinh 5B sẽ rơi trở lại Trái Đất có trọng lượng khoảng 23 tấn, quỹ đạo rơi của nó được dự đoán sẽ bay qua một số khu vực ở châu Âu.
Đường rơi dự kiến của mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh-5B. Các vị trí tên lửa tái nhập có thể ở bất kỳ đâu giữa đường màu xanh và màu vàng. (Ảnh: Aerospace Corporation)
Trước đó, ngày 31/10, tên lửa đẩy Trường Chinh 5B-Y4, mang theo module Mộng Thiên, đã được phóng lên vũ trụ từ bãi phóng Văn Xương, trên bờ biển đảo Hải Nam, miền Nam Trung Quốc.
Module Mộng Thiên sẽ được ghép nối với 2 module đã được đưa lên quỹ đạo trước đó ở độ cao 400km, qua đó đưa việc xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc đi vào giai đoạn cuối cùng.
Các mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh-5B đã rơi trở lại Trái đất một cách không kiểm soát trong cả ba lần phóng trước đó, gần đây nhất là vào tháng 7, sau khi Trung Quốc phóng tên lửa đưa module Vấn Thiên lên trạm vũ trụ Thiên Cung.
Cấu tạo của tên lửa đẩy Trường Chinh 5B. (Ảnh: BBC)
Theo Space.com, đây là một hạn chế bất tiện của Trường Chinh-5B. Các tên lửa quỹ đạo khác được thiết kế sao cho giai đoạn đầu của chúng lao xuống đại dương hoặc qua vùng đất không có dân cư ngay sau khi cất cánh, hoặc, trong trường hợp Falcon 9 và Falcon Heavy của SpaceX, rơi xuống toàn bộ để tái sử dụng trong tương lai.
Nhưng giai đoạn lõi của Trường Chinh-5B đạt đến quỹ đạo và không có cách nào để tự điều khiển, vì vậy nó rơi tự do trở lại Trái đất.
Mặc dù phần lớn thân tên lửa sẽ bốc cháy trong khí quyển khi nó rơi xuống, nhưng một số mảnh cứng hơn sẽ rơi xuống mặt đất, gây rủi ro cho con người và hạ tầng.
"Quy tắc chung là 20-40% khối lượng của một vật thể lớn sẽ rơi xuống tới mặt đất, nhưng con số chính xác phụ thuộc vào thiết kế của vật thể", Aerospace Corporation giải thích, nói rằng trong trường hợp này, dự kiến mảnh vỡ nặng khoảng 5 đến 9 tấn sẽ chạm tới mặt đất.
"Các quốc gia thám hiểm vũ trụ phải giảm thiểu rủi ro đối với con người và tài sản trên Trái đất khi tái nhập khí quyển các vật thể không gian và tối đa hóa tính minh bạch liên quan đến các hoạt động đó", Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết trong một tuyên bố được đăng ngay trước vụ rơi mảnh vỡ Trường Chinh-5B vào tháng 5/2021.