Mức sinh giữa các vùng có chênh lệch khá lớn. Trong đó, hai vùng có mức sinh thấp và thấp hơn mức sinh thay thế là Đông Nam Bộ và ĐBSCL.
Mức sinh quá thấp xuất hiện ở nhiều khu vực
Từ Thái Bình vào TP HCM lập nghiệp, gia đình chị Hoàng Thị Nhung (34 tuổi) cho biết chị có 1 con đã 10 tuổi.
Công việc bận rộn, hai vợ chồng chị không có ý định sinh thêm con nữa. "Ngày xưa ông bà có suy nghĩ "trời sinh voi trời sinh cỏ", "đông con là có phúc" nhưng giờ nuôi con rất tốn kém. Hơn nữa, cuộc sống bây giờ còn phải dành tiền đi du lịch, hưởng thụ chứ không thể chỉ lo cơm áo gạo tiền được.
Còn anh Trần Nam (36 tuổi, ở Hà Nội) cho biết gia đình anh giục giã chuyện anh lập gia đình nhưng anh vẫn cảm thấy chưa muốn. Anh cho biết dù bạn gái anh cũng gần 30 tuổi nhưng cả hai vẫn muốn phấn đấu cho sự nghiệp, muốn có nhà, xe và có tích luỹ trước khi kết hôn.
"Hai chúng tôi cũng thống nhất chỉ đẻ một đứa nên muộn một chút cũng không sao" - anh Nam chia sẻ.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg Phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030".
Việc điều chỉnh mức sinh phù hợp với vùng, đối tượng là do trong thời gian qua, "bức tranh" dân số của Việt Nam không đồng đều, thanh niên đang có xu hướng lập gia đình muộn.
Báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác dân số, nhất là trong việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch hóa gia đình.
Tổng tỉ suất sinh (TFR) của Việt Nam liên tục giảm từ 6,39 con/phụ nữ năm 1960 xuống còn 2,09 con/phụ nữ năm 2006. Từ đó đến nay, Việt Nam đã đạt và duy trì được mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ).
Hơn nữa, xu thế hiện nay, ở nhiều thành phố lớn, người dân lại ngại đẻ, dẫn tới tỉ suất sinh ở thành phố giảm, còn một số vùng sâu vùng xa, gia đình nghèo vẫn đẻ nhiều.
Theo kết quả cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, TFR của cả nước năm 2019 là 2,09 con.
Đây là năm thứ ba liên tiếp mức sinh dưới mức sinh thay thế (năm 2017 là 2,04 con, năm 2018 là 2,05 con). "Bức tranh" chung về mức sinh còn rất nhiều "mảng màu" khác biệt.
Theo thống kê, vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL có mức sinh thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế (dưới 1,6 con), một số tỉnh cũng đang trong tình trạng mức sinh rất thấp như TP HCM (1,36 con). Đồng Tháp (1,34 con), Bà Rịa - Vũng Tàu (1,37 con), Hậu Giang (1,53 con)...
Tổng tỉ suất sinh như các tỉnh này hiện tương đương với Hàn Quốc, Singapore - những nước đang có các chính sách nỗ lực khuyến khích phụ nữ sinh con do thiếu nguồn nhân lực và dân số già hóa nhanh chóng.
Trong khi đó, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên mức sinh khá cao như: Hà Giang, Lai Châu, Hà Tĩnh, Đắk Lắk… có tỉ suất sinh ở mức trên dưới 3 con. Thậm chí có những nơi, người dân sinh tới 6 - 7 người con. Ngoài ra, nhiều thanh niên hiện nay có xu hướng lập gia đình muộn hoặc không lập gia đình.
Việc kết hôn muộn, có con muộn cũng ảnh hưởng đến chất lượng dân số khi sức khỏe người mẹ không bảo đảm, con cũng có nguy cơ bị nhiều tai biến hơn.
Để thực hiện Chương trình, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu chính quyền địa phương ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con.
Trong đó, thí điểm hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình như phát triển các câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi...
Sinh con trước 35 tuổi để mẹ khỏe, con khỏe
Mục tiêu của "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" là phấn đấu đến năm 2030, tăng 10% tổng tỉ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỉ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế.
Bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục (Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế), cho rằng hôn nhân không phải càng muộn thì càng tốt, mà nên được căn cứ phù hợp với các yếu tố trong độ tuổi sinh sản tốt nhất của phụ nữ.
Theo đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, độ tuổi tốt nhất để sinh con của phụ nữ là trong khoảng từ 20 đến dưới 35 tuổi.
Các nhà chuyên môn cũng cho hay, khả năng sinh sản của phụ nữ thay đổi theo độ tuổi. Cụ thể, ở độ tuổi 20-24, phụ nữ dễ thụ thai nhất. Sau đó, khả năng thụ thai giảm dần và giảm mạnh sau mốc 35 tuổi. Đến khi bước sang tuổi 45, ít phụ nữ có thể mang thai một cách tự nhiên.
Ở góc độ khác, nếu phụ nữ lớn tuổi mới kết hôn và sinh con sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ gặp biến chứng trong thai kỳ như tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, nguy cơ sinh con dị tật bẩm sinh...
Những người trẻ ở độ tuổi này (28-32 tuổi) có nhận thức rõ về lựa chọn bạn đời của họ, quan điểm sống của họ trưởng thành hơn và họ cũng có thể giải quyết một cách hợp lý hơn các vấn đề trong hôn nhân; có ý thức trách nhiệm trong việc chăm sóc con cái cũng như khả năng chịu đựng cao hơn trong cuộc sống gia đình sau này.