Giới chức quân sự phương Tây tuần rồi tố cáo Nga xâm nhập điện thoại di động của binh sĩ NATO trú đóng dọc biên giới Nga với các nước Baltic nhằm đánh cắp thông tin, thăm dò trình độ binh sĩ và hăm dọa họ.
Tinh vi
Phương Tây tin rằng các đặc vụ Nga sử dụng ăng-ten vô tuyến và thiết bị bay không người lái chuyên biệt để thực hiện hành vi xâm nhập vừa nêu. Theo báo Wall Street Journal, đối tượng của các tin tặc Nga là 4.000 binh sĩ NATO đóng quân ở Ba Lan và các quốc gia Baltic khác.
Các binh lính, sĩ quan và viên chức chính phủ các nước thành viên NATO cáo buộc mức độ tinh vi của hành động xâm nhập cho thấy nó nhận được sự tài trợ của chính phủ Nga. Tuy nhiên, phía Moscow phủ nhận tất cả.
Nữ Thủ tướng Anh Theresa May thăm binh sĩ NATO tại căn cứ Tapa ở Estonia hôm 29-9. Ảnh: REUTERS
Sự việc bắt đầu xảy ra hồi tháng 1 tại căn cứ quân sự Tapa ở Estonia khi binh sĩ Estonia than phiền về "những sự lạ" xảy ra trên điện thoại như mất danh bạ và tự động mở ra loại âm nhạc họ chưa bao giờ tải về.
Theo báo Business Insider, một cuộc điều ra sau đó xác định tin tặc Nga đã sử dụng ăng-ten điện thoại di động để xâm nhập các điện thoại cầm tay trong khu vực này, lấy trộm dữ liệu trong điện thoại rồi xóa đi thông tin đó.
Kể từ đó, binh sĩ Estonia tại căn cứ này phải tuân thủ chính sách "không điện thoại thông minh", tháo gỡ thẻ sim của họ ra khỏi máy và chỉ được sử dụng internet trong những khu vực an toàn nhất định.
Nạn nhân đáng chú ý nhất là trung tá Mỹ Christopher L’Heureux, chỉ huy một căn cứ của NATO ở Ba Lan. Ông L’Heureux cho biết mình đã bị theo dõi qua điện thoại di động, đồng thời xác nhận một số binh sĩ dưới quyền bị xâm nhập tài khoản Facebook.
Sau này, ông được biết rằng lúc đó, một tin tặc có địa chỉ IP ở Nga đã theo dõi mọi động tĩnh của ông qua hệ thống định vị GPS trên chiếc điện thoại di động.
Chiến tranh điện tử
Cho tới nay vẫn chưa có đánh giá thiệt hại cụ thể về các xâm nhập nói trên, song một số giới chức quân sự phương Tây tự tin rằng chúng không gây nhiều nguy cơ về an ninh và có tác dụng quấy rối nhiều hơn vì binh sĩ NATO được huấn luyện đối phó với các tình huống tương tự.
Tuy nhiên, những người khác lo ngại tin tặc Nga có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về viễn thông có tác dụng gây ra sự hỗn loạn trong trường hợp xảy ra tấn công quân sự thực sự. Theo đó, tin tặc Nga có thể xâm nhập điện thoại của một vị chỉ huy NATO, gửi đi mệnh lệnh nào đó khi xảy ra cuộc tấn công.
Tuy vậy, giới chức NATO tin tưởng rằng binh sĩ đã được huấn luyện phớt lờ các mệnh lệnh được gửi từ các thiết bị không bảo đảm an toàn như điện thoại di động cá nhân.
Giới chức NATO và khu vực Baltic cũng đã nghi ngờ Moscow đứng đằng sau hành vi ngăn chặn mạng lưới liên lạc điện thoại di động ở Latvia trước khi tiến hành cuộc tập trận Zapad-2017 hồi tháng 9. Theo Reuters, sự cố kéo dài trong suốt 7 giờ ngày 30-8 dọc bờ biển phía Tây Latvia.
Giới chức Latvia nghi ngờ Moscow nhằm vào đường dây nóng khẩn cấp 112 của nước này vốn đã bị tê liệt lần đầu tiên vào ngày 13-9, trước khi Nga bắt đầu giai đoạn tập trận cường độ mạnh nhất kể từ năm 2013. Họ đánh giá đây là cuộc thử nghiệm các công cụ tấn công mạng của Nga.
Trong khi đó, trung tướng Ben Hodges, tư lệnh các lực lượng Mỹ ở châu Âu, xác nhận Nga đã phát triển năng lực chiến tranh điện tử đáng kể trong suốt 3 năm qua.
Ông nhấn mạnh phần nhiều năng lực này đã được phô diễn trong cuộc tập trận Zapad vừa qua; đồng thời đánh giá năng lực này cực kỳ mạnh mẽ, tinh vi và là dấu hiệu tiến bộ Nga đạt được trong cuộc chiến tranh điện tử trong khi NATO đang lao vào các chiến dịch chống phong trào nổi dậy ở Afghanistan.
Một diễn biến khác, Công ty An ninh mạng Kaspersky Lab ở Moscow hôm 6-10 lên tiếng phủ nhận cáo buộc liên quan trong vụ xâm nhập máy tính một nhà thầu của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) năm 2015.
Trước đó, báo Wall Street Journal đưa tin sự việc xảy ra khi nhà thầu này - làm công việc tạo ra sản phẩm thay thế cho công cụ xâm nhập đã bị Edward Snowden tiết lộ - đem việc về nhà. Theo báo The Guardian, người ta ngờ rằng sự cố tin tặc kể trên có thể là nguyên nhân chủ yếu khiến chính phủ Mỹ ra lệnh cấm các sản phẩm Kaspersky hồi tháng 9 vừa qua.
Cuộc chiến truyền thông
Hãng tin CNN International của Mỹ đang đối mặt với khả năng bị tước giấy phép hoạt động tại Nga nếu không đáp ứng được yêu cầu chấm dứt các vi phạm đã bị cơ quan Roskomnadzor của Nga phát hiện, trước ngày 11-10. Roskomnadzor là cơ quan giám sát thông tin, công nghệ thông tin và truyền thông của Moscow, đang chịu trách nhiệm giám sát 40 công ty truyền thông Mỹ hoạt động tại Nga.
Theo trang Bloomberg, CNN International có thể là hãng truyền thông trước tiên của Mỹ nếm trải đòn trả đũa của Nga sau khi Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu đài RT của Nga phải đăng ký hoạt động với tư cách là "văn phòng đại diện nước ngoài" theo Luật Đăng ký đại diện nước ngoài (FARA) trước hạn chót là ngày 17-10.
Gọi động thái của Bộ Tư pháp Mỹ là một phần trong "cuộc chiến" của Mỹ với truyền thông Nga, Tổng giám đốc RT Margarita Simonyan nhấn mạnh yêu cầu nói trên không khác gì hành động trục xuất trên danh nghĩa.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết bên cạnh RT, hãng tin Sputnik, hãng thông tấn TASS của Nga, nhiều tờ báo và nhà báo nước này cũng bị cản trở hoạt động tại Mỹ.
Theo hãng tin Interfax (Nga), Văn phòng Tổng Công tố và các cơ quan chính phủ khác của Nga đang xem xét khả năng tuyên bố một số hãng truyền thông của Mỹ là các đối tượng gây rối vốn bị cấm hoạt động theo luật pháp Nga.
ĐỖ QUYÊN