Vài giờ trước, 5 máy bay không người lái tấn công Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất hiện trên bầu trời miền bắc Syria. Động thái này trái với các thỏa thuận hiện có của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga về Syria, theo Avia-pro.
Trước những hành động như vậy của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã ngay lập tức gửi cho Ankara một "đòn đáp trả" khiến tất cả các máy bay không người lái của nước này choáng váng. Các mã phát sóng gây mất liên lạc và hoạt động của định vị GPS bị gián đoạn khiến các máy bay không người lái rơi vào thế nguy hiểm.
Một hình ảnh được hãng dịch vụ giám sát hàng không công khai công bố cho thấy, các máy bay không người lái gặp vấn đề nghiêm trọng khi triển khai nhiệm vụ ở miền bắc Syria.
Ngày nay, các biện pháp đối phó điện tử là một phương tiện rất hiệu quả để chống lại máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này từng được báo chí Thổ Nhĩ Kỳ liên tục đưa tin và rõ ràng trong trường hợp tình hình trong khu vực leo thang, Nga có thể vạch ra vùng cấm bay với bất kỳ máy bay nước ngoài nào có khả năng mang đến những rủi ro và mối đe dọa hiện có đối với quân đội Nga.
Quan hệ rối bời Nga – Thổ Nhĩ Kỳ
Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Mối quan hệ này trở nên căng thẳng nhất kể từ sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su22 của Nga hồi cuối năm 2015.
Năm 2018, Nga-Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận chung mà theo đó, Ankara cam kết loại bỏ các nhóm khủng bố ra khỏi lực lượng vũ trang đối lập ôn hòa trong thời hạn cuối năm 2018 ở Idlib, đổi lấy việc Moscow đảm bảo quân đội Syria không dùng quân sự thu hồi tỉnh Idlib, để tiến tới một giải pháp chính trị nhằm thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Syria.
Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua, Thổ Nhĩ Kỳ không thể loại bỏ được khủng bố ở khu vực này.
Và năm 2019, Nga buộc ủng hộ và yểm trợ mạnh mẽ cho quân đội Syria mở chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm mục tiêu thực hiện chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ cho Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ luôn xem sự tồn tại của tỉnh Idlib ngoài vòng kiểm soát của Chính phủ Syria là "lợi ích sống còn đối với an ninh quốc gia" của Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi lẽ khi nổ ra cuộc chiến căng thẳng nhằm diệt khủng bố ở tỉnh Idlib, nguy cơ một làn sóng di cư từ tỉnh này tràn qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Ankara lâu nay đã phải bất đắc dĩ đón lượng lớn người di cư từ Syria.
Từ năm 2017 đến nay, ông Erdogan đã nhiều lần thỏa thuận với Tổng thống Putin của Nga để quân đội Syria dần giành lại quyền kiểm soát rất nhiều căn cứ của phiến quân rải rác trên khắp lãnh thổ Syria, dồn số còn lại về tỉnh Idlib.
Nếu nay để quân đội Syria kiểm soát nốt Idlib thì phe đối lập Syria và đồng minh của họ sẽ phản ứng với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga và Syria xem Idlib là “cái gai” cần nhổ bỏ bởi nó đang cắt đứt hai xa lộ quốc tế chiến lược ở tây bắc Syria. Vậy nên khi đối đầu với Nga tại Idlib, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào thế yếu cả về chính trị và quân sự.
Sự căng thẳng trong quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ từng được nhiều lần xoa dịu. Cả hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều cho rằng cuộc xung đột ở Syria không thể giải quyết bằng giải pháp quân sự và chỉ có người Syria mới tự quyết định được vận mệnh của đất nước họ. Và Nga-Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhất trí thúc đẩy những nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Idlib, trong khi cùng tạo điều kiện cho những người tị nạn trở về quê hương.