Trong tuần qua một sự kiện quân sự rất đáng chú ý đó là Quân đội Ukraine đã phóng thử thành công phiên bản hoàn chỉnh của tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển nội địa mang tên RK-360MTS Neptune do văn phòng thiết kế Luch phát triển.
Tên lửa Neptune ra mắt lần đầu tiên vào năm 2013, theo thông báo nó đã hoàn thành thử nghiệm vào năm 2016 nhưng tại thời điểm đó vẫn thiếu hệ thống dẫn đường. Tuy nhiên các vụ phóng thành công gần đây cho thấy vũ khí này đã sẵn sàng bước vào tình trạng chiến đấu.
Thông số kỹ chiến thuật cơ bản của tên lửa Neptune rất ấn tượng khi sở hữu tầm bắn nằm trong khoảng 7 - 280 km nhờ phần thân được kéo dài và tích hợp tầng đẩy khởi tốc lớn hơn, đi kèm một số sửa đổi khác.
Tên lửa R-360 được đặt trong ống phóng kiêm ống bảo quản TPK-360, trọng lượng tổng thể 670 kg, mang theo đầu đạn nặng 150 kg, chiều dài 5,05 m (với tầng khởi tốc), đường kính 380 mm, sải cánh 1,3 m, vận tốc tối đa Mach 0,9, độ cao hành trình cách mặt biển 3 - 10 m, sử dụng hệ dẫn đường quán tính giai đoạn đầu kết hợp radar chủ động khi bước vào công kích.
Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển RK-360MTS Neptune của Ukraine
Có một điều rất thú vị đó là sau khi Ukraine tiến hành rộng rãi các bài bắn kiểm tra đối với tên lửa Neptune thì giới quan sát đã nhận ra rằng vũ khí này có rất nhiều nét tương đồng với tên lửa Kumsong-3 của Triều Tiên.
Ban đầu truyền thông cho rằng Triều Tiên đã mua được tên lửa Kh-35E (hoặc Kh-35UE) của Nga. Tuy nhiên sau khi kiểm tra chặt chẽ, có vẻ như Kumsong-3 không phải là bản sao từ Uran nhưng lại cực kỳ giống với Neptune. Kumsong-3 đã bắn thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2015 và vươn tới cự ly 200 km.
Năm 2017 trong một cuộc thử nghiệm khác, Kumsong-3 đã trình diễn tầm bắn 240 km. Điều này dẫn tới câu hỏi không rõ làm thế nào một tên lửa đang được phát triển ở Ukraine lại hoàn thiện ở Triều Tiên trước khi "bản gốc" sẵn sàng. Vẫn còn một vài liên kết còn thiếu trong toàn bộ câu chuyện này, hiện chưa rõ tên lửa của Triều Tiên được phát triển cụ thể ra sao.
Tên lửa hành trình chống hạm Neptune của Ukraine rời ống phóng
Một trong những lời giải thích có thể là Ukraine đã đóng góp vào quá trình phát triển tên lửa chống hạm Kumsong-3 của Triều Tiên. Kiev nằm trong số 10 nhà xuất khẩu vũ khí quân sự hàng đầu thế giới và có ngành công nghiệp quốc phòng phát triển hơn nhiều so với Triều Tiên.
Ngoài ra Ukraine được báo cáo từng cung cấp động cơ cho tên lửa đạn đạo của Triều Tiên thông qua Nga trước đây. Sự thật này đã được xác nhận bởi Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Ukraine và Tình báo Hàn Quốc.
Sẽ cần thêm một số bằng chứng khác để đi tới kết luận ai là người đã trợ giúp Triều Tiên nhiều nhất trong quá trình hoàn thiện tên lửa hành trình chống hạm Kumsong-3, nhưng có vẻ hai đối tác Nga hoặc Ukraine là tiềm năng nhất.
Một cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình chống hạm Neptune của Ukraine