Cụ thể, trong Báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2022 do nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility công bố, Việt Nam xếp 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.
Theo bảng xếp hạng thường niên của Agility năm 2023, nước ta đứng thứ 4 Đông Nam Á.
Tại Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau Malaysia, Indonesia và Thái Lan nhưng xếp trên Philippines, Myanmar và Campuchia. So với bảng xếp hạng năm ngoài, năm nay, Việt Nam cải thiện 1 bậc lên vị trí thứ 10.
Chỉ số xếp hạng của Agility dựa trên 4 tiêu chí gồm: cơ hội logistics trong nước, cơ hội logistics quốc tế, chỉ số sẵn sàng công nghệ, nguyên tắc kinh doanh.
Cụ thể, về cơ hội logistics trong nước, Việt Nam được đánh giá ở vị trí 16, cải thiện 1 bậc so với năm 2022 với 5.02 điểm. Dựa trên các điều kiện kinh doanh và chỉ số sẵn sàng công nghệ, Việt Nam được đánh giá lần lượt ở vị trí 19 và 15 của bảng xếp hạng.
Xét trên yếu tố cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam hiện dẫn đầu Đông Nam Á, đứng vị trí thứ 4 của bảng xếp hạng với 6.03 điểm. Báo cáo đánh giá, Việt Nam là nước hưởng lợi từ khi các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ toàn cầu đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Theo đó, logistics là ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất tại Việt Nam, với tốc độ bình quân từ 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Nhờ vào sự ổn định về chính trị, xã hội và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Thêm nữa, Việt Nam đã tận dụng những lợi thế từ đường bờ biển dài để có hệ thống cảng biển đạt công suất tối ưu với tốc độ tăng trưởng kinh tế lạc quan, sản xuất duy trì ổn định.
Cùng với đó là sự bùng nổ của thương mại điện tử đang phát triển như vũ bão ở cả hai chiều xuất khẩu và tiêu dùng trong nước giúp Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa của thế giới, là mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành "ngôi sao logistics" của châu Á trong thời gian tới.
Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành "ngôi sao logistics" của châu Á. Ảnh minh họa.
Bên cạnh lợi thế, những khó khăn và thách thức đồng thời hiện hữu như chi phí dịch vụ cao, áp lực lên cơ sở hạ tầng ngày một lớn. Theo các chuyên gia, ngành logistics vẫn rất cần phát triển kết nối hạ tầng, hợp tác công tư mở rộng thành các trung tâm logistics và chuỗi cung ứng toàn diện về lưu thông, chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021.
Đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ bản thân doanh nghiệp.
Tuy vậy, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như: chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài chưa đáng kể…
Trước đó, Ngân hàng Thế giới cho biết vận chuyển container ở Campuchia và Việt Nam có thời gian quay vòng cảng thấp nhất trong ASEAN vào tháng 6 năm ngoái với thời gian trung bình của cả hai nước là 0,9 ngày.
Trong dữ liệu hậu cần toàn cầu được công bố tại Washington (Mỹ) mới đây, Ngân hàng Thế giới cho biết đây là một trong những chỉ số hiệu suất chính mới bổ sung cho Chỉ số hiệu suất hậu cần (LPI) của 139 nền kinh tế.
Trong số các thành viên ASEAN khác, Thái Lan có thời gian quay vòng thấp thứ hai là 1,0 ngày, tiếp theo là Malaysia và Singapore (đều 1,2 ngày), Philippines (1,3 ngày), Indonesia (1,8 ngày) và Myanmar (2,0 ngày).
Trong một tuyên bố, tổ chức này cho biết số hóa đang cho phép các nền kinh tế mới nổi rút ngắn thời gian trễ cảng tới 70% so với các nước phát triển.