Quý II vừa qua, Ấn Độ đã trở thành nước có GDP giảm mạnh nhất trong nhóm các nền kinh tế lớn trên thế giới. Chưa dừng lại ở đó, làn sóng dịch bệnh tái bùng phát mạnh mẽ đang đè nặng lên triển vọng phục hồi của nước này.
Theo số liệu mới được Bộ Thống kê Ấn Độ công bố, GDP quý II giảm 23,9% so với 1 năm trước – mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1996 và tồi tệ hơn bất kỳ nền kinh tế nào trong nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới mà Bloomberg theo dõi. Trước đó giới phân tích dự báo mức giảm chỉ là 18%.
Khu vực dịch vụ tài chính – vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành dịch vụ - suy giảm 5,3% so với quý II/2019. Thương mại, khách sạn, vận tải và viễn thông suy giảm 47%. Mảng sản xuất sụt giảm 39,3%, trong khi nông nghiệp là điểm sáng duy nhất với mức tăng trưởng 3,4%.
GDP Ấn Độ sụt giảm mạnh trong quý II. Ảnh: Bloomberg.
Từng là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, giờ đây Ấn Độ đang hướng đến năm GDP suy giảm lần đầu tiên trong hơn 4 thập kỷ trở lại đây. Mặc dù đã xuất hiện những dấu hiệu sớm cho thấy hoạt động kinh tế đang bắt đầu hồi phục trở lại trong quý III do các lệnh phong tỏa được nới lỏng, đà phục hồi hết sức mong manh vì Ấn Độ đã nhanh chóng trở thành tâm dịch của thế giới.
Chỉ riêng ngày 30/8, nước này ghi nhận hơn 78.000 ca nhiễm. Tổng cộng đất nước với dân số 1,3 tỷ người đã có gần 4 triệu người mắc bệnh. Làn sóng lây nhiễm mới đang chặn đường tái mở cửa hoàn toàn của kinh tế Ấn Độ vốn phụ thuộc nặng nề vào tiêu dùng.
Theo Priyanka Kishore, chuyên gia của Oxford Economics (Singapore), mặc dù đầu quý III kinh tế Ấn Độ có được cú huých lớn hậu phong tỏa, đà hồi phục đang đứng trước nguy cơ biến mất với dịch bệnh diễn biến xấu và New Delhi lưỡng lự chưa muốn kích thích tài khóa.
Cho đến nay chính phủ Ấn Độ mới chỉ tung ra các biện pháp hỗ trợ tài chính rất hạn chế do nguồn thu hạn hẹp, trong khi NHTW Ấn Độ đã giảm lãi suất tổng cộng 1,15% kể từ đầu năm đến nay. Ngân sách của Ấn Độ được dự báo sẽ thâm hụt hơn 7% GDP trong năm tài khóa 2020, cao hơn gấp đôi so với mục tiêu ban đầu. Lạm phát cũng ở trên mức mục tiêu 2-6% mà NHTW đề ra, làm giảm cơ hội cắt giảm lãi suất.
Kể cả ở thời điểm trước dịch, nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á đã chậm lại do khủng hoảng ngân hàng trong bóng tối ảnh hưởng nặng nề đến các khoản vay mới và sức tiêu dùng – ngành đóng góp khoảng 60% GDP Ấn Độ. Các biện pháp phong tỏa được áp dụng từ giữa tháng 3 để kiểm soát đại dịch khiến nền kinh tế gần như ngừng lại khi các doanh nghiệp phải đóng cửa và hàng triệu lao động rời bỏ thành phố để về quê.
GDP Ấn Độ giảm mạnh nhất trong nhóm các nền kinh tế lớn. Nguồn: Bloomberg.
Covid-19 khiến nhiều nền kinh tế trên khắp thế giới phải đối mặt với cú sụt giảm kỷ lục. Nhưng riêng ở Ấn Độ, tình hình trở nên tồi tệ hơn vì số ca nhiễm tăng mạnh.
Một số chuyên gia kinh tế dự báo GDP của Ấn Độ sẽ hồi phục và tăng trưởng ở mức trên 7% vào năm tới nhờ nhu cầu nội địa và hoạt động xuất khẩu bật tăng. Tuy nhiên, kinh tế Ấn Độ khó có thể lặp lại đà hồi phục mạnh mẽ theo sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn 1 thập kỷ, khi GDP tăng trưởng trung bình 8,2% trong 2 năm tài khóa sau cuộc khủng hoảng. Khi đó có những yếu tố thuận lợi như các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ khổng lồ cùng với đà hồi phục nhanh chóng của kinh tế thế giới.