Sáng nay 26/2, Chủ tịch Kim Jong Un và phái đoàn quan chức cấp cao Triều Tiên đã đến Hà Nội, Việt Nam, chuẩn bị cho thượng đỉnh hội nghị Mỹ Triều lần 2 diễn ra trong hai ngày 27-28/2.
Đáng chú ý, trong đoàn tháp tùng của ông Kim Jong Un năm nay còn có sự xuất hiện của hai quan chức lần đầu tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Hai ông này trước đó không có trong danh sách quan chức Triều Tiên dự thượng đỉnh lần 1 diễn ra ở Singapore.
Đó là hai Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Phyong Hae và O Su Yong.
Ông Kim Phyong Hae (khoanh đỏ), đi phía sau Ủy viên Bộ chính trị, Phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Ri Su Yong (Ảnh: Phạm Tuấn)
Mặc dù phái đoàn quan chức Triều Tiên lần này không có quá nhiều thay đổi so với kỳ thượng đỉnh đầu tiên nhưng truyền thông Hàn Quốc cho rằng, việc lựa chọn hai nhân vật hoàn toàn mới này cho thấy mục đích và tầm nhìn của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Theo tài liệu công khai, ông O Su Yong sinh năm 1944, Phó Chủ tịch ban chấp hành đảng Lao động Triều Tiên kiêm thành viên Hội đồng nhân dân tối cao, phụ trách lĩnh vực kinh tế.
Ông Kim Phyong Hae sinh năm 1941, Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên, phụ trách vấn đề cán bộ, nhân sự.
Đài truyền hình Hàn Quốc MBC nhận định, ông Kim Jong Un dường như đang quan tâm đến mô hình phát triển kinh tế và kinh nghiệm tổ chức nhân sự của Việt Nam.
Trong khi, Đài truyền hình Hàn Quốc KBS cho rằng, việc đưa theo ông O Su Yong cho thấy, nhà lãnh đạo Kim Jong Un muốn trao đổi với chính phủ Việt Nam về phương thức ứng xử với các lệnh cấm vận và thành tựu cải cách kinh tế của nước ta.
Ông O Su Yong
MBC dẫn lời ông Cho Sung Ryul, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia Hàn Quốc khẳng định: "Bên cạnh các lệnh cấm vận, [Triều Tiên] còn nhiều vấn đề tồn đọng như xuất nhập khẩu hàng hóa chiến lược, gia nhập tổ chức tài chính quốc tế và mối quan hệ tối huệ quốc - đối xử ưu đãi nhất - với thị trường Mỹ. Những vấn đề này cần phải được tháo gỡ...".
Hãng thông tấn Yonhap cho rằng, với quyết tâm dịch chuyển chính sách theo hướng tập trung phát triển kinh tế như hiện nay của Chủ tịch Kim Jong Un thì tại hội nghị thượng đỉnh này, Triều Tiên sẽ phải thảo luận về các biện pháp trừng phạt và phát triển kinh tế với Mỹ.
"Điều này tạo cơ hội cho Triều Tiên lập lên một kế hoạch chi tiết về cách áp dụng mô hình cải cách và mở cửa Việt Nam vào nền kinh tế và chính sách của nước này", Yonhap nhấn mạnh.
Truyền thông Hàn Quốc kết luận, việc đưa theo hai quan chức cấp cao dày dặn kinh nghiệm về lĩnh vực kinh tế và tổ chức nhân sự tạo điều kiện thuận lợi giúp Triều Tiên trao đổi, tiếp thu được nhiều kinh nghiệm về vấn đề phát triển kinh tế, tổ chức nhân sự, phân bổ nhân sự trong phạm trù kinh tế ngoại thương.