Lỡ 1 cuộc gọi từ sếp trong ngày nghỉ, nhân viên bị phạt 34 triệu đồng: Tưởng quy định nghiêm khắc mà hóa bước lùi của một doanh nghiệp

Phương Linh |

Số tiền tương đương với gần 2 tháng lương nên nhiều nhân viên sẵn sàng bỏ việc bởi quy định oái oăm này.

Những quy định oái oăm tại nơi làm việc

Đầu tháng 3/2023, mạng xã hội Trung Quốc nóng lên vì quy định của một công ty ở tỉnh Quý Châu: Nhân viên bị phạt 10.000 NDT (gần 34 triệu đồng) nếu bỏ lỡ cuộc gọi từ Chủ tịch, Tổng giám đốc hoặc không trả lời tin nhắn của cấp trên trong 1 giờ, kể cả ngày nghỉ.

Cô Lưu đang trong thời gian thử việc là người đăng lên mạng xã hội thông tin này. Cô đã dừng làm việc ngay lập tức bởi một tháng cô kiếm được 6.000 NDT, nếu vì quy định này cô sẽ mất gần 2 tháng lương. Cư dân mạng đồng loạt tán thành với quyết định của cô Lưu, cho rằng dù trả lương cao đến mấy mà quy định quá khắc nghiệt họ cũng không thể làm việc nổi.

 Lỡ 1 cuộc gọi từ sếp trong ngày nghỉ, nhân viên bị phạt 34 triệu đồng: Tưởng quy định nghiêm khắc mà hóa bước lùi của một doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhiều người cho rằng quy định như vậy là thiếu tôn trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân viên, còn cuộc gọi tương đương gần 2 tháng lương chắc chắn là “cuộc gọi chết người”. Cư dân mạng khác còn tranh thủ “kể xấu” về những quy định lạ lùng, có phần khó chấp nhận tại công ty mình. Ví dụ như nếu nói chuyện riêng sẽ bị phạt 200 NDT, không được đi vệ sinh quá 10 phút, không được ra khỏi công ty sau khi chấm công,...

Nhà sáng lập Panasonic Konosuke Matsushita từng nói: "Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là con người", các doanh nghiệp đặt ra quy định gây khó nhân viên như vậy liệu có đang coi trọng “tài sản lớn nhất” của mình không?

Một công ty có thể có những ý tưởng hàng đầu, những sản phẩm tốt nhất và công nghệ hiếm nhất, nhưng nó cũng cần con người để vận hành. Doanh nghiệp chắc chắn sẽ không thể đứng vững hay phát triển xa hơn nếu không có đội ngũ nhân viên có tâm, có tầm sẵn sàng cống hiến.

Công ty tôn trọng nhân viên, càng phát triển mạnh mẽ

Trong thời gian phong tỏa vào năm 2022, mọi ngành đều phải đối mặt với sự sụt giảm về khối lượng kinh doanh và lợi nhuận, nhưng một số công ty vẫn thể hiện sự hào phóng khi hỗ trợ nhân viên của họ hết lòng như tặng các gói quà thực phẩm, thậm chí còn tặng cả tủ lạnh để họ dự trữ lương thực.

Cựu CEO công ty xử lý thẻ tín dụng Gravity Payments Dan Price đã giảm mức lương hàng năm của mình từ 1,1 triệu USD xuống 70.000 USD từ năm 2015 để tăng lương cho 120 nhân viên trong công ty lên cao ngang lương ông. Khi dịch bệnh bùng phát, Price thà không có lương còn hơn sa thải 1 nhân viên.

Với sự đồng lòng của tất cả nhân viên, công ty vượt qua khoảng thời gian khó khăn nhất và đạt mức tăng trưởng doanh thu sau đó vài tháng. Năm 2021, số nhân viên của Price đủ khả năng mua nhà tăng gấp 10 lần, trong khi doanh thu hàng năm của công ty tăng gấp 3 lần.

 Lỡ 1 cuộc gọi từ sếp trong ngày nghỉ, nhân viên bị phạt 34 triệu đồng: Tưởng quy định nghiêm khắc mà hóa bước lùi của một doanh nghiệp - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Có một "Định luật Ossington" trong quản lý nơi làm việc: Công ty càng chăm sóc nhân viên của mình thì thị trường sẽ càng quan tâm đến công ty đó. Người lãnh đạo có tầm nhìn sẽ hiểu rằng số tiền chi cho nhân viên bây giờ sẽ thu được lợi nhuận gấp đôi trong tương lai. Những công ty càng chắt chiu từng xu, không muốn chi tiền phát triển và khuyến khích nhân sự càng dễ đi lùi.

Nhà văn Trung Quốc Lưu Khởi từng nói: "Tôi chưa từng thấy công ty nào đối xử với nhân viên của mình như kẻ trộm lại có thể thành công”. Thái độ của doanh nghiệp đối với nhân viên quyết định được sự sống còn của họ trên thương trường.

Gần đây, công ty Bàn Đông Lai ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc gây sốt bởi những phúc lợi đáng ghen tỵ dành cho nhân viên. Theo đó, công ty này có một "giải thưởng" vô cùng đặc biệt: Nếu nhân viên nào bị khách hàng hoặc nhà cung cấp, đối tác xúc phạm trong quá trình làm việc và có bằng chứng, người đó sẽ nhận được số tiền lên tới 500 - 5.000 NDT (~1,7 - 17 triệu đồng) để bù đắp cho tổn thương tinh thần.‏

Khi các doanh nghiệp khác còn đang thúc đẩy văn hóa làm thêm giờ 996 thì ở Bàn Đông Lai có quy định nếu làm thêm sau 6 giờ chiều sẽ bị phạt 5.000 NDT. Ngoài ra còn có quy định nhân viên không được trả lời các cuộc gọi liên quan đến công việc sau giờ làm việc, nếu sếp gọi điện mà bắt máy, nhân viên còn bị phạt 200 NDT.

 Lỡ 1 cuộc gọi từ sếp trong ngày nghỉ, nhân viên bị phạt 34 triệu đồng: Tưởng quy định nghiêm khắc mà hóa bước lùi của một doanh nghiệp - Ảnh 3.

Ông trùm siêu thị Vu Đông Lai. Ảnh: SCMP

Người sáng lập Bàn Đông Lai, Vu Đông Lai đã nhiều lần bày tỏ quan điểm: "Trong sự phát triển của doanh nghiệp, mối quan tâm dành cho con người là trên hết". Ông còn kêu gọi các doanh nghiệp nên phát triển chậm lại, không nhắm đến mục tiêu tạo ra lợi nhuận một cách mù quáng. Vu Đông Lai còn chia cổ phần công ty cho nhân viên từ những năm 2000, đồng thời nêu cao văn hóa học hỏi của công ty, thúc đẩy nhân viên trau dồi và tiến bộ từng ngày.

Chính nhờ văn hóa doanh nghiệp tiến bộ, Bàn Đông Lai thu hút nhiều nhân tài đến từ các trường đại học danh tiếng. Bản thân doanh nghiệp này cũng được biết đến là đại gia trong ngành bán lẻ của tỉnh Hà Nam, được nhiều doanh nhân nổi tiếng như nhà sáng lập Xiaomi Lôi Quân và Jack Ma đánh giá cao. Người dân địa phương luôn nói rằng Bàn Đông Lai là niềm tự hào của thành phố và nhận xét rằng nếu bạn đã mua sắm ở đây, bạn sẽ không bao giờ muốn đến siêu thị khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại