Lĩnh vực kinh tế các nhà đầu tư ngoại cực yêu thích tại Việt Nam, một ngành chiếm đến 73% vốn

Pha Lê |

Trong 11 tháng năm 2023, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân.

Thông tin mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/11/2023, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 20,25 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018 - 2023.

Trong 11 tháng năm 2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ, tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với 10 tháng.

Tính tới thời điểm hiện tại, có 2.865 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 58,1% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký đạt hơn 16,41 tỷ USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ.

Có 1.152 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 15,9% so với cùng kỳ, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 6,47 tỷ USD, giảm 32,1% so với cùng kỳ; 3.166 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 4% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp đạt gần 5,97 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực kinh tế các nhà đầu tư ngoại cực yêu thích tại Việt Nam, một ngành chiếm đến 73% vốn - Ảnh 1.

Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 20,97 tỷ USD, chiếm gần 72,71% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 40,2% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 2,87 tỷ USD, chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 31,4% so với cùng kỳ.

Về địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 11 tháng năm 2023. Quảng Ninh vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,11 tỷ USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2022.

TPHCM xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,08 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư cả nước, giảm 12,9% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội, với tổng vốn đầu tư đăng ký lần lượt là 2,8 tỷ USD, 2,7 tỷ USD và 2,6 tỷ USD.

Số dự án đầu tư mới tăng 58,1% so với cùng kỳ, tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI gồm cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong xúc tiến đầu tư,… như TPHCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương. Riêng 4 địa phương này đã chiếm tới 67,4% số dự án mới của cả nước trong 11 tháng.

Lĩnh vực kinh tế các nhà đầu tư ngoại cực yêu thích tại Việt Nam, một ngành chiếm đến 73% vốn - Ảnh 2.

Quảng Ninh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI

Từ đầu năm đến nay, 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,15 tỷ USD, chiếm hơn 17,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 10,9% so với cùng kỳ 2022.

Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ 2 với hơn 4,33 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ.

Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,17 tỷ USD, chiếm gần 14,5% tổng vốn đầu tư, tăng nhẹ 1,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...

Về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,1%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,2%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 27,9%).

11 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt 237,16 tỷ USD, giảm 6,9% so với cùng kỳ, chiếm 73,3% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt 235,42 tỷ USD, giảm 6,8%, chiếm 72,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 192 tỷ USD, giảm 11,1% so cùng kỳ và chiếm 64,3% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Tính lũy kế đến ngày 20/11/2023, cả nước có 38.844 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 462,4 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 294,2 tỷ USD, bằng 63,6% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại