Linh vật World Cup 2022 mang "quốc tịch" Trung Quốc: Cạnh tranh gay cấn trong 5 tháng, doanh nghiệp TQ đánh bại hàng chục đối thủ sừng sỏ, giành hợp đồng mơ ước

An An |

Sau 8 lần sửa đổi trong ròng rã 5 tháng, thành phẩm cuối cùng của linh vật World Cup Qatar 2022 mới được chấp nhận.

Vào tối ngày 20/11, lễ khai mạc World Cup 2022 đã được tổ chức tại sân vận động Al Bayt ở thành phố Al Khor, Qatar. Cùng với lời dẫn trầm ấm của nam diễn viên Morgan Freeman, hành trình về World Cup cứ thế từ từ mở ra.

32 con búp bê mặc áo thi đấu của 32 đội tuyển tham dự World Cup bước vào sân khấu và các bài hát chủ đề của các kỳ World Cup trước lần lượt được vang lên. Cùng lúc đó, những con búp bê bơm hơi, linh vật của các kỳ World Cup trước, lần lượt bước vào sân khấu, đứng ở vị trí trung tâm là linh vật của World Cup lần này, La'eeb.

Nhiều khán giả Trung Quốc lần đầu nhìn thấy La'eeb đã thốt lên:

"Đây...Đây là vỏ hoành thánh biết bay!".

Vỏ hoành thánh, cá đuối, khăn lau tay?

La'eeb lần đầu tiên ra mắt tại lễ bốc thăm World Cup Qatar vào ngày 1/4 năm nay.

Vào thời điểm đó, một số người hâm mộ đã bày tỏ sự thích thú mạnh mẽ với linh vật World Cup độc đáo này.

"Rốt cuộc nó là cái gì vậy? Một con cá đuối? Một cái khăn lau tay? Một vỏ hoành thánh?".

Ngay sau đó, ban tổ chức World Cup Qatar đã đưa ra câu trả lời. Tạo hình này mang tên La'eeb, được thiết kế theo văn hóa Qatar, trong tiếng Ả rập có nghĩa là siêu cầu thủ.

La'eeb khác với hình ảnh động vật sống của linh vật các kỳ World Cup trước đó. Nó dựa trên hình ảnh chiếc khăn đội đầu truyền thống của người Ả Rập. Một góc của khăn được cuộn lại để trở thành đầu của La'eeb.

La'eeb có khuôn mặt rất Ả Rập, lông mày rậm và đôi mắt to, trên hai "tay" có in hoa văn bóng đá, còn ở "chân" in hoa văn hoạt tiết truyền thống của Qatar. Hoa văn này thường được sử dụng trong trang phục truyền thống của Qatar.

Trong video tuyên truyền, La'eeb có đôi tay và đôi chân linh hoạt, có thể tâng bóng nhẹ nhàng khéo léo, rê bóng, đột phá... Ban tổ chức bày tỏ, hy vọng tạo hình của La'eeb sẽ khiến mọi người cảm nhận được khía cạnh vui tươi của bóng đá và sự nhiệt tình bùng nổ của vùng Ả Rập.

Vào ngày 12/8, thời điểm đếm ngược 100 ngày đến World Cup ở Qatar, La'eeb đã chính thức bắt đầu được bán trước trên nền tảng thương mại ở Trung Quốc. Phương thức bán hàng đối với La'eeb tương tự như hầu hết các sản phẩm liên quan đến giải đấu này, ngoại trừ những người quan tâm đến sự kiện đã tìm thấy nó thì những ngày đầu, doanh số bán hàng không tăng đột biến.

Tuy nhiên, với sự kiện khai mạc World Cup, doanh số bán hàng của La'eeb đã trở nên ngang bằng với Bingdundun, linh vật của Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh, thậm chí ở một số cửa hàng, La'eeb đã được mua với số lượng lớn.

Linh vật World Cup 2022 mang quốc tịch Trung Quốc: Cạnh tranh gay cấn trong 5 tháng, doanh nghiệp TQ đánh bại hàng chục đối thủ sừng sỏ, giành hợp đồng mơ ước - Ảnh 1.

La'eeb được trưng bày tại các gian hàng. Ảnh: Xinhua

Ý tưởng Trung Đông, "quốc tịch" Trung Quốc

Với tư cách là nhà cung cấp của Ban tổ chức World Cup Qatar, Công ty TNHH Phát triển Văn hóa Xa Xa, Quảng Đông chịu trách nhiệm khai thác thứ cấp, thiết kế và sản xuất các sản phẩm liên quan đến La'eeb như đồ chơi nhồi bông, mũ và chìa khóa 3D v.v...

Ông Trần Lôi Cương, Giám đốc điều hành Xa Xa, nói với China News Weekly rằng, "việc hợp tác với Ban tổ chức World Cup Qatar bắt đầu vào năm 2015 nhưng vào thời điểm đó, công ty không có kế hoạch đảm nhận công việc sản xuất linh vật của World Cup".

Bắt đầu từ tháng 2 năm nay, Xa Xa đã nhận được lời mời của Ban tổ chức World Cup 2022 tham gia thiết kế thú nhồi bông La'eeb.

Dù rất vui nhưng doanh nghiệp Trung Quốc cũng không khỏi lo lắng.

Theo ông Trần, công ty ông đã đặc biệt thành lập một nhóm thiết kế quy trình sản xuất linh vật, bao gồm những bậc thầy về tạo hình, mặt phẳng, ba chiều cũng như các kỹ thuật viên lành nghề liên quan, tổng cộng hơn 10 người.

"Đông Quản có lợi thế lớn là một trung tâm công nghiệp với chuỗi cung ứng hoàn chỉnh. Từ nguyên liệu thô đến công nhân lành nghề và bao bì đóng gói, chúng tôi có thể giao một lượng đáng kể chỉ trong 25 ngày. Chúng tôi đã sử dụng các vật liệu có thể tái chế, phù hợp với mục tiêu ít carbon của World Cup. Chúng tôi cũng sử dụng máy in 3D và máy thêu tự động để nâng cao năng suất", ông Trần nói.

Tuy nhiên, thiết kế độc đáo có nghĩa là phần lớn công việc phải được thực hiện bằng tay.

Công ty đã thực hiện tám nguyên mẫu dựa trên bản phác thảo ban đầu của FIFA. Giám đốc dự án Zhou Senya cho biết thiết kế hiện nay đã khiến cô nhiều đêm mất ngủ.

Như vậy, sau 8 lần sửa đổi trong ròng rã 5 tháng theo ý kiến ​​​​của Ban tổ chức World Cup Qatar, thành phẩm cuối cùng đã được chính thức chấp nhận và phê duyệt để sản xuất trong năm nay. Kể từ tháng 7, công ty đã sản xuất hàng trăm nghìn sản phẩm và lô sản phẩm cuối cùng đang được gửi đến Qatar vào ngày 21/11.

"Thời điểm được chấp thuận, chúng tôi vui mừng như thể công ty của chúng tôi đã giành được quyền đăng cai World Cup", ông Trần nhớ lại, nhóm của ông đã đánh bại hàng chục nhà cung cấp trên toàn thế giới để giành được hợp đồng đáng mơ ước.

Vào buổi tối ngày 20/11, đứng trước TV, nhìn La'eeb bay lượn giữa sân vận động, ông không giấu được sự phấn khích, cảm thấy những nỗ lực của mình trong những năm qua là xứng đáng. .

"Thực ra, ngay từ khi Bingdundun bán chạy, tôi đã biết La'eeb chắc chắn sẽ thành công. Xét từ phản hồi hiện tại, mọi người đều thích La'eeb, vì vậy những nỗ lực trước đây của chúng tôi không phải là vô ích".

Linh vật World Cup 2022 mang quốc tịch Trung Quốc: Cạnh tranh gay cấn trong 5 tháng, doanh nghiệp TQ đánh bại hàng chục đối thủ sừng sỏ, giành hợp đồng mơ ước - Ảnh 2.

Đẹp, độc, dễ bán

Trần Lôi Cương có quan điểm riêng của mình về loại linh vật cho một sự kiện quy mô lớn nên có những tiêu chuẩn nào.

"Tôi nghĩ tiêu chí quan trọng nhất là phải mang đặc trưng đậm dấu ấn của nước chủ nhà, để mọi người chỉ cần nhìn thoáng qua là có thể biết linh vật đến từ đất nước nào", ông Trần nói.

La'eeb là linh vật thứ 15 trong lịch sử World Cup, ở kỳ World Cup đầu tiên do Uruguay đăng cai năm 1930 không hề có khái niệm về linh vật. Mãi đến kỳ World Cup 1966 tại Anh, linh vật mới được sử dụng lần đầu tiên, kể từ đó, mỗi quốc gia đăng cai World Cup sẽ tung ra một linh vật gắn với văn hóa quốc gia của mình.

Trong số đó, động vật là hạng mục có nhiều linh vật được các nước chủ nhà World Cup tung ra thị trường nhất. Chẳng hạn như sư tử Willie ở World Cup 1966 tại Anh, chú cún Striker ở World Cup 1994 tại Mỹ, gà trống Footix ở World Cup 1998 tại Pháp, sư tử Goleo VI ở World Cup 2006 tại Đức, sói Zabivaka của World Cup 2018 tại Nga, đều mô phỏng theo động vật.

Ngoài ra, hình ảnh có liên quan chặt chẽ hơn đến các yếu tố văn hóa như chiếc mũ cỏ của Mexico, áo thi đấu màu xanh lam và trắng của Argentina hay quốc kỳ ba màu đỏ, trắng và xanh lá cây của Ý.

Trong 60 năm qua, linh vật World Cup duy nhất không liên quan gì đến văn hóa là linh vật của World Cup Hàn Quốc-Nhật Bản năm 2002. hình tượng linh vật cũng lần đầu tiên được xây dựng theo dạng tưởng tượng, đó là 3 nhân vật do máy tính tạo ra với tên gọi Ato, Kaz và Niks.

Đối với một sự kiện quy mô lớn như World Cup, linh vật có hai chức năng, thứ nhất là thu hút người hâm mộ, đặc biệt là những người không hâm mộ bóng đá, khiến giải đấu hấp dẫn hơn, truyền bá hình ảnh nước chủ nhà, đặc biệt về du lịch và ẩm thực; thứ hai, thông qua việc bán các sản phẩm được ủy quyền, thu về một phần chi phí.

Tại World Cup 1982 ở Tây Ban Nha, linh vật đã phá vỡ quy ước sử dụng động vật hoặc nhân vật làm linh vật, thay vào đó sử dụng một quả cam khổng lồ mập mạp làm nhân vật chính, bởi vì đó là đặc sản mà người Tây Ban Nha rất tự hào, có tên là Naranjito. Do sự thành công của thiết kế và tầm ảnh hưởng của World Cup, Naranjito thậm chí còn thúc đẩy khối lượng xuất khẩu cam của Tây Ban Nha trong vài năm sau đó.

Nhưng không phải tất cả các linh vật của World Cup sẽ được bán dưới dạng hàng hóa khi chúng được sản xuất. Chẳng hạn, chú sư tử Goleo VI ở World Cup 2006 tại Đức không những không giúp được gì về doanh thu mà người hâm mộ Đức thậm chí còn công khai phàn nàn về việc linh vật có "râu quá dài và không mặc quần" làm mất hình ảnh người Đức trước thế giới.

Kết quả là do sản phẩm không bán được, NICI, nhà sản xuất chú sư tử Goleo VI đã tuyên bố phá sản vào trước đêm khai mạc World Cup 2006 tại Đức. Goleo VI cũng trở thành "cầu thủ" đầu tiên giải nghệ trong World Cup đó.

Hiện tại, thiết kế của La'eeb và mối liên hệ chặt chẽ với văn hóa Qatar và thậm chí của khu vực Ả Rập có khả năng khiến nó trở thành linh vật World Cup phổ biến nhất trong 20 năm qua.

"Khi chúng tôi nhìn thấy bản vẽ thiết kế của La'eeb, trong thâm tâm chúng tôi đã biết rằng sản phẩm này chắc chắn sẽ nổi tiếng", ông Trần nói.

Do Qatar đầu tư rất nhiều cho việc đăng cai World Cup nên hình ảnh La'eeb đã trở nên phổ biến trong suốt thời gian diễn ra World Cup, từ sân vận động, xe buýt, đường xá và thậm chí cả cuộc sống hàng ngày của người dân Qatar.

Với việc La'eeb trở nên nổi tiếng toàn cầu, doanh nghiệp Trung Quốc đã thành công với doanh thu khá lớn và một vị trí trong lịch sử World Cup.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại